11:48 11/02/2011

Phía sau “trò chơi cút bắt” của Nokia và HP

Thu Lan

Trong thế giới công nghệ, đuổi bắt là một trò chơi vừa tốn kém, phung phí tiền mà cũng vừa dễ bị bầm dập

Giành vị trí dẫn đầu làng công nghệ luôn là mục tiêu theo đuổi của các tập đoàn lớn.
Giành vị trí dẫn đầu làng công nghệ luôn là mục tiêu theo đuổi của các tập đoàn lớn.
Trong thế giới công nghệ, đuổi bắt là một trò chơi vừa tốn kém, phung phí tiền mà cũng vừa dễ bị bầm dập, thậm chí ngay cả những tập đoàn lớn cũng khó tránh. Mới đây, bằng những cách khác nhau, Nokia và HP đã đưa ra bằng chứng sinh động về câu chuyện này.

Trong một bản ghi nhớ dài dòng gửi cho nhân viên Nokia, tân Giám đốc điều hành (CEO) Stephen Elop đã so sánh tình trạng khó khăn của hãng trong việc cố gắng đuổi kịp Apple, Google trên phân khúc điện thoại di động thông minh, với một người đang đứng trên một chiếc tàu chở xăng đang bốc cháy giữa biển.

"Người đàn ông đang đứng trên một sàn lửa và anh ta cần phải đưa ra quyết định chọn lựa", ông Elop viết trong bản ghi nhớ mà sau đó đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. "Anh ta đã quyết định nhảy xuống biển để tự cứu mình. Và Nokia cũng vậy, phải có một hành động quyết liệt tương tự.

“Trong hoàn cảnh bình thường, người đàn ông kia sẽ chẳng bao giờ nhảy xuống biển nước. Nhưng đây không phải là hoàn cảnh bình thường, cái sàn mà ông ấy đứng trên đang bốc cháy. Chúng ta cũng đang đứng trên bục lửa, và chúng ta phải quyết định thay đổi cách hành xử của mình như thế nào”, ông Elop viết.

Bản ghi nhớ được đánh giá là một "cáo trạng" nghiêm khắc nhằm vào hệ điều hành Symbian của Nokia. Hệ điều hành này đã thua sút trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thiết bị di động. Theo khảo sát mới đây của hãng Catalys, hệ điều hành Android của tập đoàn Google đã vượt qua Symbian, trở thành nền tảng được ứng dụng phổ biến nhất cho các loại điện thoại thông minh trong quý 4/2010.

Trong quý 4/2010, các nhà sản xuất đã bán ra được 32,9 triệu chiếc di động sử dụng điện thoại Android trên toàn cầu, con số này gấp 7 lần so với năm ngoái, trong khi Symbian là 31 triệu thiết bị. Con số trên cũng cho thấy sự thành công của Google so với Apple, trong quý "Quả táo" đã tiêu thị được 16,2 triệu máy, trong khi quý 4/2009 hãng bán được 8,7 triệu chiếc iPhone.

Trái ngược với Apple hoặc Nokia, Google không phải là một nhà sản xuất phần cứng, thay vào đó hãng phát triển một hệ điều hành miễn phí cho các tên tuổi khác, nhằm đưa ra các thiết bị thích ứng với nền tảng của họ.

Kết quả, Android trở thành phần mềm chuẩn cho nhiều nhà sản xuất di động. Một ví dụ cho sự thành công là Motorola, nhờ Android mà tên tuổi này đã có sự trở lại ngoạn mục sau nhiều năm lâm vào tình trạng khó khăn. Các thiết bị "ăn khách" từ Samsung, HTC và LG cũng nhờ sự trợ giúp của Android để mở rộng thêm thị phần trong quý IV vừa rồi.

Nokia đã từng chiếm ngôi vương trong thế giới di động khi giành được 40% thị phần thiết bị di động trong quý 2/2008, nhưng từ đó tới nay, thị phần của Nokia liên tục giảm, và tập đoàn này chỉ giành được 31%  thị phần trong quý 4/2010.

Thêm vào đó, những nguồn tin công nghệ mới đây còn cho hay, Nokia đã ngừng phát triển chiếc điện thoại di động thông minh đầu tiên sử dụng hệ điều hành mới MeeGo. Đây là hệ điều hành do Nokia nghiên cứu phát triển hồi năm ngoái như một vũ khí chiến lược trong cuộc cạnh tranh của hãng với Apple và Google trên thị trường điện thoại thông minh. Tuy nhiên, những thông tin liên quan tới sản phẩm này hiện vẫn chỉ là lời đồn và Nokia thì từ chối bình luận.

