10:06 15/08/2007

“Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu số 1 tại Việt Nam”

Thuỳ Trang

Tân Đại sứ Cộng hoà Pháp Hervé Bolot chia sẻ những suy nghĩ và dự định của ông trên cương vị mới tại Việt Nam

"Với thị trường hơn 80 triệu dân như Việt Nam, đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng."
"Với thị trường hơn 80 triệu dân như Việt Nam, đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng."
Ngày 14/8, tại Hà Nội, tân Đại sứ Cộng hoà Pháp Hervé Bolot đã có cuộc gặp gỡ báo chí và chia sẻ những suy nghĩ cũng như dự định của ông trên cương vị mới tại Việt Nam.

Đại sứ có đề ra mục tiêu gì trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam?

Mục tiêu của chúng tôi có nhiều. Ngoài lĩnh vực văn hoá tôi cũng có mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hai nước trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Chúng tôi không chỉ mong muốn tăng cường hơn nữa đầu tư của Pháp vào Việt Nam mà còn tăng cường hơn nữa các dự án hợp tác giữa hai nước thông qua các liên doanh.

Tôi mong muốn làm sao khi kết thúc nhiệm kỳ của mình sẽ có một bản tổng kết thông báo rằng mối quan hệ trao đổi giữa Pháp và Việt Nam đã tăng lên trong nhiệm kỳ của tôi. Đó chính là tham vọng của tôi.

Một điều quan trọng nữa là trong năm 2008, Pháp sẽ là Chủ tịch luân phiên của EU đối với Việt Nam. Vì vậy tôi có rất nhiều việc phải làm trong nhiệm kỳ 3 năm của mình.

Ông nhận định như thế nào về thực tế đầu tư của Pháp vào Việt Nam hiện nay?

Trên phương diện song phương, Pháp hiện đang là nhà đầu tư châu Âu số 1 tại Việt Nam. Tôi hi vọng rằng các khoản đầu tư của Pháp sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp Pháp có đặc tính là hết sức quan tâm đến quan hệ đối tác lâu dài. Với thị trường hơn 80 triệu dân như Việt Nam, đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng.

Trong hợp tác phát triển kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tôi là người có kinh nghiệm. Tôi đã từng tham gia vào việc giúp đỡ Cônggô vực dậy nền công nghiệp nước này. Và gần đây nhất, trong nhiệm kỳ của mình, với tư cách Đại sứ của Pháp tại Rumani, mỗi năm đã có khoảng 1 tỉ Euro của Pháp đầu tư vào nước này.

Đó là những kinh nghiệm quý báu tôi có thể phát huy trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Tại một đất nước có ảnh hưởng lớn của đạo Khổng như Việt Nam thì kinh nghiệm giữ một vai trò quan trọng hơn nhiều.

Tại Việt Nam người ta đang nói nhiều đến làn sóng đầu tư từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, theo ngài thì liệu sẽ có làn sóng như vậy của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam không?

Vốn là một nhà địa lý nên tôi luôn nghĩ đến những khái niệm về mặt địa lý. Khi nói đến một làn sóng chúng ta cảm tưởng rằng chỉ là cái gì đó thoảng qua. Tôi muốn làm sao để mực nước biển dâng lên chứ không chỉ là sóng nâng cao nhất thời.

Nhưng trong lĩnh vực kinh tế chúng ta phải tôn trọng những hiện thực khách quan. Mà hiện thực khách quan thường khó lay chuyển. Chúng tôi hiểu rằng khi giúp đỡ Việt Nam tham gia WTO là làm gia tăng sự cạnh tranh của các đối thủ trong khu vực trên thị trường Việt Nam. Điều đó hết sức tự nhiên.

Dĩ nhiên, do khoảng cách địa lý nên những sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản sang Việt Nam sẽ có giá cạnh tranh hơn so với giá nhập khẩu từ Pháp. Vì vậy, phía Pháp quan tâm đến những lĩnh vực mà sự cạnh tranh của các nước láng giềng không mạnh bằng.

Ví dụ những lĩnh vực Pháp có thế mạnh như công nghệ cao, y tế, đào tạo, hàng không... Trong những lĩnh vực như thế độ giãn của cầu so với mức giá không lớn nên ảnh hưởng của chi phí vận chuyển không tác động nhiều đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp.

Cạnh tranh dĩ nhiên có những khiếm khuyết của nó nhưng đó là môi trường lành mạnh bởi vì nó đưa ra được các tiêu chí kinh tế rõ ràng để các khách hàng chọn được phương án tối ưu cho mình.