07:25 09/07/2010

Phép thử “tạm ứng... tương lai”

Những yếu tố thử thách chiến thuật “tạm ứng... tương lai” trong điều hành tỷ giá của cơ quan chức năng đã xuất hiện

Ngày 30/6/2010 là thời điểm đáo hạn một số hợp đồng vay ngoại tệ ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây chủ yếu là các hợp đồng vay có kỳ hạn ba tháng trở xuống.
Ngày 30/6/2010 là thời điểm đáo hạn một số hợp đồng vay ngoại tệ ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây chủ yếu là các hợp đồng vay có kỳ hạn ba tháng trở xuống.
Sau hai tháng rưỡi đứng nguyên dưới mốc 19.000 đồng/USD, từ cuối tháng 6 đến nay tỷ giá bắt đầu chuyển động. Giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết ở mức trần 19.100 đồng. Những yếu tố thử thách chiến thuật “tạm ứng... tương lai” trong điều hành tỷ giá của cơ quan chức năng đã xuất hiện.

Nhu cầu trả nợ 500 triệu - 1 tỉ USD/tháng

Ngày 30/6/2010 là thời điểm đáo hạn một số hợp đồng vay ngoại tệ ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây chủ yếu là các hợp đồng vay có kỳ hạn ba tháng trở xuống. Người trả, theo phản ánh của một số ngân hàng, chủ yếu là các đơn vị nhập khẩu. Có những công ty, khoản vay tuy chưa đáo hạn, nhưng do biến động tỷ giá, đã yêu cầu ngân hàng cho trả trước hạn.

“Chúng tôi nói họ không cần trả trước, nhưng họ cứ xin trả và nếu tỷ giá ổn định trở lại dưới mức 19.000 đồng/USD, họ sẽ vay lại” - phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết - “Doanh nghiệp bây giờ tính toán nhanh lắm và họ canh chừng tỷ giá rất sát sao”.

Rõ ràng những doanh nghiệp vay ngoại tệ luôn trong tư thế phòng thủ và chủ động trả nợ để tránh rủi ro tỷ giá. Đại diện một doanh nghiệp bộc bạch: “Khi vay, chúng tôi phải cam kết trả bằng ngoại tệ cho ngân hàng đúng hạn.

Chính vì ràng buộc này nên công ty phải cắt cử một nhân viên kế toán cập nhật tỷ giá hàng ngày, nếu có biến động là xử lý ngay. Trong trường hợp hiện tượng USD lên giá so với tiền đồng chỉ là nhất thời, sẽ làm thủ tục vay lại. Như thế mới tránh bị thiệt”.

Có thể thấy quãng thời gian gần ba tháng yên bình vừa qua đã tích lũy xung quanh tỷ giá một số vấn đề. Về mặt kỹ thuật, hiện nay các nhà xuất khẩu đã vay ngoại tệ vẫn bán ngoại tệ có được từ xuất khẩu cho ngân hàng, nhưng tính chất ở đây đã thay đổi. Trước đây, việc bán ngoại tệ cho ngân hàng là tự nguyện, thỏa thuận được giá cả (trong biên độ cho phép của Nhà nước) và một số điều kiện khác là bán. Nay bán là vì đã cam kết bán cho ngân hàng khi vay ngoại tệ.

Ba tháng trước nếu không cam kết bán trong tương lai, nghĩa là không có nguồn thu, thử hỏi ngân hàng nào dám cho vay ngoại tệ? Còn nhớ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh trong tháng 4/2010 tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 28.000 tỉ đồng, trong đó cho vay xuất khẩu tới 22.000 tỉ đồng.

Giả sử một phần ba tổng số 22.000 tỉ đồng cho vay xuất khẩu trên có kỳ hạn dưới ba tháng, thì hiện tại các nhà xuất khẩu phải bán để trả nợ cho ngân hàng số ngoại tệ tương ứng là 350-400 triệu USD. Số ngoại tệ mà doanh nghiệp nhập khẩu đã vay, nay phải trả có thể là 100-150 triệu USD. Nghĩa là số ngoại tệ doanh nghiệp cần ngay để trả nợ có thể xấp xỉ 500 triệu USD cho thời điểm cuối tháng 6/2010.

Nếu tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tháng 5, tháng 6 cũng bằng mức của tháng 4/2010, thì lượng ngoại tệ doanh nghiệp cần để trả nợ ngân hàng trong quí 3 sẽ khoảng 500 triệu - 1 tỉ USD/tháng tùy thời điểm đáo hạn (chưa kể số lượng đến hạn trả của những khoản vay trong ba tháng đầu năm và năm ngoái dồn sang). Số tiền trên “ăn lẹm” vào cung ngoại tệ và làm nguồn cung giảm đi tương ứng.

Các đơn vị nhập khẩu “lăm le” trả nợ, mua đô la nhiều hơn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bán đô la theo kiểu thông thường (chỉ còn bán để trả nợ), kết quả là cầu tăng cung giảm. Việc giảm cung, tăng cầu sẽ tiếp tục và có thể ngày càng lớn trong các tháng của quí 3 lần lượt theo kỳ đáo hạn các hợp đồng vay ngoại tệ, phần lớn dưới sáu tháng. Đây là yếu tố cấu thành nặng ký nhất và quan trọng nhất trong phép thử của “tạm ứng...tương lai”.

Lãi suất tiền đồng tăng sức ép tỷ giá

Kế đó tỷ giá đang chịu tác động trực tiếp của việc hạ lãi suất tiền đồng. Chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD đang được rút ngắn. Những tháng trước, lãi suất huy động tiền đồng khoảng 11,5%/năm, USD khoảng 4%/năm, chênh lệch 7,5%/năm.

Nay lãi suất huy động tiền đồng đang lùi dần về 11%/năm (và sẽ xuống 10%/năm như chỉ đạo của Chính phủ), lãi suất tiết kiệm ngoại tệ của một số ngân hàng đã chạm 5%/năm, chênh lệch 6 điểm phần trăm. Mức 6 điểm phần trăm đúng bằng mức chênh lệch lạm phát của Việt Nam và Mỹ (lạm phát của Việt Nam năm nay dự kiến 8%/năm, Mỹ 2%/năm).

Một khi chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng - đô la Mỹ thấp hơn 6 điểm phần trăm này, sự chuyển dịch tiết kiệm từ tiền đồng sang ngoại tệ sẽ diễn ra và ngược lại. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ giá.

Như vậy, để hạ lãi suất mặt bằng tiền đồng, cũng phải hạ lãi suất ngoại tệ. Vì sao Ngân hàng Nhà nước đã không có biện pháp nào để hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ của dân cư? (lãi suất tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp đã được ấn định tối đa 1%/năm - NV). Nếu lãi suất tiết kiệm USD chỉ còn, giả sử 2%/năm, chắc chắn người dân sẽ cân nhắc khi gửi ngoại tệ.

Có thể, Ngân hàng Nhà nước e ngại lãi suất huy động ngoại tệ thấp, dẫn đến lãi suất cho vay đô la thấp, doanh nghiệp lại lao vào vay ngoại tệ. Tuy nhiên, tỷ giá chính là “liều thuốc” chặn đứng “cơn say” vay ngoại tệ lãi suất thấp. “Liều thuốc” đó nồng độ thế nào trong từng thời điểm là do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Mấu chốt vấn đề, suy cho cùng, vẫn là hiệu ứng linh hoạt của tỷ giá: khi nào nó cần phát đi tín hiệu động, khi nào sẽ là tín hiệu tĩnh!

Chiến thuật “tạm ứng... tương lai” trong điều hành tỷ giá đã tạo điều kiện để chuyển ngoại tệ huy động sang ngoại tệ thương mại và giúp Ngân hàng Nhà nước mua được 1-2 tỉ USD, nâng dự trữ ngoại hối.

Bây giờ là thời điểm của sự chảy ngược lại: đô la thương mại sang đô la huy động. Nguồn ngoại tệ huy động của ngân hàng vẫn tương đối dồi dào trong khi đô la thương mại vẫn còn thiếu do nhập siêu. Thị trường đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp ở mức nào và đưa ra giải pháp gì để kiểm soát sự chảy ngược nói trên.

Hải Lý (TBKTSG)