Trong khi đó, ở San Francisco, hãng sản xuất máy tính cá nhân HP cũng đã thực hiện một cú nhảy của riêng mình. Công ty vừa giới thiệu một mẫu máy tính bảng mới mang tên Touchpad, trong một nỗ lực cạnh tranh với chiếc iPad đình đám của hãng công nghệ Apple. Ngoài ra, HP cũng giới thiệu hai mẫu smartphone mới để tiến vào thị trường mà hãng vốn chậm chân.

Nhưng cả Nokia và HP, cho dù là hai hãng công nghệ lớn hàng đầu thế giới, vẫn đang phải đối mặt với sự chênh lệch khá dài trong việc bắt kịp các đối thủ vốn đã có khởi đầu sớm và nền tảng thay đổi nhanh chóng. Điều đó thực sự là một khó khăn đối với bất kỳ ngành kinh doanh nào, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

"Có thể bắt kịp nhưng rất khó", Mark R. Anderson, CEO của Dịch vụ tin tức chiến lược, một bản tin công nghệ, nhận định. "Cuộc đua này gần như không bao giờ hiệu quả".

Lịch sử đã từng có những câu chuyện đuổi bắt thành công. Ví dụ, IBM từng nổi tiếng với những cỗ máy tính cồng kềnh, đã cố bám gót các "ngôi sao" trên phân khúc máy tính cỡ nhỏ và máy tính cá nhân, rồi cuối cùng cũng đuổi kịp. Hay Microsoft từng là kẻ tới muộn trên thị trường phần mềm duyệt web, nhưng cuối cùng lại trở thành người dẫn đầu thị trường.

Trong bản ghi nhớ gửi nhân viên, CEO Nokia đã lưu ý những ảnh hưởng như vậy. Ông cho rằng, Nokia đã thua trong cuộc chiến "hệ thống", bao gồm nhà phát triển, ứng dụng phần mềm, trò chơi, quảng cáo, thương mại điện tử, tìm kiếm và các dịch vụ khác. Do vậy, Nokia phải "xây dựng, thúc đẩy hoặc gia nhập một hệ thống".

Elop dự định trong cuộc họp các nhà phân tích vào ngày 11/2 ở London sẽ đưa ra chiến lược mới của Nokia. Nhưng, chiến lược mới này sẽ bao gồm những gì? Các nhà phân tích cho rằng, với Nokia, việc bắt tay cùng một đối tác công nghệ lớn có lẽ là thượng sách. Và đối tác hấp dẫn nhất sẽ là Google và Microsoft.

Cả hai công ty này gần đây đang "ve vãn" Nokia. Mặc dù Nokia có thể đang đánh mất nền móng trên thị trường smartphone, với cổ phiếu toàn cầu giảm 28% trong quý 4/2010, hãng vẫn sẽ bán smartphone nhiều hơn bất cứ công ty nào khác. Do vậy, Nokia vẫn là một đối tác giá trị cho hệ điều hành di động Android của Google hoặc Windows Mobile 7 của Microsoft.

Phần lớn các smartphone của Nokia hiện chạy hệ điều hành Symbian, vốn đã vấp phải vô số sự chỉ trích của người sử dụng. Để thu hút sự chú ý của Nokia trong việc hợp tác, Google và Microsoft đang đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật và marketing trị giá hàng trăm triệu USD, một nhân viên từng làm cố vấn cho công ty này tiết lộ. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, Android có khả năng là lựa chọn tốt hơn.

"Chiếc iPhone đầu tiên xuất xưởng năm 2007, và chúng ta đã không có một sản phẩm kinh nghiệm như của họ. Android cũng chỉ mới có 2 năm tuổi, và tuần trước họ đã vượt lên chúng ta trở thành nền tảng smartphone phổ biến nhất. Không thể tin được", ông Stephen Elop viết trong bức thông điệp khoảng 1.300 chữ cho các nhân viên của mình.

Các thiết bị di động sử dụng phần mềm Android của Google đang ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng và các nhà sản xuất. Năm 2009, khoảng 25 triệu chiếc iPhone đã được tiêu thụ, so với khoảng 8 triệu thiết bị chạy Android, nhưng tới năm ngoái, doanh số máy Android đã đạt 61 triệu, còn iPhone là 48 triệu, hãng Sanford C. Bernstein & Company ước tính.

