12:16 27/08/2008

Phía sau những cuộc rời bỏ thị trường

Sau Sony-Viettronics, Công ty đèn hình Orino-Hanel sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam vì làm ăn thua lỗ

Sony-Viettronics là doanh nghiệp đầu tiên rút ra khỏi sân chơi của những nhà lắp ráp ti vi trong nước.
Sony-Viettronics là doanh nghiệp đầu tiên rút ra khỏi sân chơi của những nhà lắp ráp ti vi trong nước.
Liên doanh sản xuất điện tử thứ hai, sau Sony-Viettronics, Công ty đèn hình Orino-Hanel sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam vì làm ăn thua lỗ, một lý do khác với Sony-Viettronics, và phía sau sự kiện này là câu chuyện về đẳng cấp quản trị doanh nghiệp.

Sự cáo chung tất yếu

Công ty đèn hình Orion-Hanel là công ty liên doanh đầu tiên trong nhóm các công ty con và công ty liên kết giữa Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) và đối tác Orion (Hàn Quốc).

Theo giấy phép được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Hà Nội cấp tháng 2/1993, liên doanh này có vốn đầu tư trên 178 triệu USD, do phía Việt Nam góp 30% vốn và đối tác góp 70%. Orion-Hanel là liên doanh sản xuất đèn hình và phụ kiện đèn hình cho tivi và máy tính có thời hạn liên doanh trên giấy phép tới 50 năm.

Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, thập kỷ 90, thời điểm hoàng kim của các nhà sản xuất sản phẩm bóng đèn hình màu theo công nghệ CRT, công ty này là doanh nghiệp hầu như bao thầu toàn bộ việc cung cấp linh kiện đèn hình cho các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ti vi trong nước, với doanh thu trong nước và xuất khẩu có năm lên đến gần 200 triệu USD.

Tuy nhiên, ở thời điểm thoái trào của công nghệ sản xuất đèn hình tivi bởi sự thay thế của dòng ti vi LCD và Plasma như hiện tại, thì việc phá sản và làm ăn thua lỗ của Orion-Hanel phần nào có thể lý giải được. Xét về bề nổi, nó là sự cáo chung lần lượt của các công ty sản xuất đèn hình loại này, mà mở đầu là Sony-Viettronics.

Trong một văn bản mới nhất gửi tới UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Hanel (công ty mẹ phía Việt Nam của liên doanh nói trên) đã cầu cứu UBND thành phố cho công ty vay 10 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc nguốn vốn ngân sách. Nếu không có vốn, doanh nghiệp sẽ buộc phải tuyên bố phá sản, bán đấu giá tài sản để giải quyết nợ.

Hiện tại, các khoản nợ đến hạn và lãi đến hạn chưa thanh toán được của Orion-Hanel đã lên đến gần 41 triệu USD. Nợ bảo hiểm xã hội của 1.700 người lao động ở đây suốt bảy tháng qua khoảng 4,5 tỉ đồng và đang bị Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội "dọa" đưa ra tòa. Cũng với chừng ấy thời gian, công nhân công ty này không được nhận lương.

Ngay từ tháng 9/2007, công ty đã phải ngừng sản xuất ba tháng để giải quyết khó khăn, cho đến khi Hanel “bơm” tiếp cho công ty 100.000 USD để giải quyết nợ lương từ tháng 11/2007 và có tiền để nhập sản phẩm vật tư sản xuất nốt những hợp đồng đã ký với khách hàng. Nhưng số tiền ấy cũng chỉ như muối bỏ bể trước những khó khăn chồng chất của Orion-Hanel và chỉ khiến cho công ty khôi phục lại một dây chuyền sản xuất từ ngày 17/1/2008 đến nay.

Sau khi nhận được văn bản của Orion-Hanel, UBND TP.Hà Nội đã lấy ý kiến của các ban, ngành và theo tham vấn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.Hà Nội không thể cứu được công ty như đề xuất vì thành phố không có quỹ đầu tư mạo hiểm và cũng không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc cấp tiền từ ngân sách.

Ông Nguyễn Đình Dương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết phương án xấu nhất các bên liên quan sẽ phải thanh lý dự án. Nếu không thanh toán được các khoản nợ thì việc thanh lý sẽ chấm dứt và doanh nghiệp sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản.

Rút lui cũng phải có sự chuẩn bị

Thực tế thì việc đóng cửa một doanh nghiệp vì chuyển mục tiêu kinh doanh theo từng giai đoạn cho phù hợp là việc làm hết sức bình thường trên thương trường, nhất là đối với các doanh nghiệp ngành điện tử - nơi mà sự cập nhật công nghệ diễn ra hàng ngày.

Tuy nhiên, cũng là một cách tuyên bố chấm dứt hoạt động, với liên doanh Sony-Viettronics, mọi chuyên có vẻ kết thúc tốt đẹp hơn. Như cách nói của ông Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam thì Sony-Viettronics đã có một kết thúc có hậu.

Ông Hùng nói rằng sự ồn ã khi Sony-Viettronics chấm dứt hoạt động vì đó là doanh nghiệp đầu tiên rút ra khỏi thị trường và thực chất họ đã tận dụng thành công thời gian bảo hộ cho các nhà sản xuất trong nước, khi mà thuế suất thuế nhập khẩu hàng điện tử những năm trước đây lên đến mức 50% và hàng sản xuất trong nước được bảo hộ.

Khi mức thuế dành cho mặt hàng điện tử nhập khẩu chỉ còn 5% đến 0% như hiện nay thì việc chuyển hướng của họ bằng cách chấm dứt liên doanh là bước chuẩn bị rất kịp với thương trường. Hơn nữa, cũng theo ông Hùng, dù đến tháng 9-2008, Sony- Viettronics mới ngừng hoạt động hoàn toàn nhưng chưa thấy vụ kiện nào giữa công ty với gần 200 lao động ở đây khi mức trợ cấp thôi việc và phụ cấp tìm việc mới giữa các bên được giải quyết ổn thoả.

Song, chuyện đó lại không diễn ra ở liên doanh Orion-Hanel, dù sự cáo chung của doanh nghiệp đều có xuất phát điểm dường như giống nhau và đều là “cái chết” đã được báo trước.

Ngay từ tháng 11/2007, đã có một số cuộc đình công diễn ra ở Orion-Hanel để phản đối chuyện công nhân không có lương. Rồi mức nợ bảo hiểm xã hội và những khó khăn khác đã khiến đời sống của 1.700 lao động ở đây trong hơn một năm qua “ngoắc ngoải” theo số phận công ty.

Cho đến nay, liên doanh này cũng chưa đưa ra tuyên bố cuối cùng về việc phá sản doanh nghiệp hay tìm các nguồn hỗ trợ khác nên số phận người lao động ở Orion- Hanel không có được kết thúc có hậu như người lao động ở Sony- Viettronics, trong khi số lao động sẽ mất việc ở Orion-Hanel nhiều gấp 8,5 lần Sony-Viettronics.

Vẫn theo lời ông Hùng, đằng sau sự chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp điện tử Việt Nam như hai câu chuyên trên là bài học về quản trị doanh nghiệp. Cùng một xuất phát điểm gần giống nhau về thời gian liên doanh và đầu tư công nghệ sản xuất, lãnh đạo các công ty trên đều hiểu rằng việc đầu tư công nghệ sản xuất đèn hình có thời hạn tới 14 năm đã là quá dài và mang lại nhiều thành công cho doanh nghiệp.

Với sự phát triển nhanh của công nghệ điện tử thế giới và mở cửa thương mại tự do, lãnh đạo doanh nghiệp đều cần có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước để có một cái kết đẹp cho sự chấm dứt hay chuyển hướng đầu tư ở doanh nghiệp. Điều này ở Sony-Viettronics thì có còn Orion-Hanel thì không.

“Nếu có được 10 triệu USD để đầu tư chuyển hướng sản xuất như Orion-Hanel mong muốn, tôi e rằng cũng không thấm vào đâu với yêu cầu đặt ra. Ví dụ, để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất ti vi LCD hay Plasma thì mức vốn nói trên chỉ là 1/3, hơn nữa các hãng lớn đã phủ kín thị trường với mức giá càng ngày càng rẻ.

Nói như thế có nghĩa là 10 triệu USD nếu có được cũng chỉ mang tính “cứu hộ khẩn cấp” cho  doanh nghiệp này thêm thời gian, chứ không phải là biện pháp căn cơ để đảm bảo sự sinh tồn cho doanh nghiệp”, ông Hùng phân tích.

(Theo TBKTSG)