07:30 21/11/2008

Phố Wall “dậy sóng”

Duy Cường

Ngày 20/11, một phiên giao dịch đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ tăng trưởng đã kéo dài trong hơn 10 năm qua

Phiên giao dịch này đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ tăng trưởng vốn đã kéo dài trong hơn một thập kỷ qua tại thị trường chứng khoán số một thế giới này - Ảnh: AP.
Phiên giao dịch này đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ tăng trưởng vốn đã kéo dài trong hơn một thập kỷ qua tại thị trường chứng khoán số một thế giới này - Ảnh: AP.
Ngày 20/11, một phiên giao dịch đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ tăng trưởng đã kéo dài trong hơn 10 năm qua.

Chỉ số S&P xuống mức thấp nhất trong 11 năm

Ngày 20/11, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này trong tuần kết thúc vào ngày 15/11 đã tăng vọt lên 542.000 từ 516.000 trong tuần trước đó, cao hơn 37.000 người so với dự báo của giới phân tích đưa ra.

Giống như phiên giao dịch ngày 19/11, trong hai giờ cuối ngày giao dịch, một “đợt sóng” bán tháo cổ phiếu đã đẩy thị trường vào khung cảnh hỗn loạn và hoang mang. Chỉ số S&P 500 bị đẩy xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Phiên giao dịch này đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ tăng trưởng vốn đã kéo dài trong hơn một thập kỷ qua tại thị trường chứng khoán số một thế giới này.

Thị trường mở cửa ở mức thấp hơn phiên trước đó, sau hai đợt tăng rồi lại giảm, cả ba chỉ số đã “xanh” trở lại. Và đến 12 giờ trưa (giờ địa phương), cả ba chỉ số bắt đầu đợt sụt giảm mạnh.

Bước ngoặt đã xảy ra khi vào lúc 13 giờ chiều, cả ba chỉ số đồng loạt rơi mạnh trước nỗ lực...tranh bán cổ phiếu của giới đầu tư. Khung cảnh bán tháo cổ phiếu đã diễn ra nhiều lần ở Phố Wall, nên đây không còn là một sự bất ngờ - nhất là trong bối cảnh tin tốt trở nên mờ nhạt trong khi tin xấu xuất hiện hàng ngày.

Chứng khoán Mỹ đạt đỉnh của sự tăng trưởng vào tháng 10/2007, 13 tháng sau đó, cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản – tài chính – kinh tế đã xảy ra cuốn sạch những thành quả đã đạt được trước đó. Chỉ số S&P 500 chính thức mất 52% và chỉ kém thời kỳ suy sụp của những năm 1930 – 1932 (-83%).

Cổ phiếu của General Motors và Ford đã tăng lần lượt 3,2% và 10,3% sau khi các lãnh đạo đảng Dân chủ cho biết việc giải cứu ngành sản xuất ôtô có thể được xem xét vào ngày 2/12 và kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 8/12.

Liên quan đến Citigroup, Thái tử Alwaleed bin Talal - một cổ đông của ngân hàng này, vừa cho biết sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại ngân hàng từ 4% (tương đương giá trị vốn hóa thị trường là hơn 1 tỷ USD) lên 5%.

Cổ phiếu Citigroup phiên này lại tiếp tục giảm thêm 26,41%, còn 4,71 USD/cổ phiếu sau khi đã giảm hơn 23% phiên trước đó. Hiện giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này chỉ còn 25,67 tỷ USD, giảm khoảng 172 tỷ USD so với thời kỳ cao nhất trong 1 năm qua.

Cũng giống như sự sụt giảm kỷ lục của Citigroup, cổ phiếu của Goldman Sachs trong ngày đã mất 5,76%, xuống 52 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường còn 20,52 tỷ USD, giảm hơn 70 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2007.

Tương tự, cổ phiếu của các ngân hàng còn lại cũng có mức giảm mạnh đẩy chỉ số S&P Tài chính giảm 10,5%, trong đó, cổ phiếu của Bank of America mất 13,86%, cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 17,88%, cổ phiếu Morgan Stanley trượt 10,24%.

Trong phiên này, giá dầu đã xuống dưới 50 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ năm 2005, nên đã đẩy cổ phiếu khối năng lượng giảm sâu, trong đó, cổ phiếu ExxonMobil hạ 6,69% - xuống 68,51 USD/cổ phiếu, cổ phiếu Chevron và cổ phiếu Valero Energy có mức giảm lần lượt là 8,79% và 15%.

Thống kê thị trường cho thấy một bi kịch thực sự đã xảy ra với 101 cổ phiếu blue-chip một thời đỉnh cao nhưng nay giá cổ phiếu đang ở dưới 10 USD.

Tiêu biểu trong số 101 blue-chip đó có cổ phiếu Citigroup ( 4,71 USD), cổ phiếu Alcoa (6,85 USD), Motorola (3,15 USD), Starbucks (7,17 USD), Yahoo (8,95 USD), Ford Motor (1,39 USD), General Motors (2,88 USD - mức thấp nhất trong hơn 70 năm qua)...

Theo số liệu của Standard & Poor's, chỉ số S&P 500 đã giảm 52% trong năm 2008, giá trị vốn hóa của 500 tập đoàn trong chỉ số này còn gần 7.000 tỷ USD, mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Kết thúc ngày giao dịch: Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 444,99 điểm, tương đương -5,56%, đóng cửa ở mức 7.552,29.

Chỉ số Nasdaq phiên này mất 70,3 điểm, tương đương -5,07%, chốt ở mức 1.316,12.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 54,14 điểm, tương đương -6,71%, đóng cửa ở mức 752,44.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 2,3 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 13 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 3,15 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 7 mã giảm điểm thì có 1 mã lên điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm sâu

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2003. Các chỉ số chính đã giảm gần 50% trong năm nay và xu hướng giảm điểm dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá dầu xuống dưới 50 USD/thùng đã đẩy cổ phiếu khối năng lượng tụt dốc, trong đó cổ phiếu OMV giảm 7,8%, Royal Dutch Shell hạ 5,4%, Petroplus mất 14,8%.

Trong khi đó, sự đi xuống của cổ phiếu khối ngân hàng Mỹ đã tác động mạnh đến sự suy giảm của cổ phiếu cùng ngành ở châu Âu, cổ phiếu Credit Suisse (CSGN) mất gần 10%, ING (ING) giảm 8,9% Deutsche Bank hạ 9,4% và Banco Santander (SAN) xuống 5,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 130,69 điểm, tương đương -3,26%, đóng cửa ở mức 3.874,99, khối lượng giao dịch đạt 2,54 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 3,08%, khối lượng giao dịch đạt 46 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 3,48%, khối lượng giao dịch đạt 237 triệu cổ phiếu.

Ngày tồi tệ của chứng khoán châu Á!

Các chỉ số chứng khoán châu Á bị tác động mạnh bởi sự xuống dốc của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như lo ngại về sức khỏe nền kinh tế nội tại của mỗi thị trường.

Trong khi đó, tin tốt hỗ trợ thị trường thì lu mờ, giới đầu tư đã tăng mạnh bán tháo cổ phiếu ở nhiều thị trường, đẩy chứng khoán Nhật, Hàn Quốc và Hồng Kông đắm chìm trong sắc đỏ.

Ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật vừa cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng Mười đã giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á giảm 4%, xuất khẩu sang châu Âu giảm 17,2% và sang Mỹ giảm 19%, so với cùng kỳ năm 2007.

Nhập khẩu của Nhật tăng 7,4% trong tháng Mười so với cùng kỳ năm trước, đưa thâm hụt thương mại của nước này lên 63,9 tỷ Yên (666 triệu USD). Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 đã tiếp tục giảm điểm với biên độ lớn. Cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn, khối ngân hàng đi đầu về biên độ mất điểm.

Ngay khi thị trường mở cửa, chứng khoán Nhật đã bổ nhào sau tác động từ diễn biến từ thị trường chứng khoán Phố Wall và châu Âu. Đà giảm liên tục được duy trì cho đến hết ngày giao dịch.

Cũng giống như diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ, giới đầu tư ở Nhật phiên này đã đua nhau bán tháo cổ phiếu. Loạt tin tình hình xuất khẩu giảm mạnh tiếp tục thúc đẩy giới đầu tư gia tăng bán cổ phiếu hơn, đẩy thị trường giảm gần 7% giá trị.

Cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group hạ 6,1% sau khi công bố mức giảm 61% lợi nhuận trong quý 3/2008, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group mất 10,4%, cổ phiếu Mizuho Financial Group trượt 6,3%.

Cổ phiếu khối xuất khẩu cũng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của Canon giảm 7%, cổ phiếu Panasonic mất 7,7%, cổ phiếu Sony trượt 6,4%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 570,18 điểm, tương đương -6,89%, chốt ở mức 7.703,04 - đây là ngày giảm điểm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 22/10. Khối lượng giao dịch đạt 2,11 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 12 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Như vậy, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 9% trong tuần và mất 10% giá trị trong tháng 11/2008.

Thị trường Hàn Quốc cũng có ngày giao dịch tồi tệ không kém thị trường Nhật khi giới đầu tư tăng mạnh bán cổ phiếu ra. Bên cạnh đó, nỗi lo lớn trên thị trường tiền tệ lại tiếp tục xảy ra khi đồng Won giảm mạnh so với USD.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI mất 68,13 điểm, tương ứng -6,7%, chốt ở mức 948,69.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiếp tục giảm 4,53%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 6,7%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 3,22%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 4,04%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc xuống 1,72%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 7.997,28 7.552,29Down444,99Down5,56
Nasdaq1.386,421.316,12Down  70,30Down5,07
S&P 500806,58752,44Down  54,14Down6,71
AnhFTSE 1004.005,683.874,99 Down130,69Down3,26
ĐứcDAX4.354,094.220,20Down133,89Down3,08
PhápCAC 403.087,892.980,42Down107,47Down3,48
Đài LoanTaiwan Weighted4.284,094.089,93Down194,16Down4,53
NhậtNikkei 2258.273,227.703,04Down570,18Down6,89
Hồng KôngHang Seng12.815,8012.298,56Down517,24Down4,04
Hàn QuốcKOSPI Composite1.016,82948,69Down  68,13Down6,70
Singapore Straits Times1.664,44 1.612,03Down  53,56Down3,22
Trung Quốc Shanghai Composite2.017,471.983,76Down  33,71Down1,67
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg