17:47 17/05/2007

“Phản ứng thái quá” trên thị trường chứng khoán?

Việc VN-Index không tiếp tục đi xuống có thể là do thị trường đang nằm trong chu trình gọi là “phản ứng thái quá”

Kinh tế bùng nổ rồi sẽ đến chu kỳ suy thoái, nước nào cũng thế, vấn đề là người cầm lái nền kinh tế và thị trường chứng khoán có giảm bớt những tác động chu kỳ ấy hay không.
Kinh tế bùng nổ rồi sẽ đến chu kỳ suy thoái, nước nào cũng thế, vấn đề là người cầm lái nền kinh tế và thị trường chứng khoán có giảm bớt những tác động chu kỳ ấy hay không.
Chỉ cách nay vài tuần, nhiều người đã lo lắng thị trường chứng khoán sẽ trượt rất dài, chỉ số VN-Index có thể xuống đến những mốc 800, 700 điểm.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy có vẻ như lo ngại đó đã không còn. Nguyên nhân sâu xa của việc VN-Index không xuống đến mức 800 hay 700 điểm có thể là do thị trường đang nằm trong giai đoạn đầu của một chu trình gọi là “phản ứng thái quá”, với trình tự là ban đầu thị trường tiếp tục xu hướng tăng giá và sau một thời gian, mới bắt đầu giai đoạn suy thoái mạnh mẽ.

Nhiều nghiên cứu trên thị trường tài chính trong những năm cuối thế kỷ 20 gọi đây là hiệu ứng thuận xu thế ngắn hạn và đảo ngược xu thế dài hạn (short term momentum and long term reversal).

Chu trình “phản ứng thái quá” của thị trường chứng khoán Việt Nam - bắt nguồn từ nền kinh tế

Tại các thị trường đi trước (cả phát triển và mới nổi), thị trường chứng khoán phản ánh những thay đổi căn bản của nền kinh tế.

Chính vì thế, diện mạo hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam là phản ánh căn bản diện mạo của nền kinh tế nước ta, một đất nước được xem là “ngôi sao” trong năm vừa qua. Đi cùng với sự hội nhập nhanh của nền kinh tế là một hiệu ứng phụ, những dấu hiệu của một quá trình “phản ứng thái quá” của nền kinh tế.

Quá trình này được “kích hoạt” từ những tin tức tốt đẹp liên tục của việc Việt Nam gia nhập WTO, rồi từ “hiệu ứng PNTR” khiến cho rất nhiều người tin tưởng vào tương lai sáng sủa của nền kinh tế cũng như của thị trường. Vậy phản ứng thái quá thể hiện ở đâu?

Thứ nhất là phản ứng thái quá của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quá tự tin, vội vã chớp thời cơ Việt Nam mới gia nhập WTO vì sợ nó mau chóng qua đi; hoặc vì đã xem thường, chuẩn bị không đầy đủ ở những giai đoạn trước đây, đều đồng loạt “phản ứng thái quá” trong hiện tại, thể hiện bằng việc huy động vốn ồ ạt để đầu tư khiến nảy sinh nguy cơ đầu cơ quá mức (over-investment).

Thậm chí, có những hành vi phản ứng thái quá tiêu cực là lợi dụng thời cơ này để kiếm tiền “nóng”, bằng việc dành rất nhiều thời gian để “thổi giá” cổ phiếu, thay vì tập trung vào những tính toán mang tính chiến lược.

Phản ứng thái quá thứ hai thể hiện ở chỗ nhiều người đang “tự tin” khởi nghiệp, sợ “cơ hội qua đi thì uổng lắm”. Tinh thần doanh nghiệp lan rộng trong xã hội là một điều đáng mừng, nhưng nếu quá nhiều người khởi nghiệp trong một tâm trạng vội vã và sợ cơ hội qua đi như thế thì về mặt nào đó có thể xem là phản ứng thái quá.

Phản ứng thái quá thứ ba, nằm ở người tiêu dùng. Nhìn vào báo cáo về xuất nhập khẩu ba tháng đầu năm, chúng ta thấy chẳng những nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng phản ánh xu thế đầu tư cho phát triển, mà còn phản ánh nhu cầu nhập khẩu những nhóm hàng “không thiết yếu” cũng tăng rất mạnh.

Điều này hàm ý người tiêu dùng đang lạc quan hơn, và tiêu thụ nhiều hàng hóa “không thiết yếu” của nước ngoài hơn. Khi kinh tế tăng trưởng, điều này là hợp logic, nhưng nếu xu thế này phát triển quá mức, nó tiềm ẩn một dạng phản ứng thái quá rất đáng ngại cho nền kinh tế.

Cuối cùng là phản ứng của nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cứ thấy doanh nghiệp huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu mới, chia cổ tức bằng cổ phiếu, có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu thì lấy đó làm mừng, tham gia đẩy giá cổ phiếu lên nữa. Điều này dễ tạo thành giai đoạn đầu tiên trong quá trình “phản ứng thái quá” trên thị trường chứng khoán, đó là giai đoạn thuận xu thế trong ngắn hạn.

Mức kỳ vọng của các nhà đầu tư sẽ cứ tích lũy dần trong giai đoạn thuận xu thế cho đến khi nhiều dự án đầu tư quan trọng của các công ty thất bại do ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế hay lý do khách quan nào đó. Và khi các nhà đầu tư thất vọng với các doanh nghiệp, đó là lúc giai đoạn “đảo ngược xu thế dài hạn” diễn ra.

Đảo ngược xu thế trong dài hạn - rủi ro rất đáng quan tâm

Giai đoạn này bắt đầu sau khi thị trường chứng khoán liên tục tăng một vài năm, chu kỳ kinh tế bắt đầu điều chỉnh giảm thì thị trường chứng khoán sẽ “rơi” nhanh và quan trọng hơn là duy trì bất ổn định ở mức thấp khá lâu.

Có thể chúng ta nghĩ còn lâu lắm mới đến giai đoạn này, nhưng nếu nhìn lại tình trạng của một số nước châu Mỹ Latinh hay Thái Lan, Indonesia trong quá khứ, sẽ thấy những chu kỳ lên ngoạn mục và rớt thê thảm không phải là quá dài (có trường hợp chu kỳ tăng giá chỉ vài năm nhưng thị trường mất ổn định gần năm năm sau đó).

Hậu quả kéo dài và nghiêm trọng của nó lên các nước từng “nổi đình, nổi đám” một thời khiến các nước đó rất khó khăn trong việc quay lại “thời hoàng kim”. Argentina và Thái Lan là những ví dụ đáng tham khảo.

Do đó, để đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển ổn định, chúng ta phải có cách làm dịu “phản ứng thái quá” của thị trường, mà căn cơ là làm dịu “phản ứng thái quá” có thể đang tồn tại trong nền kinh tế, bắt nguồn từ tâm lý lạc quan quá cao trước những thuận lợi sau khi gia nhập WTO (trong khi những thách thức có thể vẫn chưa được đánh giá đầy đủ).

Lạc quan là cần thiết, nhưng cái gì tốt mà đi quá mức thì cũng có thể thành xấu. Kinh tế bùng nổ rồi sẽ đến chu kỳ suy thoái, nước nào cũng thế, vấn đề là người cầm lái nền kinh tế và thị trường chứng khoán có giảm bớt những tác động chu kỳ ấy hay không.

Việc Mỹ và châu Âu hiện đang chật vật trong việc điều hành các chính sách kinh tế nhằm duy trì thị trường chứng khoán và tốc độ tăng trưởng kinh tế cho thấy, không có nước nào là ngoại lệ trong mẫu hình lên rồi xuống này.

Chỉ khác ở chỗ, những nước này đã có nhiều kinh nghiệm “thăng, trầm” nên họ tìm cách làm dịu “phản ứng thái quá” của nhà đầu tư và nền kinh tế bằng chính sách kinh tế. Nhờ đó họ có thể “mượt hóa” quá trình phát triển của mình, hạn chế những đợt “sốc” đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Phải chăng chúng ta nên học tập điều này?