07:44 01/04/2009

Phố Wall có tháng tăng điểm mạnh nhất trong 7 năm

Duy Cường

Ngày 31/3, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại, đưa các chỉ số có tháng giao dịch thành công nhất kể từ năm 2002

Trong tháng 3, chỉ số Dow Jones đã tăng 7,73%, chỉ số Nasdaq tiến thêm 10,94% và chỉ số S&P 500 lên 8,54% - Ảnh: Reuters.
Trong tháng 3, chỉ số Dow Jones đã tăng 7,73%, chỉ số Nasdaq tiến thêm 10,94% và chỉ số S&P 500 lên 8,54% - Ảnh: Reuters.
Ngày 31/3, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại, đưa các chỉ số có tháng giao dịch thành công nhất kể từ năm 2002.

Hôm thứ Ba, Standard & Poor's/Case-Shiller đã công bố chỉ số giá nhà ở Mỹ trong tháng 1/2009 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 1/2009, chỉ số giá nhà ở 20 khu vực trung tâm ở Mỹ đã giảm 2,8% so với tháng 12/2008.

Cùng ngày, Tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở nước này trong tháng 3/2009 đã tăng lên 26 điểm, từ mức 25,3 điểm trong tháng 2/2009.

Dù niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 đã tốt hơn so với tháng 2 nhưng vẫn đang ở gần ngưỡng thấp nhất (25 điểm) được thiết lập từ năm 1967.

Tháng 3 thành công

Ngày 31/3, trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi lên nhậm chức, Giám đốc điều hành của General Motors - Fritz Henderson cho biết công ty sẽ cần phải có thêm những biện pháp để thực hiện tái cấu trúc hoạt động.

Fritz Henderson cũng cho biết, xin bảo hộ phá sản không phải là phương án tối ưu nhất, nhưng không loại trừ phương án đó khi tình hình ngoài khả năng kiểm soát trong 60 ngày tới. Trước mắt, General Motors sẽ đưa ra kế hoạch hỗ trợ các công nhân vì sắp tới công ty sẽ cắt giảm chi phí lao động.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến Bank of America, Giám đốc điều hành Kenneth Lewis đang phải đối mặt với khả năng buộc phải từ chức sau khi các cổ đông lớn của ngân hàng đang gia tăng sức ép.

Sức ép đòi ông Kenneth Lewis từ nhiệm Giám đốc điều hành được gia tăng sau khi Bank of America bơm tiền cứu Merrill Lynch và vay 45 tỷ USD từ gói hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch hôm thứ Ba. Đà tăng của cổ phiếu khối ngân hàng và công nghệ đã giúp thị trường khởi sắc phiên cuối tháng.

Như vậy, tính chung trong tháng 3, chỉ số Dow Jones đã tăng 7,73%, chỉ số Nasdaq tiến thêm 10,94% và chỉ số S&P 500 lên 8,54%.

Việc Ngân hàng Barclays đã bác thông tin họ đang cầu viện Chính phủ Anh bảo hiểm cho một lượng tài sản lớn, đã giúp nhiều cổ phiếu khối ngân hàng tăng điểm mạnh.

Chỉ số S&P Tài chính đã tăng 6,7%, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase lên 7%, cổ phiếu Bank of America tăng 13,1%, cổ phiếu Citigroup tiến thêm 9,52%...

Trong khi đó, một công ty chứng khoán đã khuyến nghị mua cổ phiếu của Microsoft nên đã thúc đẩy giới đầu tăng mua cổ phiếu của khối công nghệ, đưa chỉ số Nasdaq tăng mạnh nhất trong các chỉ số.

Kết thúc phiên, cổ phiếu Microsoft tăng 5,1%, cổ phiếu Google lên 1,4%, cổ phiếu Amazon tiến thêm 2,63%...

Trước diễn biến chưa có gì sáng sủa hơn, cổ phiếu ngành sản xuất ôtô tiếp tục giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của General Motors mất 28,15% xuống 1,94 USD/cổ phiếu; cổ phiếu của Ford giảm 4,71% xuống 2,63 USD/cổ phiếu.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 31/3: chỉ số Dow Jones tăng 86,9 điểm, tương đương 1,16%, chốt ở mức 7.608,92.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 26,79 điểm, tương đương 1,78%, chốt ở mức 1.528,59.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 10,34 điểm, tương đương 1,31%, đóng cửa ở mức 797,87.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,64 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,2 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.
Phố Wall có tháng tăng điểm mạnh nhất trong 7 năm - Ảnh 1
Biểu đồ giá trị của các chỉ số chứng khoán châu Âu và Mỹ trong tháng 3/2009 (%).

Chứng khoán châu Âu tăng điểm trong tháng 3/2009

Ngày 31/3, Công ty Chứng khoán J.P. Morgan đã đưa ra dự báo, các ngân hàng đầu tư và bán sỷ trên toàn cầu sẽ bị mất khoảng 17.000 tỷ USD trong những tháng còn lại của năm 2009 khi họ định giá lại tài sản của mình theo giá thị trường (mark-to-market).

Deutsche Bank, Barclays được cho sẽ bị thiệt hại nhiều nhất khi bị mất lần lượt là 4,9 tỷ USD và 3 tỷ USD. Trong khi đó, BNP Paribas và Credit Suisse Group sẽ mất khoảng 1,1-1,2 tỷ USD.

Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trở lại nhờ sự phục hồi của cổ phiếu khối ngân hàng, khải mỏ, năng lượng và dược phẩm.

