Phụ nữ trung niên giảm cân có thể ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú
Ung thư nói chung và ung thư vú (UTV) chỉ có 5-10% là do di truyền, còn lại là hậu quả của chế độ ăn dư thừa chất béo, ít rau xanh và trái cây, tình trạng béo phì, ít vận động…
Từ những năm trước, y học đã chứng minh được rằng thừa cân đồng nghĩa với tăng nguy cơ ung thư vú. Chất oestrogen là một trong các nguyên nhân gây ung thư vú, và oestrogen lại được chất béo rất ưu ái. Điều đó có nghĩa, nếu bạn quá béo thì lượng oestrogen sẽ vượt quá mức bình thường, nguy cơ ung thư vú cũng cao hơn.Giờ đây, một nghiên cứu mới cho thấy, phụ nữ trung niên giảm khoảng 9 kg có thể ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú. Đây là kết quả của một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ với 180.000 tình nguyện viên. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe phụ nữ cho thấy cân nặng của các tình nguyện viên được ghi lại lần đầu sau 5 năm và lần thứ hai trong 4 năm tiếp theo. Nhóm nghiên cứu theo dõi chặt chẽ thể trạng và kiểm tra tỷ lệ mắc ung thư vú của các tình nguyện viên.Kết quả cho thấy phụ nữ giảm khoảng 9 kg trở lên có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 26%. Giảm cân càng thành công, hiệu quả ngăn ngừa bệnh càng rõ rệt. Trong 10 năm, gần 7.000 tình nguyện viên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, đa phần là phụ nữ béo phì hoặc giữ cân nặng ổn định.
Lauren Teras, Giám đốc Khoa học và Nghiên cứu Dịch tễ học tại Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết: "Giảm cân giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên không sử dụng các liệu pháp thay thế hormone. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người Mỹ, nơi có khoảng 2/3 phụ nữ thừa cân hoặc béo phì".Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả của nghiên cứu này sẽ trở thành động lực giảm cân cho phụ nữ bị béo phì. Tiến sĩ Stephanie Bernik, Trưởng khoa Phẫu thuật ngực tại Bệnh viện Mount Sinai West, New York, nhận định: "Những người giảm cân thành công có một lối sống rất khác. Họ thường tập thể dục đều đặn và giữ chế độ ăn uống lành mạnh. Có thể chính lối sống đó đã ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú".Ông cũng cho biết, ngoài việc các tế bào mỡ của con người tạo ra estrogen, là điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư vú phát triển, thì hormone và các hiện tượng viêm nhiễm do bệnh béo phì cũng liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác được công bố bởi hiệp hội Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ (WHI) cho biết, việc tuân thủ lâu dài với chế độ ăn giảm chất béo bao gồm ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc hàng ngày sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh đến 21%.
"Một sự thay đổi chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng tốt đến nguy cơ tử vong do ung thư vú của phụ nữ", nhà điều tra chính Tiến sĩ Rowan Chlebowski, thuộc Viện nghiên cứu y sinh Los Angeles, Trung tâm y tế Harbor-UCLA, Torrance, California cho biết. Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp "Bằng chứng thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát" rằng can thiệp chế độ ăn uống có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú, Chlebowski nói với các phóng viên trong buổi họp báo trước buổi thuyết trình tại ASCO 2019 ở Chicago, Mỹ.Bác sĩ Lidia Schapiro, MD, Đại học Stanford, California, cho biết nghiên cứu phòng ngừa là "rất quan trọng", mặc dù thực tế là nhóm can thiệp đã hoàn thành mục tiêu giảm mỡ 20% (hầu hết phụ nữ giảm tiêu thụ hàng ngày xuống 25% hoặc ít hơn tất cả lượng calo). Các bác sĩ lâm sàng nên khuyến khích phụ nữ sau mãn kinh hãy "đặt trái cây, rau và ngũ cốc vào đĩa của họ".
"Nghiên cứu này cho thấy chế độ ăn uống có thể tạo ra sự khác biệt về nguy cơ tử vong do ung thư vú " Chủ tịch ASCO ông Monica M. Bertagnolli, nhận xét. Mặc dù các nghiên cứu này chưa chỉ ra rõ loại thực phẩm nào, loại chất béo nào nên giảm nhưng dù sao nghiên cứu cũng đã được thực hiện trên một số lượng lớn người tham gia và tiến hành trong một thời gian rất dài nên kết quả thu được cũng rất có ý nghĩa cảnh báo.
(Theo Medscape Medical News)