10:50 21/03/2009

Phố Wall mất điểm vì thất bại của kế hoạch 200 tỷ USD

Duy Cường

Ngày 20/3, sự thất bại của kế hoạch cho vay tiêu dùng đã đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần

Sự thất bại trong chương trình cho vay kích thích tiêu dùng trị giá 200 tỷ USD chính là nhuyên nhân quan trọng đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần này - Ảnh: Reuters.
Sự thất bại trong chương trình cho vay kích thích tiêu dùng trị giá 200 tỷ USD chính là nhuyên nhân quan trọng đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần này - Ảnh: Reuters.
Ngày 20/3, sự thất bại của kế hoạch cho vay tiêu dùng đã đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần.

Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật quy định áp mức thuế 90% đối với các khoản thưởng từ 250.000 USD trở lên tại những tập đoàn nhận ít nhất 5 tỷ USD tiền cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.

Thế nhưng, ngay lập tức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bank of America, ông Kenneth Lewis đã gửi ngay một thông báo tới toàn thể nhân viên của mình để gọi đây là dự luật không công bằng.

Bên cạnh đó, ông Kenneth Lewis cũng gửi kiến nghị lên một vài thành viên trong Quốc hội và chính quyền Tổng thống Obama để bày tỏ sự quan ngại việc sử dụng pháp chế để trừng phạt các đối tượng không phải là nguyên nhân gây nên khủng hoảng tài chính.

“Nhiều kế hoạch của các chính phủ cần sự tự nguyện tham gia của khối tư nhân để hợp tác với chính phủ. Nếu giới đầu tư hay các công ty trong khối tư nhân tin tưởng rằng, các quy định luật pháp có thể thay đổi nhanh chóng và bừa bãi (indiscriminately), thì họ sẽ không tự nguyện hợp tác”, ông Kenneth Lewis nói.

Nhận định của ông Kenneth Lewis rất có lý nếu nhìn vào diễn biến của những kế hoạch trị giá hàng trăm tỷ USD của Chính phủ Mỹ những ngày qua và có thể cả những ngày tới.

Kế hoạch kích thích cho vay tiêu dùng nhưng phải có tài sản đảm bảo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã không đón nhận được sự quan tâm của định chế tài chính lớn khi chỉ có đề nghị vay 4,7 tỷ USD trong số 200 tỷ USD của ngân quỹ.

Sự thất bại của kế hoạch này đến từ hai khía cạnh: số lượng các định chế tài chính tham gia ít và số tiền xin được vay cũng thấp hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu.

Lý do khiến các định chế tài chính không quan tâm nhiều đến kế hoạch này chính là những thay đổi chóng vánh của các nhà làm luật, mà ví dụ điển hình chính là dự luật áp đặt mức thuế 90% đối với các khoản thu nhập thưởng như đã nên ở trên.

Giới đầu tư quan ngại rằng, tại sao việc thực hiện “Chương trình giải trừ các tài sản xấu” - cho các định chế tài chính vay tiền, Chính phủ không đưa ra các điều kiện được vay. Để rồi sau khi vay, các nhà làm luật lại đang nhanh chóng ban hành một quy định “bổ sung” đối với các khoản thưởng của các định chế tài chính Phố Wall?

Hơn nữa, kế hoạch mua tài sản xấu của Bộ Tài chính trị giá 1.000 tỷ USD để làm sạch bảng cân đối kế toán của các định chế tài chính – dự kiến sẽ công bố trong tuần tới, sẽ khó có thể thực hiện được vì kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của khối tư nhân. Mà khối tư nhân thì rất sợ sự thay đổi quá nhanh của luật.

Chứng khoán Mỹ mất điểm phiên cuối tuần

Sự thất bại trong chương trình cho vay kích thích tiêu dùng trị giá 200 tỷ USD chính là nhuyên nhân quan trọng đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần này.

Cổ phiếu khối tài chính, ngân hàng chính là mục tiêu bán tháo của giới đầu tư. Chỉ số S&P Tài chính đã mất 5,3% giá trị, trong đó cổ phiếu AIG giảm 22,22%, cổ phiếu Bank of America mất 10,7%, cổ phiếu JPMorgan giảm 7,21%,...

Trong tuần, với hai phiên lên điểm mạnh và ba phiên giảm điểm, chỉ số Dow Jones tăng 0,75%, chỉ số S&P 500 tiến thêm 1,58% và chỉ số Nasdaq nhích 1,8%.

So với đầu năm nay, chỉ số Dow Jones giảm 17,07%, chỉ số S&P 500 hạ 14,91% và chỉ số Nasdaq xuống 7,59%.

Phố Wall mất điểm vì thất bại của kế hoạch 200 tỷ USD - Ảnh 1
Biểu đồ diến biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ trong tuần - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 20/3: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 122,42 điểm, tương đương -1,65%, chốt ở mức 7.278,38.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 26,21 điểm, tương đương -1,77%, chốt ở mức 1.457,27.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 15,5 điểm, tương đương -1,98%, đóng cửa ở mức 768,54.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 2,47 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,46 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 9 cổ phiếu giảm điểm thì có 4 cổ phiếu lên điểm.
Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Hai: Công bố số liệu về doanh số nhà đã qua sử dụng chờ bán.

Thứ Ba: Tổng thống Obama có buổi họp báo.

Thứ Tư: Công bố số liệu về số đơn đặt hàng lâu bền, doanh số nhà mới chờ bán.

Thứ Năm: Công bố số liệu lần cuối về GDP của Mỹ quý 4/2008; Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner có bài phát biểu quan trọng liên quan đến chính sách tài chính.

Thứ Sáu: Công bố số liệu về chi tiêu dùng và thu nhập của người dân Mỹ; công bố kết quả thăm dò về lòng tin người tiêu dùng.

Chứng khoán châu Á có thêm một tuần thành công

Chứng khoán châu Á đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần với sự phân hóa rõ nét khi thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ và Australia mất điểm còn ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cùng lên điểm.

Dù giảm điểm phiên này nhưng tính chung cả tuần, cả chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục có thêm một tuần thành công, mở ra hy vọng cho một xu hướng phục hồi.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 74,31 điểm, tương đương -1,48%, chốt ở mức 4.897,39 - tăng 1,3% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 297,41 điểm, tương đương -2,26%, chốt ở mức 12.525,8 - tăng 2,46% so với tuần trước.

Chỉ số ASX của Australia hạ 11,8 điểm, tương đương -0,35%, chốt ở mức 3.405,00 - tăng 3,34% so với tuần trước.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 9,13 điểm, tương đương 0,79%, chốt ở mức 1.170,94 – cao hơn 4% so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 12,06 điểm, tương đương 0,76%, chốt ở mức 1.596,92 - cao hơn 1,23% so với tuần trước.

Chỉ số BSE của Ấn Độ hạ 35,07 điểm, tương đương -0,39%, chốt ở mức 8.966,68 – tăng 2,4% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lên 15,33 điểm, tương đương 0,68%, chốt ở mức 2.281,09 – tăng 7,15% so với tuần trước.

* Thị trường Nhật nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.