Cổ phiếu khối ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh sau khi Ngân hàng Barclays cho biết không cần phải nhờ Chính phủ Anh bảo hiểm tài sản của mình. Cổ phiếu BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Lloyds và UBS tăng từ 5,5-9,1%.

Cổ phiếu khối khai mỏ và năng lượng cùng có được phiên giao dịch thành công khi giá nhiều kim loại và dầu tăng lên giá. Cổ phiếu Anglo American, Antofagasta, BHP Billiton và Xstrata tăng từ 5,4-9,8%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 163,23 điểm, tương đương 4,34%, chốt ở mức 3.926,14 – tăng 2,5% trong tháng 3. Khối lượng giao dịch đạt 2,57 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức lên 2,39% và lên 6,27% giá trị trong tháng 3, khối lượng giao dịch đạt 25,5 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 3,24% và tăng 3,88% trong tháng 3, khối lượng giao dịch đạt 154 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á đón tháng tăng điểm kỷ lục

Số liệu vừa được công bố ở Nhật cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 2/2009 đã tăng lên 4,4% - mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, từ 4,1% trong tháng 1/2009.

Theo thông tin từ truyền thông Nhật, để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, rất có thể Chính phủ nước này sẽ đệ trình Quốc Hội tăng ngân sách thêm 10.000 tỷ Yên (102,5 tỷ USD) để tăng nguồn quỹ cho gói kích thích kinh tế.

Chứng khoán Nhật đã giảm điểm phiên cuối quý 1/2009 và cũng là ngày kết thúc năm tài chính của nước này.

Cổ phiếu khối ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục giảm mạnh trước những lo ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính thế giới sau các động thái giải cứu khối ngân hàng của nhiều chính phủ ở châu Âu.

Cổ phiếu của Mizuho Financial Group giảm 4,6%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group hạ 2,5%, cổ phiếu hãng bảo hiểm phi nhân thọ - Tokio Marine Holdings mất 5,9%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 126,55 điểm, tương đương -1,54%, chốt ở mức 8.109,53 - tăng 7,1% trong tháng 3/2009 nhưng giảm 8,5% trong quý 1/2009.

Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,3 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Chuyển qua thị trường khác, cơ quan thống kê Hàn Quốc vừa cho biết sản xuất công nghiệp ở nước này trong tháng 2/2009 đã giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 25,5% trong tháng 1/2009.

Nguyên nhân khiến sản lượng công nghiệp ở Hàn Quốc giảm tháng thứ năm liên tiếp là do nhiều hãng xuất khẩu đã cắt giảm sản lượng vì nhu cầu hàng hóa suy giảm mạnh của người tiêu dùng Mỹ, Nhật và châu Âu.
Phố Wall có tháng tăng điểm mạnh nhất trong 7 năm - Ảnh 2
Biểu đồ giá trị của các chỉ số chứng khoán châu Á trong tháng 3/2009 (%).

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI đã tăng 8,8 điểm, tương đương 0,73%, chốt ở mức 1.206,26 – tăng 13,5% trong tháng 3/2009, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 4,79 điểm, tương đương 0,09%, chốt ở mức 5.210,84 - tăng 14,34% trong tháng 3.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 15,17 điểm, tương 0,64%, chốt ở mức 2.373,21 – tăng 13,94% trong tháng 3.

Chỉ số VN-Index giảm 1,71 điểm, tương đương 0,61%, chốt ở mức 280,67 – tăng 14,21% trong tháng 3.

Chỉ số ASX của Australia hạ 21,9 điểm, tương đương 0,62%, chốt ở mức 3.532,3 – tăng 7,14% trong tháng 3.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 119,69 điểm, tương đương 0,89%, chốt ở mức 13.576,02 – tăng 5,96% trong tháng 3.

Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ tiến thêm 174,43 điểm, tương đương 1,82%, chốt ở mức 9.742,57 - tăng 10,24% trong tháng 3.

Chỉ số Straits Times của Singapore lên 28,4 điểm, tương đương 1,7%, chốt ở mức 1.701,54 – tăng 6,68% trong tháng 3.

* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo về dự báo tăng trưởng kinh tế các nước châu Á năm 2009. Theo đó, ADB dự báo các nền kinh tế các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Trung Á sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm 2009, từ mức 6,3% trong năm 2008.

Trong đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 7%; kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 5%; kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 7.522,02 7.608,92Up  86,90Up1,16
Nasdaq1.501,801.528,59Up  26,79Up1,78
S&P 500787,54 797,87 Up  10,34Up1,31
AnhFTSE 1003.762,913.926,14Up163,23Up4,34
ĐứcDAX3.989,234.084,76Up  95,53Up2,39
PhápCAC 402.719,342.807,34 Up  88,00Up3,24
Đài LoanTaiwan Weighted5.206,055.210,84Up    4,79Up0,09
NhậtNikkei 2258.236,088.109,53Down126,55Down1,54
Hồng KôngHang Seng13.456,3313.576,02Up119,69Up0,89
Hàn QuốcKOSPI Composite1.197,461.206,26Up    8,80Up0,73
Singapore Straits Times1.668,641.701,54 Up  28.40 Up1,70
Trung Quốc Shanghai Composite2.358,042.373,21Up  15,17Up0,64
Ấn ĐộBSE 309.629,519.742,57 Up174,43 Up1,82
AustraliaASX3.554,203.532,30Down  21,90Down0,62
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg