05:28 02/11/2011

Phố Wall hoảng loạn sau bước đi bất ngờ của Hy Lạp

Dương Lâm

Việc Hy Lạp tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu trợ mới đã khiến thị trường chứng khoán Âu, Mỹ hoảng loạn

Nhà đầu tư hoảng hốt trước nguy cơ vỡ nợ công châu Âu lại cận kề trước mắt - Ảnh: Reuters.
Nhà đầu tư hoảng hốt trước nguy cơ vỡ nợ công châu Âu lại cận kề trước mắt - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ tuột dốc phiên thứ hai liên tiếp, do nhà đầu tư bất an trước việc Hy Lạp bất ngờ tiến hành trưng cầu ý dân về kế hoạch cứu trợ mới của Liên minh châu Âu. Phiên liền trước, Phố Wall đã giảm sâu sau sự sụp đổ của công ty MF Global Holdings.

Tối 31/10, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho biết, Hy Lạp sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn dĩ đã đạt được trong hội nghị thượng đỉnh của 27 thành viên khối này hôm 26/10 tuần trước.

Trong bài phát biểu trước các thành viên của đảng Xã hội cầm quyền, ông Papandreou nói chính phủ đặt niềm tin vào người dân cũng như tin vào đánh giá và quyết định của họ. Nếu người dân Hy Lạp không chấp nhận, gói cứu trợ mới của EU và IMF sẽ không được thông qua.

Cuộc trưng cầu ý dân dự kiến tổ chức vài tuần tới sẽ là câu trả lời chính thức cho quyết định của chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou không nói rõ chi tiết của kế hoạch lấy ý kiến người dân này.

Rất nhiều chuyên gia cảnh báo rằng trong bối cảnh người dân Hy Lạp đang chịu nhiều sức ép của các kế hoạch thắt lưng buộc bụng và cải cách, khả năng bỏ phiếu “Không” sẽ rất cao. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc tương lai của Hy Lạp sẽ trở nên vô cùng bất trắc.

Jan Poser, chuyên gia kinh tế trưởng tại Sarasin, nhận xét: “Thủ tướng Hy Lạp đang chịu nhiều áp lực từ chính đảng của ông về việc từ chức còn Đảng đối lập đang muốn tổ chức bầu cử lại. Bằng việc đưa ra trưng cầu dân ý, ông đang chơi một canh bạc lớn".

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Poser, để giữ chức cho mình, Thủ tướng Papandreou đang đẩy người Hy Lạp đến vực thẳm và cho họ thấy khả năng vỡ nợ cấp quốc gia và rời khỏi Khu vực đồng Euro như thế nào.

Ngay sau khi Thủ tướng Hy Lạp thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới đạt được ở Brussel, các nước châu Âu đã có phản ứng tiêu cực. Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ra thông cáo cho rằng việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân này sẽ tạo ra tình trạng mất niềm tin trên thị trường.

Động thái của Hy Lạp cùng những nhận định đầy bi quan về triển vọng của nền kinh tế này, đã đẩy các thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu lao dốc không phanh trong phiên giao dịch đêm qua (1/11).

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 297,05 điểm, tương ứng 2,48%, xuống mức 11.657,96 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 35,02 điểm, tương ứng 2,79%, xuống 1.218,28 điểm. Chỉ số Nasdaq bốc hơi 77,45 điểm, tương ứng 2,89%, xuống còn 2.606,96 điểm.

Như vậy, chỉ trong thời gian vài ngày đầu tuần, chỉ số S&P 500 đã trượt dốc hơn 5%, một tín hiệu đảo ngược đầy nghịch lý trong bối cảnh thế giới tưởng chừng như đã thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng và nhà đầu tư tin tưởng giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng nợ châu Âu đã qua.

Phiên hôm qua, tâm lý bất ổn phủ khắp thị trường đẩy nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu, nâng khối lượng giao dịch trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt tới 10,3 tỷ cổ phiếu. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn trên Phố Wall nhảy 16% lên 34,77 điểm, cao nhất kể từ trung tuần tháng 10.

Góp phần vào bức tranh u ám chung còn là hoạt động sản xuất tháng 10 tại các nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu ở châu Á tăng trưởng với tỷ lệ thấp nhất trong gần 3 năm qua, trong khi sản xuất tại Anh giảm mạnh. Giới phân tích lo sợ nguy cơ suy thoái toàn cầu lại tái diễn.

Tương tự như thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu ngập đỏ nhưng biên độ giảm mạnh hơn nhiều. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt 122,65 điểm, tương ứng 2,21%, xuống 5.421.57 điểm. CAC 40 của Pháp hạ 174,51 điểm, tương ứng 5,38%, xuống 3.068,33 điểm. DAX của Đức trượt 306,83 điểm, tương ứng 5%.

Đóng cửa trước đó, các sàn chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn biến trái chiều. Về xu hướng giảm, dẫn đầu là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, với mức hạ 2,49% xuống 19.370 điểm. Ở chiều ngược lại, thị trường Đài Loan tăng mạnh nhất, với chỉ số Taiex tiến 0,45%.

Thị trườngChỉ sốPhiên trướcĐóng cửaTăng/giảm (điểm)Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones11.955,0011.658,00Down297,05Down2,48
S&P 5001.253,301.218,28Down35,02Down2,79
Nasdaq2.684,412.606,96Down77,45Down2,89
AnhFTSE 1005.544,225.421,57Down122,65Down2,21
PhápCAC 403.242,843.068,33Down174,51Down5,38
ĐứcDAX6.141,345.834,51Down306,83Down5,00
Nhật BảnNikkei 2258.988,398.835,52Down152,87Down1,70
Hồng KôngHang Seng19.864,9019.370,00Down494,91Down2,49
Trung QuốcShanghai Composite2.468,252.470,02Up1,77Up0,07
Đài LoanTaiwan Weighted7.587,697.622,01Up34,32Up0,45
Hàn QuốcKOSPI Composite1.909,031.909,63Up0,60Up0,03
SingaporeStraits Times2.855,772.789,35Down66,42Down2,33
Nguồn: CNBC, Market Watch.