Trở lại với HP, hãng đã bắt đầu tiến quân vào thị trường máy tính bảng cũng như giới thiệu hai mẫu smartphone mới. Hãng không công bố giá cả và cũng chưa có nhà mạng không dây nào đăng ký làm đối tác. Lãnh đạo của HP cho biết, TouchPad là chiếc máy tính bảng đầu tiên trong loạt sản phẩm sử dụng nền tảng phần mềm webOS mà Palm bắt đầu xây dựng từ 5 năm trước.

Năm 2010, HP đã ký kết thỏa thuận mua lại Palm với giá 1,2 tỷ USD. Khi bản thỏa thuận này hoàn tất, các chuyên gia phân tích nhận định, HP sẽ sử dụng nền tảng webOS của Palm để tiến nhanh hơn trên những thị trường đầy tiềm năng là điện thoại thông minh và máy tính bảng. "Chúng tôi đã bỏ lỡ một chu kỳ sản phẩm, điều đó không có gì phải nghi ngờ", Jon Rubinstein, Phó chủ tịch cao cấp của HP, cựu CEO của Palm, cho hay.

Cố gắng vươn lên trên thị trường máy tính bảng là một ưu tiên của HP, đặc biệt nếu doanh số máy tính bảng làm xói mòn thị trường máy tính để bàn vốn là thành trì của HP. Theo tính toán của hãng phân tích IDC, doanh số máy tính bảng sẽ tăng hơn 4 lần trong hai năm tới, lên 71 triệu chiếc trong năm 2012.

Tại một hội nghị ở San Francisco, giám đốc điều hành HP đã giới thiệu TouchPad với hình dáng tương tự chiếc iPad của Apple nhưng mỏng hơn và nhẹ hơn. HP đang đánh cược rằng, thời gian tới, người tiêu dùng phổ thông và cả khách hàng doanh nghiệp cũng sẽ đổ xô vào máy tính bảng. Và HP nhấn mạnh rằng hãng đã chuẩn bị nguồn lực và sự nhẫn nại trong một thời gian dài. "Đây là sự khởi đầu cuộc đua", Todd Bradley, Phó chủ tịch điều hành HP, nói.

"Sản phẩm này có nhiều cơ hội đánh bại thiết bị máy tính bảng của RIM và bất kỳ một chiếc máy tính bảng nào sử dụng nền tảng Android nhưng không phải là Apple. Khách hàng có thể sẽ xem xét TouchPad trước khi quyết định mua iPad", chuyên gia phân tích Sarah Rotman Epps tại công ty Forrester Research nhận định.

Theo các nhà phân tích, để bắt kịp một hãng đứng đầu về sáng tạo, các công ty công nghệ lớn cần phải bỏ hết thói quan liêu, tập trung tất cả các nguồn lực vào hoạt động kinh doanh và sáng tạo. Ví dụ, để khởi động việc kinh doanh PC hồi đầu thập niên 1980, IBM đã tổ chức một nhóm độc lập gọi là "những chú vịt hoang dã" và đặt họ ở Florida, cách xa trụ sở của hãng.

Trong bức ghi nhớ, Elop đã lặp lại một lời kêu gọi nổi tiếng tới các thành viên từ ông chủ cũ của ông ở Microsoft. Năm 1995, trong một bức ghi nhớ, tỷ phú Bill Gates đã lưu ý về một đối thủ "mới chào đời" trên Internet". Đó là Netscape, mà sau đó nắm tới 70% thị phần phầm mềm diệt web. Microsoft đã tập trung đối phó với Netscape. Điều này đã làm các nhân viên Microsoft thấy phấn khích và hào hứng sáng tạo.

Tuy nhiên, Bill Gates đã viết ra cảnh báo của ông khi Netscape còn là một công ty nhỏ bé. Còn, bản ghi nhớ của Elop được đưa ra trong bối cảnh đối thủ trực tiếp nhất của Nokia trong phân khúc smartphone, hãng Apple, lại đang là một đối thủ cực mạnh.

Nokia và HP đều có những thế mạnh. Nokia hiện có thị phần lớn về điện thoại di động, có quan hệ sâu đậm với các nhà cung cấp mạng viễn thông trên khắp thế giới và có một thương hiệu xuất sắc. Còn HP là hãng máy tính lớn nhất, nhà sản xuất kinh nghiệm, sự thừa nhận thương hiệu và đóng góp toàn cầu. Tuy nhiên, theo David B. Yoffie, giáo sư trường kinh doanh Harvard, thách thức cơ bản của cả Nokia và HP là liệu họ có "chạy" đủ nhanh hay không.