08:00 18/02/2009

Phố Wall "rúng động"

Duy Cường

Ngày 17/2, Phố Wall rơi vào thế chân tường khi S&P 500 mất hơn 4,3% trong 21 phút đầu giờ giao dịch

Sau ngày nghỉ lễ đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã giao dịch trở lại hôm thứ Ba bằng một phiên giảm điểm mạnh - Ảnh: Reuters.
Sau ngày nghỉ lễ đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã giao dịch trở lại hôm thứ Ba bằng một phiên giảm điểm mạnh - Ảnh: Reuters.
Ngày 17/2, Phố Wall rơi vào thế chân tường khi S&P 500 mất hơn 4,3% trong 21 phút đầu giờ giao dịch.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD, mở ra cơ hội ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế. Theo ông Obama, kế hoạch này sẽ tạo thêm 3,5 triệu việc làm.

Cùng ngày, số liệu bang New York cho biết, chỉ số ngành sản xuất trong tháng 1/2009 của bang đã giảm hơn 12 điểm xuống -34,65 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo -22,2 điểm của giới phân tích đưa ra trước đó. Số liệu này chỉ ra mức độ tồi tệ trong ngành sản xuất của của bang New York.

Cũng trong ngày 17/2, Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ đã cho biết tài sản của các quỹ đầu cơ (Hedge Fund) trên thế giới có thể đã giảm xuống còn 1.200 tỷ USD tính đến hết quý 1/2009, giảm 35% so với năm 2007.

Theo số liệu của Hedge Fund Research, tài sản của các quỹ đầu cơ tính đến hết năm 2007 là 1.900 tỷ USD, sau đó tăng lên 1.930 tỷ USD vào giữa năm 2008 và giảm xuống còn 1.400 tỷ USD vào cuối năm 2008.

Dow Jones và S&P 500 trong vùng nguy hiểm

Ngày 17/2, Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart cho biết doanh thu của hãng trong quý 4/2008 đã tăng 6%; lợi nhuận sau thuế đạt 3,79 tỷ USD, tương đương 96 cent/cổ phiếu – thấp hơn so với mức lợi nhuận 4,096 tỷ USD, tương đương 1,02 USD/cổ phiếu trong quý 4/2007. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của hãng đã tăng 3,7%.

Liên quan đến tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu ở Mỹ, General Motors vừa cho biết hãng có thể phải cần tới 30 tỷ USD nhằm thực hiện kế hoạch tái cấu trúc để phát triển. Như vậy số tiền để thực hiện việc phát triển của tập đoàn này đã tăng gấp đôi so với mức hỗ trợ của chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, trong bản kế hoạch của General Motors dài 100 trang này cũng đề cập đến việc cắt giảm chi phí và giảm khoảng 47.000 nhân công trong năm 2009 và cắt giảm tiếp 20.000 việc làm tính đến năm 2012. Cổ phiếu của General Motors đã giảm tới 12,8 xuống 2,18 USD/cổ phiếu.

Với thực tế vốn hóa thị trường của tập đoàn tính đến ngày 17/2 chỉ còn 1,33 tỷ USD, thì việc General Motors đang cần một lượng tiền lớn gấp nhiều lần giá trị cổ phiếu để tái cấu trúc khiến người ta sẽ nghi ngại về việc ai sẽ rót vốn? Và một kịch bản quốc hữu hóa tương tự như “đại gia” trong ngành bảo hiểm - AIG, cũng có thể đến với General Motors.

Cùng với General Motors, nhà sản xuất ôtô Chrysler cũng đã công bố cần 9 tỷ USD để tái cấu trúc tập đoàn, cao hơn 5 tỷ USD so với khoản vay mà hãng được Chính phủ Mỹ rót vốn.

Những thông tin trên đã góp phần đẩy tâm lý bi quan tới toàn thị trường. Điều đó đã tạo nên một phiên giao dịch tồi tệ của Phố Wall khi mà ngưỡng giá trị thấp nhất của các chỉ số chứng khoán, hay còn gọi là đáy được thiết lập vào ngày 20/11/2008 đã cận kề, và nếu ngưỡng này bị xuyên thủng, điều tồi tệ nhất có thể sẽ sớm xảy ra.

Ngoài ra, các thông tin về suy thoái kinh tế ở Nhật, Anh, hay những đánh giá của Moody's về khả năng ngân hàng châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế, cũng góp phần thúc đẩy giới đầu tư bán tháo cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu khối ngân hàng.

Sau ngày nghỉ lễ đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã giao dịch trở lại hôm thứ Ba bằng một phiên giảm điểm mạnh.

Khi thị trường mở cửa, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ở mức thấp hơn phiên giao dịch cuối tuần trước, 5 phút sau khi thị trường mở cửa, hai chỉ số này đều giảm hơn 2,8%.

Đà giảm tiếp tục gia tăng, và đến 9h51, chỉ số chỉ Dow Jones mất 281 điểm, tương đương -3,4%, còn chỉ số S&P 500 mất 4,3%.

Chỉ trong 21 phút đầu giờ giao dịch, chỉ số S&P 500 đã xuống ngưỡng 800 điểm – rơi xuống ngưỡng được thiết lập trong thời điểm khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất năm 2008.

Sau đó thị trường dao động trong biên độ hẹp đến 15h27. Bất ngờ đã đến khi thị trường tăng mạnh trong 5 phút rồi giảm mạnh cho đến hết ngày giao dịch trước đợt bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư.

Chỉ số Dow Jones chốt ngày giao dịch ở ngưỡng 7,552.6 – cao hơn 0,31 điểm so với đáy 1.552,29 (điểm hỗ trợ) được thiết lập ngày 20/11/2008. Chỉ số S&P 500 rời mốc 800 điểm và xuống 789,17 điểm - cao hơn 36,73 điểm so với đáy 752,44 điểm (điểm hỗ trợ), được thiết lập ngày 20/11/2008.

Điểm đáng chú ý nữa là ngưỡng giá trị thấp nhất trong ngày được thiết lập vào cuối giờ giao dịch, vì vậy chưa có dấu hiệu nào cho thấy sức chống đỡ của thị trường là tốt hay không đối với các điểm hỗ trợ của Dow Jones và S&P 500.

Do đó, phiên giao dịch ngày 18/2 tới sẽ là bản lề để đánh giá được độ vững chắc của điểm hỗ trợ.

Theo nhận định của giới phân tích, các điểm hỗ trợ của hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 sẽ sớm bị phá vỡ, bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư Phố Wall vẫn chưa có điểm hỗ trợ.

Điều này một phần được minh chứng khi Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đang bán mạnh lượng cổ phiếu của Johnson & Johnson (NYSE-JNJ) và cổ phiếu Procter & Gamble(NYSE-PG) - những công ty có kết quả kinh doanh rất tốt trong năm 2008 và được đánh giá là ít bị tác động từ khủng hoảng.

Cổ phiếu khối tài chính trong phiên giao dịch đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua khi chỉ số S&P Tài chính hạ 8%, trong đó cổ phiếu của Goldman Sachs mất 11,14%, cổ phiếu Citigroup giảm 12,32%, cổ phiếu Bank of America hạ 12,03%, cổ phiếu JPMorgan mất 12,3%, Wells Fargo xuống 13,1%...

Cổ phiếu khối năng lượng phiên này cũng mất điểm mạnh khi giá dầu xuống dưới ngưỡng 35 USD/thùng, cổ phiếu Exxon Mobil mất 4,4%, cổ phiếu Chevron hạ 5,1%...
Phố Wall "rúng động" - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến ba chỉ số chứng khoán chính ở Mỹ trong ngày 17/2 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 17/2: chỉ số Dow Jones giảm 297,81 điểm, tương đương -3,79%, chốt ở mức 7,552.6.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 63,7 điểm, tương đương -4,15%, chốt ở mức 1.470,66.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 37,67 điểm, tương đương -4,5%, đóng cửa ở mức 789.17.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,61 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có hơn 13 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,38 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Chứng khoán châu Âu xuống mức thấp nhất trong 3 tuần

Chứng khoán châu Âu đã tiếp tục mất điểm, đưa các chỉ số xuống mức thấp nhất kể từ ngày 23/1/2009.

Thị trường bị mất điểm mạnh do tác động từ những lo ngại về nguy cơ có thể đến với các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, đặc biệt là khu vực Đông Âu. Bên cạnh đó cổ phiếu khối năng lượng cũng giảm điểm mạnh, góp phần đẩy thị trường đi xuống.

Cổ phiếu khối ngân hàng dẫn đầu về biên độ giảm điểm, trong đó cổ phiếu Societe Generale mất  9,6%, cổ phiếu HSBC hạ 6,8%, cổ phiếu Standard Chartered trượt 8,9%, cổ phiếu Santander giảm 6,7% và UBS hạ 5,5%.

Các cổ phiếu khối năng lượng như Royal Dutch Shell, Repsol và Total giảm từ 1,6-3,5%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 100,62 điểm, tương đương -2,43%, chốt ở mức 4.034,13.

Chỉ số DAX của Đức mất 3,44%, chỉ số CAC 40 của Phát trượt 2,94%.

Chứng khoán châu Á rực đỏ!

Những lo ngại về thông tin kinh tế Nhật, Anh... có mức giảm mạnh, cũng như triển vọng không khả quan trong năm 2009, đã tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư châu Á.

Trong khi đó, tại Mỹ, dù thị trường vẫn chưa chính thức mở cửa ngày giao dịch 17/2 nhưng chỉ số tương lai của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm từ 1,5-2%. Điều này cho thấy diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày có thể sẽ chuyển biến không khả quan.

Trên thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã giảm 3% xuống 78,81 điểm, thị trường cứ có 8 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Như vậy chỉ số này đã giảm tới 12% kể từ đầu năm tới nay.

Các chỉ số chứng khoán châu Á phiên này đã cùng giảm điểm, và biên độ giảm điểm đã được nới rộng hơn những phiên giảm điểm gần đây. Điều này đang tạo nên những lo ngại trong bối cảnh tin xấu về kinh tế vĩ mô nhiều nước xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Chứng khoán Nhật tiếp tục mất điểm phiên thứ hai trong tuần, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 4 tháng qua.

Thị trường Nhật giảm điểm trong ngày xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng đáng chú ý nhất là giới đầu tư đã tăng lượng bán cổ phiếu trước kế hoạch tái cấu trúc ngành công nghiệp xe hơi ở Mỹ và thông tin Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này sẽ từ chức.

Các cổ phiếu khối ngân hàng Nhật đã bất ngờ giảm mạnh trước loạt tin về khả năng Ngân hàng Lloyds của Anh bị thua lỗ nặng và có thể bị quốc hữu hóa. Cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group mất 4%, cổ phiếu Mizuho Financial Group trượt 3,9%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group hạ 2,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 104,66 điểm, tương đương -1,35%, chốt ở mức 7.645,51. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,6 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Chuyển qua thị trường khác, thông tin mới nhất từ Singapore cho hay, xuất khẩu không bao gồm dầu của nước này trong tháng 1/2009 đã giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất trong vòng 22 năm qua. Mức giảm này cao hơn 0,3% so với dự báo của giới phân tích và giảm mạnh hơn nhiều so với mức sụt giảm 20,8% trong tháng 12/2008.

Như vậy, sau Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... công bố số liệu suy giảm mạnh về hoạt động xuất khẩu, Singapore hôm nay cũng đã chính thức ghi tên mình vào danh sách những nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc phiên này bất ngờ giảm hơn 4% - xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua, trước những lo ngại về triển vọng ngành công nghiệp của nước này. Trong khi đó, đồng Won tiếp tục mất giá đã đẩy cổ phiếu khối ngân hàng sụt giảm mạnh.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI mất 4828 điểm, tương đương -4,11%, chốt ở mức 1.127,19.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 2,17%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 2,3%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 3,79%. Chỉ số BSE của Ấn Độ xuống 2,95%, chỉ số ASX của Australia mất 1,42%. Chỉ số Shanghai Composite trượt 2,93%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 7.850,41 7.552,60 Down297,81 Down3,79
Nasdaq 1.534,36 1.470,66 Down  63,70 Down4,15
S&P 500 826,84 789,17 Down  37,67 Down4,56
Anh FTSE 100 4.134,75 4.034,13 Down100,62 Down2,43
Đức DAX 4.366,64 4.216,60  Down150,04 Down3,44
Pháp CAC 40 2.962,22 2.875,23  Down  86,99 Down2,94
Đài Loan Taiwan Weighted 4.591,26 4.491,78 Down  99,48 Down2,17
Nhật Nikkei 225 7.750,17 7.645,51 Down104,66 Down1,35
Hồng Kông Hang Seng 13.455,88 12.968,59  Down487,29 Down3,62
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.175,47 1.127,19 Down  48,28 Down4,11
Singapore Straits Times 1.685,66 1.642,12  Down  38,58 Down2,30
Trung Quốc Shanghai Composite 2.389,39 2.319,44 Down  69,95 Down2,93
Ấn Độ BSE 30 9.325,52 9.031,34 Down274,11 Down2,95
Australia ASX 3.461,30 3.412,20 Down  49,10 Down1,42
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg