16:16 17/10/2011

Phía sau “vận đen” của Wal-Mart ở Trung Quốc

An Huy

Wal-Mart vừa thông báo vụ từ chức của hai sếp lớn ở Trung Quốc, sau khi vướng vào một vụ bê bối về dán nhãn thực phẩm

Theo nhiều chuyên gia, Wal-Mart đang chịu sức ép từ chính trường Trung Quốc, khi mà năm 2012 tới sẽ là năm chuyển giao quyền lực ở nước này - Ảnh: Reuters.
Theo nhiều chuyên gia, Wal-Mart đang chịu sức ép từ chính trường Trung Quốc, khi mà năm 2012 tới sẽ là năm chuyển giao quyền lực ở nước này - Ảnh: Reuters.
Wal-Mart vừa thông báo vụ từ chức của hai sếp lớn của hãng ở Trung Quốc, sau khi “đế chế” bán lẻ này vướng vào một vụ bê bối liên quan đến việc dán nhãn thực phẩm khiến một loạt cửa hiệu phải đóng cửa.

Theo báo Wall Street Journal, đây chỉ là thách thức mới nhất mà tập đoàn Mỹ này phải đối mặt sau 15 năm đặt chân tới thị trường đông dân nhất thế giới.

Ngày 17/10, Wal-Mart cho hay, Giám đốc điều hành (CEO) Ed Chan và Phó chủ tịch quản lý nhân sự Clara Wong của chi nhánh Trung Quốc đã từ chức. Nguyên nhân của vụ từ chức chỉ được cho biết ngắn gọn là vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, giới truyền thông đồn đoán, vụ việc có thể có liên quan tới những rắc rối pháp lý mà Wal-Mart đang vướng phải ở Trung Quốc.

Tuần trước, Wal-Mart cho hay, gần 40 nhân viên của hãng này ở thành phố Trùng Khánh bị nhà chức trách bắt giữ sau khi hãng bị cáo buộc cố tình dán nhãn thịt lợn thường thành thịt lợn hữu cơ để bán với giá cao hơn. Một số người bị bắt trong vụ việc đã được thả tự do hoặc tại ngoại nhờ bảo lãnh.

Wal-Mart đã bị nhà chức trách yêu cầu đóng cửa tạm thời 13 cửa hiệu trong vòng 15 ngày và nộp phạt 3,65 triệu Nhân dân tệ, tương đương 575.000 USD.

Chính quyền Trùng Khánh nghi ngờ Wal-Mart đã bán thịt lợn dán sai nhãn trong suốt gần hai năm. Wal-Mart cho hay, họ đã biết có vấn đề trong khâu dán nhãn từ tháng trước và đề nghị được bồi thường khách hàng, đồng thời đang hợp tác tích cực với nhà chức trách để thúc đẩy công tác điều tra.

Từ năm 2006 tới nay, Wal-Mart đã “dính” 21 án phạt tại Trùng Khánh, chủ yếu liên quan đến vấn đề chất lượng hàng hóa. Chuỗi án phạt có vẻ “bất thường” này mà Wal-Mart vấp phải ở Trung Quốc, nơi hiệu lực của các quy định pháp luật về dán nhãn hàng hóa bị cho là chưa mạnh, đã làm dấy lên một cuộc bàn luận sôi nổi về việc vì sao nhà bán lẻ khổng lồ này lại gặp nhiều rào cản tới vậy tại đây.

Trung Khánh vốn có tiếng là một địa phương mạnh tay trong việc tấn công vào các tổ chức tội phạm và các hoạt động phi pháp. Bởi thế, không ít người đặt câu hỏi, liệu Wal-Mart đã liên tục yếu kém trong công tác quản lý ở Trùng Khánh, hay hãng đã trở thành nạn nhân của chủ trương “bài” các công ty đa quốc gia ở địa phương này.

Theo nhiều chuyên gia, Wal-Mart đang chịu sức ép từ chính trường Trung Quốc, khi mà năm 2012 tới sẽ là năm chuyển giao quyền lực ở nước này. Giá thực phẩm đang là một vấn đề gây nhiều chú ý ở Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát ở nước này tăng cao.

Thêm vào đó, thịt lợn - mặt hàng đem đến vận rủi lần này cho Wal-Mart - lại là loại thịt được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc và đóng góp không nhỏ trong rổ hàng hóa tính lạm phát ở nước này. Trong tháng 8 vừa qua, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, thách thức mà Wal-Mart gặp phải ở Trung Quốc còn xuất phát một phần từ việc mô hình bán lẻ giá rẻ của hãng không phù hợp với người tiêu dùng ở đây. Mới đây, Wal-Mart thông báo gặp thua lỗ trong một quý ở Trung Quốc, dù không công bố cụ thể con số thua lỗ, đồng thời cho biết, số lượng khách hàng Trung Quốc tới các cửa tiệm của hãng đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Ban đầu, khi đặt chân tới Trung Quốc, Wal-Mart đã không nhận thức sớm rằng, người tiêu dùng ở đây có tính địa phương hóa rất cao. Thêm vào đó, nhiều khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu bận rộn ở Trung Quốc không có thời gian để so sánh giá cả, nên nếu Wal-Mart chỉ tập trung vào chiến lược giá rẻ sẽ rất khó cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác hiểu thị trường hơn.

Một số nhà phê bình còn nghi ngờ khả năng duy trì chiến lược giá rẻ của Wal-Mart, do chưa đủ quy mô cần thiết để gây áp lực về giá với các nhà phân phối.

Ở nhiều thị trường nước ngoài khác, Wal-Mart phát triển mạnh nhờ mua lại các nhà bán lẻ lớn tại các thị trường đó. Có tới 75% số cửa hiệu của Wal-Mart ngoài Mỹ không mang thương hiệu của hãng. Trong khi đó, ở Trung Quốc, không có nhà bán lẻ lớn nào để Wal-Mart mua lại, nên lựa chọn duy nhất là mở từng cửa hàng mới một.

Những rào cản khác mà Wal-Mart gặp phải còn là việc tổ chức công đoàn của công nhân Trung Quốc ngày càng mạnh. Ngoài ra, hãng còn không dễ mở thêm cửa hiệu ở những địa phương Trung Quốc còn tương đối xa lạ với doanh nghiệp nước ngoài và đề cao chủ nghĩa dân tộc như Trùng Khánh.

Trong khi đó, với sự giảm tốc tăng trưởng doanh thu ở thị trường Mỹ, việc tăng doanh thu ở các thị trường nước ngoài như Trung Quốc đang có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Wal-Mart. Năm ngoái, các thị trường nước ngoài đóng góp 1/4 trong doanh thu 419 tỷ USD của hãng bán lẻ này. Hiện thị trường Trung Quốc mới chỉ đóng góp chưa đầy 2% tổng doanh thu của hãng.

Với doanh thu 7,5 tỷ USD tại Trung Quốc vào năm ngoái, Wal-Mart đang là hãng bán lẻ lớn thứ nhì ở thị trường này, sau liên doanh bán lẻ Pháp-Đài Loan Sun Art Retail. Nhà bán lẻ này đang có 350 cửa hiệu trên khắp Trung Quốc.