09:43 02/10/2007

Pháp, nhà đầu tư ngoài châu Á lớn nhất tại Việt Nam

Thùy Trang

Đầu tư của Pháp vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào công nghiệp nặng, giao thông, bưu điện

Trung tuần tháng 9 vừa qua, tập đoàn bảo hiểm AXA của Pháp đã hợp tác chiến lược với Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh bằng việc sở hữu 16,6% cổ phần của Bảo Minh. Trong ảnh là lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai doanh nghiệp này - Ảnh: Tú Uyên.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, tập đoàn bảo hiểm AXA của Pháp đã hợp tác chiến lược với Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh bằng việc sở hữu 16,6% cổ phần của Bảo Minh. Trong ảnh là lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai doanh nghiệp này - Ảnh: Tú Uyên.
Từ lâu, Pháp vẫn là một trong những nhà đầu tư phương Tây lớn nhất tại Việt Nam kể cả về vốn cam kết và vốn thực hiện và đứng thứ 7 trong tổng số 74 nước và lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam.

>>Nhìn lại quan hệ kinh tế Việt - Pháp

Tính đến tháng 3/2006, Pháp đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn cam kết khoảng 2,2 tỷ Euro (trong đó đã thực hiện khoảng 1,19 tỷ Euro) cho trên 176 dự án. Đầu tư của Pháp vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào công nghiệp nặng, giao thông, bưu điện, được phân bố tại 30 tỉnh và thành phố.

Về hỗ trợ phát triển, Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là: viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố và cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong số các nước hưởng ODA của Pháp.

Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam tổng số vốn trên 1,2 tỷ Euro cho trên 210 dự án. Trong những năm gần đây, Pháp đã liên tục cam kết tăng ODA cho Việt Nam, năm sau cao hơn năm trước (2002: 103 triệu Euro, 2003: 106 triệu; 2004: 334,4 triệu; 2005: 339,8 triệu; 2006: 281 triệu trong đó có 34 triệu Euro không hoàn lại).

Đặc biệt trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Bộ trưởng Đặc trách hợp tác và Pháp ngữ Pháp tháng 9/2006, phía Pháp tuyên bố cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 1,4 tỷ Euro cho giai đoạn 2006-2010 để tài trợ các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tài liệu khung về đối tác Việt Nam - Pháp 2006-2010 như hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và an toàn thực phẩm, dịch vụ, ngân hàng và tài chính.

Pháp đã định hướng hợp tác trung hạn với Việt Nam, tập trung thế mạnh vào 4 lĩnh vực ưu tiên: pháp luật và chính sách; giáo dục và nghiên cứu; hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế; xoá đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện xã hội.

Các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam

Hiện nay có 230 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam (một số doanh nghiệp có nhiều cơ sở trên khắp cả nước) với 24.000 nhân công, trong đó có 320 người Pháp. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động dưới dạng văn phòng đại diện (37%), công ty liên doanh (21%) và các chi nhánh độc lập (17%).

Thị trường phát triển mạnh mẽ của Việt Nam hấp dẫn đông đảo nhiều tập đoàn lớn của Pháp. Còn ngành công nghiệp dược đang tận dụng được sự hiện diện của mình từ trong suốt quá trình lịch sử tại thị trường này và một số hãng dược phẩm còn được sở hữu địa điểm sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực điện thoại và công nghệ truyền thông. Hơn nữa, việc Việt Nam gia nhập WTO đã có những tác động đáng kể trong lĩnh vực dịch vụ.

Theo những cam kết gia nhập, Việt Nam đã mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Ngay trong trung tuần tháng 9 vừa qua, tập đoàn bảo hiểm AXA của Pháp đã hợp tác chiến lược với Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh bằng việc sở hữu 16,6% cổ phần của Bảo Minh.

Tháng 9/2001, EDF - Công ty Điện lực Pháp - đứng đầu một tổ hợp (cùng với công ty của Nhật và Công ty Điện lực EVN) đã đạt được quyền quản lý BOT của Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2. Năm 1997, Tập đoàn France Telecom thực hiện hợp đồng hợp tác trị giá 467 triệu USD xây dựng 540.000 đường dây điện thoại tại phía Tây Tp.HCM.

Tháng 7/2005, Công ty TNHH Alcatel Việt Nam 100% vốn nước ngoài đã được cấp phép thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của Alcatel tại Việt Nam. Hiện nay, Alcatel đang chiếm hơn 30% thị phần thiết bị mạng cố định nội hạt và 30% thị phần thiết bị băng thông rộng (DSL).

Ngoài ra, trong số các nhà đầu tư chính của Pháp tại Việt Nam có thể kể đến tập đoàn Bourbon với số vốn đầu tư lên tới 270 triệu USD thông qua 7 giấy phép đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau.

Quan hệ thương mại Pháp - Việt

Trong những năm gần đây, kim ngạch trao đổi thương mại Việt - Pháp tăng liên tục (khoảng 10-15%/năm), đưa Pháp trở thành một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở Tây Âu. Năm 2003, buôn bán hai chiều đạt 1,3 tỷ Euro, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 890 triệu Euro và nhập từ Pháp hơn 400 triệu Euro. Năm 2006, kim ngạch hai chiều tiếp tục tăng khoảng 10%, đạt khoảng 1,6 tỷ Euro.

Trong các mặt hàng Pháp xuất khẩu sang Việt Nam phải kể đến trước hết là dược phẩm (chiếm 21% hàng xuất khẩu). Với mức tăng 8% trong năm 2005, đây là một lĩnh vực vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Lĩnh vực máy và thiết bị điện cũng chiếm 21% xuất khẩu của Pháp, ngay cả khi các mặt hàng này giảm đến 44%. Vị trí thứ ba trong số các mặt hàng xuất khẩu là máy và dụng cụ cơ khí (36 triệu Euro, tương đương với 12% thị phần) vốn đã rất thành công vào năm 2003 (107 triệu Euro) thông qua việc bán tourbin gas.

Kim ngạch hàng Pháp nhập khẩu từ Việt Nam cũng gia tăng đều đặn. Mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất từ Việt Nam là giày da, chiếm 38% tổng lượng hàng nhập khẩu, tương đương với 360 triệu Euro năm 2005. Nhập khẩu đồ nội thất và đồ gỗ cũng tăng: +34% năm 2004 và + 13% năm 2005, tương đương với 103 triệu Euro.

Các mặt hàng may mặc chiếm 118 triệu Euro, tương đương với 12% lượng nhập khẩu của Pháp từ Việt Nam. Mặt hàng túi nhựa, cao su xuất sang Pháp cũng nằm trong danh sách “tăng đều đặn” với 54 triệu Euro, chiếm vị trí thứ 4 trong tổng số hàng nhập khẩu (+9% năm 2005). Hơn thế nữa, lần đầu tiên Pháp đã nhập 43 triệu Euro thiết bị điện tử như đầu video, máy quay phim và vô tuyến.