13:40 10/09/2007

Phát hành chứng khoán: “Không nên chỉ xong là thôi!”

Lan Hương

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam chia sẻ những suy nghĩ về việc phát hành cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp

"Có không ít đợt phát hành tiềm ẩn khả năng là để tranh thủ, để tận dụng nguồn vốn khá vô tư trước các cơn khát đầu tư trên thị trường."
"Có không ít đợt phát hành tiềm ẩn khả năng là để tranh thủ, để tận dụng nguồn vốn khá vô tư trước các cơn khát đầu tư trên thị trường."
Thời gian gần đây, dư luận nói nhiều đến phương án phát hành cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp mà theo đó không những ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông mà còn khiến cho các trung tâm giao dịch chứng khoán rất khó khăn, thậm chí là không cách nào tính được giá tham chiếu điều chỉnh trong ngày chốt quyền.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Huy Nam, chuyên gia kinh tế tài chính và thị trường chứng khoán đã chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ về vấn đề này.

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, các doanh nghiệp xem đây là kênh phát hành cổ phiếu để huy động vốn hữu hiệu nhất. Nhưng theo ông, các phương án phát hành hiện nay của các doanh nghiệp đã hiệu quả chưa và hoàn toàn đúng cách, đúng kỹ thuật chưa?

Thời gian qua có nhiều đợt phát hành huy động vốn theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, đây là biểu hiện tích cực về hiệu lực hoạt động của thị trường chứng khoán. Nhưng đồng thời cũng có không ít đợt phát hành tiềm ẩn khả năng là để tranh thủ, để tận dụng nguồn vốn khá vô tư trước các cơn khát đầu tư trên thị trường.

Điều này phần nào đã dẫn đến tình trạng sử dụng vốn không đúng theo nhu cầu phát triển, không theo dự án cụ thể hay kế hoạch sử dụng vốn đã được xác lập. Do vậy, kỳ vọng của nhà đầu tư, mong đợi của nền kinh tế và của thị trường chưa được đáp ứng.

Một phương án phát hành dự kiến vào năm sau nhưng đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền vào năm nay. Hoặc một phương án khác sau khi phát hành tỷ lệ cổ đông Nhà nước tăng hơn tỷ lệ cũ... Những phương án như thế theo ông liệu đã đúng chưa?

Một phương án phát hành nghiêm túc phải dựa trên và triển khai theo kế hoạch sử dụng vốn cụ thể. Kế hoạch này cần được xây dựng trên cơ sở nhu cầu vốn phát triển, theo những toan tính khả thi, được đại hội đồng cổ đông thông qua, và phải thuyết phục được các nhà đầu tư tiềm năng...

Tất cả sẽ còn dựa trên các hành lang luật lệ, các thông lệ hành xử phổ quát, cần được tuân thủ và thực hiện theo cam kết. Cho nên không thể có sự tùy tiện. Bất cứ sự tùy tiện nào nếu có cũng đều kém thuyết phục, sẽ làm cho môi trường xấu đi, sẽ là lợi bất cập hại.

Vấn đề đặt ra ở đây có lẽ không cần đến câu trả lời đúng sai mà tự nó là sự nhắc nhở đối với doanh nghiệp, với cổ đông và nhà đầu tư nói chung, về vai trò và cách hành xử đúng mực mà từng thành tố sẽ cần chú trọng là gì, làm gì để có một bối cảnh phát triển vững bền, thay vì quá dễ dãi...

Vậy một phương án phát hành được xem là đúng cách, đúng kỹ thuật thì cần lưu ý đến những yếu tố nào?

Như đã nói ở trên đợt phát hành đó một mặt phải tuân thủ các trình tự theo quy định của luật pháp và điều lệ công ty, mặt khác cần đáp ứng các yêu cầu có tính ước lệ về huy động và sử dụng vốn đại chúng. Đợt phát hành đó cần xuất phát từ các toan tính phát triển tích cực, thể hiện bởi các dự án và/hoặc kế hoạch cụ thể.

Như vậy hàng loạt các vấn đề sẽ cần đặt ra, được cân nhắc và giải quyết trước, trong và sau đợt phát hành. Một đợt phát hành thành công không đơn giản chỉ là việc doanh nghiệp thu được nhiều tiền, mà là sự gặp gỡ có tính giao duyên về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và kỳ vọng của nhà đầu tư.

Chính vì lẽ này mà trên thế giới người ta rất chú trọng đến mục tiêu cũng như quy mô vốn huy động của đợt phát hành, tính toán dòng tiền thu về và sử dụng thế nào cho hiệu quả nhất, phát hành một lúc hay từng đợt, sử dụng vốn cổ phần hay trái phiếu...

Ở Việt Nam điều này xem ra còn dễ dãi, nên có vẻ như lúc phát hành thì thủ tục, bài bản, còn việc sử dụng vốn là chuyện tính sau. Có doanh nghiệp thu về cùng lúc một lượng vốn rất lớn (có người nói “như trời cho”) để rồi lúng túng, lúc đó mới làm kế hoạch sử dụng vốn! Điều này thể hiện sự thiếu chặt chẽ trong việc khai thác nguồn tiền của đại chúng, có thể làm cho môi trường phát hành xấu đi.

Thông thường thì những phương án phát hành của doanh nghiệp đều được các công ty chứng khoán tư vấn. Vậy phải chăng các công ty chứng khoán lại không để ý đến những kỹ thuật điều chỉnh giá cổ phiếu khi thực hiện phương án phát hành?

Đây là một vấn đề, hay đúng hơn là một thực tế có lắm điều đáng nói nhưng nhạy cảm. Đối với các trường hợp phát hành để tranh thủ tình trạng lạc quan của thị trường, hay để phục vụ các mục đích khác, chứ không phải chỉ thuần là phục vụ cho họat động sản xuất kinh doanh bình thường, có thể doanh nghiệp đã bỏ qua hay không lường hết các bất cập hay hậu quả không như mong đợi đối với thông lệ quản trị và tài chính doanh nghiệp, cụ thể hơn là sự tác hại đến giá cổ phiếu về lâu về dài...

Trong quá khứ không ít trường hợp doanh nghiệp xem việc phát hành như một “động tác” chứ không phải là hoạt động huy động vốn thật sự. Vấn đề này tôi đã phân tích nhiều, dù đã có biện pháp khắc phục, cách hiểu cách làm này đến nay vẫn còn phổ biến. Sự việc cho dù có được các công ty chứng khoán tư vấn, nhưng vì nhiều lý do (kinh nghiệm, trình độ, sự không lường hết, hay đơn giản từ vai trò làm công) các công ty chứng khoán cũng đã không cải thiện được tình hình.

Mà dẫu công ty chứng khoán có thấy ra vấn đề và khuyến nghị thì e cũng khó lay chuyển được ý muốn chủ quan quá mạnh, không chỉ của doanh nghiệp mà cả của nhà đầu tư...

Theo tôi, vấn đề cần được đặt trong một hành lang quy chuẩn trước khi trình độ thị trường được nâng lên. Do việc bảo vệ nhà đầu tư và môi trường đầu tư là quan trọng, và không thể chờ đợi, nên điều gì đạt được yêu cầu này thì ta cần làm ngay.

Dưới góc độ chuyên môn và cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn phát hành của doanh nghiệp, ông thấy gì qua thực trạng phát hành hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam?

Điều đáng mừng là gần đây thị trường chứng khoán đã đem lại lợi ích thiết thực cho họat động doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng đáp ứng các nguồn vốn dài hạn thông qua hoạt động phát hành đại chúng. Nhiều doanh nghiệp đã “lớn lên” nhờ nguồn lực này.

Nhưng tôi cũng cảm thấy tiếc là việc gìn giữ môi trường tốt đẹp ấy chưa được chú trọng, nếu không muốn nói là đã bị tận dụng hay khai thác quá mức trước sự “nẩy mầm” một thị trường còn non trẻ.

Điều này gây lo ngại (thực tế đang diễn ra) đến một lúc khi công chúng đầu tư tỉnh táo lại và nhận ra vấn đề thực thì bối cảnh sẽ xấu đi. Thế có phải là ta đang hại chính mình không?

Theo ông, phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (cơ quan quản lý cấp phép hồ sơ phát hành), công ty chứng khoán (đơn vị tư vấn đợt phát hành), doanh nghiệp (tổ chức phát hành) cần rút những kinh nghiệm gì từ những thực trạng trên?

Theo tôi, doanh nghiệp nên có sự cân nhắc, thậm chí là nên có sự kiềm chế cần thiết trong các quyết định phát hành. Điều quan trọng của một đợt phát hành cần có là dự án thật sự và khả thi, đồng thời phải có trước “con số mục tiêu”, mà cụ thể là quy mô vốn cần huy động là bao nhiêu với kế hoạch sử dụng vốn cụ thể.

Đặc biệt, không chỉ phát hành xong là thôi mà việc sử dụng vốn cần được tiếp tục giám sát và đây có khi là việc tối quan trọng, vì nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng sử dụng vốn sai mục đích ban đầu hay thậm chí tùy tiện. Đây cũng là việc giám sát để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, vì cần biết khi bỏ tiền ra mua cổ phần người ta tin vào cáo bạch.

Bên cạnh yêu cầu các công ty chứng khoán cung ứng nghiệp vụ tư vấn phát hành sâu hơn, chuyên nghiệp hơn, cần đồng hành cùng doanh nghiệp (vấn đề độ thành công của đợt phát hành và uy tín tư vấn), cơ quan quản lý phát hành cũng cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc cải thiện bối cảnh huy động vốn và môi trường đầu tư nói chung.

Bằng cách, không chỉ “tiền kiểm” ở khâu cho phép mà sẽ còn để mắt hậu kiểm đến giai đoạn hậu phát hành. Là bởi, nếu cam kết sử dụng vốn huy động bị lệch lạc thì niềm tin sẽ dễ bị lung lay. Và việc duy trì niềm tin như vậy không nằm ngoài chức năng giám quản thị trường.