07:45 21/10/2008

Phố Wall “bật dậy” sau tuyên bố của Chủ tịch FED

Duy Cường

Ngày 20/10, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi Chủ tịch FED kêu gọi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ kinh tế mới

Thị trường chứng khoán Phố Wall đã tăng điểm mạnh phiên đầu tuần - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán Phố Wall đã tăng điểm mạnh phiên đầu tuần - Ảnh: AP.
Ngày 20/10, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi Chủ tịch FED kêu gọi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ kinh tế mới.

Chứng khoán Mỹ tăng ấn tượng

Giá dầu kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 20/10 đã tăng 2,4 USD/thùng và đóng cửa ở mức 74,25 USD/thùng.

Ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson đã cho biết, việc Chính phủ nước này mua cổ phiếu của các ngân hàng được coi như một thương vụ đầu tư và nó có thể mang lại lợi nhuận cho những người đóng thuế. Khi sở hữu cổ phiếu, Chính phủ sẽ được nhận cổ tức cũng như số cổ phiếu phổ thông trong các ngân hàng.

“Đây là một khoản đầu tư, không phải là phí tổn và không có lý do gì nói rằng chương trình này sẽ tiêu tốn tiền đóng thuế của người dân”, ông Henry Paulson nói.

Phát biểu này được đưa ra trước nhiều luồng quan điểm cho rằng việc Chính phủ Mỹ dành 125 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của 9 ngân hàng lớn ở nước này sẽ tiêu tốn tiền đóng thuế của người dân.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã có bài phát biểu kêu gọi Quốc hội nước này thông qua gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế trước bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước đang có xu hướng giảm đi.

“Với việc nền kinh tế có thể sẽ phát triển chậm hơn trong một vài quý tới và những rủi ro về tăng trưởng chậm sẽ tiếp tục kéo dài, đã đến lúc Quốc hội nên cân nhắc thông qua kế hoạch tài khóa mới - kế hoạch kích thích tiêu dùng -PV ”, ông Ben Bernanke nói.

Trước đó, hơn 100 tỷ USD đã được Chính phủ Mỹ hoàn lại cho những người đóng thuế để kích thích tiêu dùng và giúp tăng trưởng kinh tế.

Trên thị trường liên ngân hàng, điều bất ngờ tiếp tục xảy ra khi lãi suất Libor tiếp tục giảm ngày thứ 6 liên tiếp. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng hôm đầu tuần chỉ còn 4,05875%, cao hơn 2,5% so với mặt bằng lãi suất cơ bản ở Mỹ hiện nay.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực với đề xuất của ông Ben Bernanke về việc nước Mỹ cần thêm một chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế. Đà tăng điểm được bắt đầu từ lúc 10 giờ (giờ địa phương) cho đến khi thị trường đóng cửa, đặc biệt, khoảng 1 giờ trước khi thị trường nghỉ giao dịch, cả 3 chỉ số đều bất ngờ tăng vọt.

Nhờ giá dầu tiếp tục tăng nên cổ phiếu khối năng lượng lại có thêm một ngày giao dịch thành công, trong đó, cổ phiếu Chevron tăng 11,64%, cổ phiếu Exxon Mobil lên 10,21%, cổ phiếu Halliburton tiến thêm 13,91%,...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 413,21 điểm, tương đương 4,67%, đóng cửa ở mức 9.265,43.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 58,74 điểm, tương đương 3,43%, chốt ở mức 1.770,03.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 44,85 điểm, tương đương 4,77%, đóng cửa ở mức 985,4.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,23 tỷ cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ ngày 26/9, thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn Nasdaq đạt 2,06 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 mã lên điểm thì có 1 mã xuống điểm.

Chứng khoán châu Âu: Thị trường Anh tăng mạnh

Chứng khoán châu Âu hôm thứ Hai cùng lên điểm, trong đó thị trường Anh đã tăng trên 5%, thị trường Pháp lên hơn 3%.

Các cổ phiếu khối năng lượng hôm nay đã tăng vọt trở lại, trong đó cổ phiếu của BP tăng 8,4%, cổ phiếu Royal Dutch Shell, Total đều tăng trên 7,1%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu khối ngân hàng cũng lên điểm ấn tượng góp phần đẩy thị trường lên mạnh. Trong đó, cổ phiếu của Royal Bank of Scotland tăng 6,5%, cổ phiếu Barclays lên 7,9%, Societe Generale tiến thêm 8,3%, cổ phiếu Lloyds TSB tăng 5,8%,...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 219,66 điểm, tương đương 5,41%, đóng cửa ở mức 4.282,67, khối lượng giao dịch đạt 2,25 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 1,12%, khối lượng giao dịch đạt 59,4 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 3,56%, khối lượng giao dịch đạt 211 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng

Chứng khoán Nhật đã tăng mạnh phiên đầu tuần do đồng Yên mất giá so với USD và báo cáo kết quả kinh doanh của hãng Panasonic đã vượt trên dự báo của giới phân tích.

Trong phiên này, đồng USD đã tăng 0,3% lên mức 101,95 Yên ăn 1 USD nên đã giúp cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn tăng mạnh, qua đó kéo thị trường tăng điểm ấn tượng. Trong đó, cổ phiếu của Toyota Motor tăng 5,6%, cổ phiếu Sony lên 7,6%, cổ phiếu của Panasonic tiến thêm 8,9%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 311,77 điểm, tương đương 3,59%, đóng cửa ở mức 9.005,59. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,2 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Liên quan đến Hàn Quốc, ngày 19/10, Chính phủ nước này đã công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị giá 130 tỷ USD. Theo đó, nước này sẽ dành 100 tỷ USD cho việc bảo đảm các khoản vay giữa các ngân hàng và chi 30 tỷ USD để bơm tiền vào hệ thống tài chính nhằm tăng cường tính thanh khoản. Giá trị gói giải cứu này tương đương với 13% GDP của Hàn Quốc.

Đồng Won của Hàn Quốc từ đầu năm tới nay đã mất giá 37% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá nặng nhất ở châu Á. Theo các nhà phân tích, nợ ngắn hạn của Hàn Quốc hiện tương đương với mức 76% dự trữ ngoại hối của nước này, đưa Hàn Quốc vào thế rủi ro nhất ở châu Á trong khủng hoảng tài chính.

Trước tin hỗ trợ này, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã phục hồi trở lại sau khi giảm gần 3% vào phiên cuối tuần trước. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 26,96 điểm, tương đương 2,28%, chốt ở mức 1.207,63.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn hoài nghi về khả năng lên điểm bền vững của thị trường chứng khoán bởi thị trường tài chính của nước này đang đứng trước sóng gió lớn.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này lên 1,93%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên đầu tuần tăng 5,28%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 3,01%.

Liên quan đến Trung Quốc, cơ quan thống kê của nước này vừa cho biết, GDP của Trung Quốc trong quý 3/2008 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến cầu về hàng hóa giảm ở các thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc nên đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nước này.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.852,22 9.265,43 Up413,21 Up4,67
Nasdaq 1.711,29 1.770,03 Up  58,74 Up3,43
S&P 500 940,55 985,40  Up  44,85 Up4,77
Anh FTSE 100 4.063,01 4.282,67 Up219,66 Up5,41
Đức DAX 4.781,33 4.835,01 Up  53,68 Up1,12
Pháp CAC 40 3.329,92 3.448,51 Up118,59 Up3,56
Đài Loan Taiwan Weighted 4.960,40 4.931,84 Up  93,20 Up1,93
Nhật Nikkei 225 8.693,82 9.005,59 Up311,77 Up3,59
Hồng Kông Hang Seng 14.554,21 15.323,01 Up768,80 Up5,28
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.180,67 1.207,63 Up  26,96 Up2,28
Singapore Straits Times 1.880,09 1.935,01 Up  56,50  Up3,01
Trung Quốc Shanghai Composite 1.930,65 1.974,01 Up  43,35 Up2,25
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg