08:58 06/10/2009

Phú Yên: Chuyện đến và đi của những dự án tỷ đô

Anh Quân

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên "kể chuyện" những siêu dự án tỷ USD đến và đi

Ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên - Ảnh: Anh Quân.
Ông Phạm Ngọc Chi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên - Ảnh: Anh Quân.
Phú Yên, mảnh đất "hẹp" giữa đèo Cù Mông và đèo Cả, mấy năm gần đây bỗng được đánh thức bởi nhiều dự án lên đến nhiều tỷ USD.

Những khu công nghiệp lọc hóa dầu vốn đầu tư 11 tỉ USD; khu du lịch liên hợp cao cấp 4,3 tỉ USD; hay dự án Thành phố Sáng tạo 11,4 tỷ USD… đưa Phú Yên trở thành địa bàn nhiều triển vọng thu hút vốn FDI. Thế nhưng, bên cạnh những "siêu" dự án đến, đã có nhà đầu tư xin rút lui.

Bên lề cuộc họp báo giới thiệu hội nghị xúc tiến đầu tư - du lịch vào Phú Yên chiều 5/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới.

Dự án ngừng triển khai là cá biệt

Thưa ông, lý do dự án khu công nghiệp lọc hóa dầu trị giá 11 tỷ USD do Công ty SP Chemicals (SPC) của Singapore dự kiến đầu tư đã xin ngừng triển khai là gì?

Dự án này đã được Chính phủ đồng ý và tất cả các phần việc đã được chuẩn bị, chỉ còn chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trước đó, tỉnh chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư là vì vốn pháp định nhà đầu tư này đưa vào cam kết còn thấp. Tỉnh Phú Yên yêu cầu vốn pháp định đối với dự án ít nhất phải chiếm 20% tổng vốn đăng ký, và nhà đầu tư phải xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến khoản vốn này, theo luật Việt Nam.

Phía nhà đầu tư cũng đã tích cực liên hệ vay của một số ngân hàng, kể cả ngân hàng Mỹ. Chỉ trong vòng 2 tháng chuẩn bị rất ráo riết, SPC đã xuất trình chứng thư đầy đủ. Tôi cho đầy là nhà đầu tư chuẩn bị kỹ nhất và sát sao nhất. Họ không có biểu hiện của nhà đầu tư đến để rồi đi.

Nhưng SPC đầu tư vào Việt Nam là làm nhiệm vụ trung chuyển thôi, lấy ra hóa chất, đưa về nhà máy của họ ở Thượng Hải để làm ra sản phẩm cuối cùng. Do tình hình khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc xuất ra tới 4.000 tỷ nhân dân tệ để kích cầu, tập trung ưu tiên cho lọc hóa dầu.

Nếu SPC chọn đầu tư vào Phú Yên đồng nghĩa với việc không sử dụng vốn kích cầu của Trung Quốc thì quá uổng. Cũng trong lúc đó, các ngân hàng bắt đầu “khóa cửa”, cho nên SPC tha thiết đề nghị Tỉnh Phú Yên cho phép ngừng đầu tư.

Chúng tôi thấy cũng nên thông cảm với họ. Hơn nữa, dự án này được Chính phủ quy hoạch là dự án an ninh năng lượng quốc gia, nếu SPC không đầu tư thì sẽ có nhiều nhà đầu tư khác vào đầu tư.

Thế còn khoản tiền Phú Yên đề nghị nhà đầu tư này hỗ trợ 25 tỷ đồng trước khi rời đi nên hiểu như thế nào?

Thực ra, nhà đầu tư này đã làm rất nhiều công việc, từ khảo sát, đo đạc, thăm dò địa chất, đo thủy văn… Tổng số tiền họ bỏ ra đầu tư, theo chúng tôi biết được, cũng cỡ 3 triệu USD. Còn mình thì chưa bỏ ra cái gì. Khi họ rút đi, cũng có chút trục trặc.

Vì thấy họ rút đi, một số cán bộ của tỉnh mới tính toán lấy một vùng lúa hai vụ, cho rằng bỏ hoang nhiều mùa vì để triển khai dự án này, tính ra tiền và yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán.

Tôi đi nước ngoài về thì thấy đồng ruộng bà con mình vẫn cứ làm, không bỏ hoang một mùa nào, mà tại sao mình làm như thế là không được. Làm như thế là vi phạm chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ. Đâu phải mình một tỉnh nghèo khó mà đi làm như thế!

Và tôi đặt vấn đề với SPC, toàn bộ tư liệu đã thực hiện để làm công tác chuẩn bị đầu tư đó, bây giờ cấp lại cho tỉnh. Và như vậy, họ sẵn sàng hoàn thành mọi hồ sơ và trao lại cho tỉnh để làm tài liệu nếu khi nhà đầu tư khác đến. Họ như vậy là sống rất có tình nghĩa.

Rồi SPC cũng đã cam kết với tỉnh, bỏ ra 5 triệu USD hỗ trợ công tác đền bù tái định cư, nhưng với điều kiện khi họ nhận được giấy chứng nhận đầu tư mới trả khoản tiền này. Đến khi tình hình như thế, họ không thể đưa mình tiền được, nhưng hứa bàn với hội đồng quản trị, có thể hỗ trợ một ít cho tỉnh làm tái định cư.

Đây có phải là trường hợp cá biệt nhà đầu tư chủ động xin ngừng triển khai dự án tại Phú Yên?

Đây là trường hợp cá biệt của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục vào với Phú Yên, như trường hợp dự án Thành phố Sáng tạo trị giá 11,4 tỷ USD của nhà đầu tư Galileo (Hoa Kỳ), 24/10 tới sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Giai đoạn 1 từ nay đến 2015 sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào công nghệ thông tin, đào tạo từ xa, phim trường điện ảnh, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, bất động sản…

Riêng về khu công nghiệp lọc hóa dầu, đến bây giờ có một đối tác của Trung Đông đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư. Ngoài ra còn có hai đối tác của Úc gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bây giờ, trách nhiệm của tỉnh là tiếp tục giải phóng mặt bằng, ổn định tái định cư. Còn chọn đối tác nào thì để các bộ, ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ, không vội vàng.

Dự án ở lại cũng lắm vấn đề

Một số dự án du lịch lớn mong muốn được đưa hoạt động casino vào và Chính phủ cũng có chủ trương chấp thuận, nhưng vì sao đến nay vẫn vướng?

Với dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City, trong dự án quy hoạch có một hòn đảo, tổng diện tích 35 ha, cách bờ biển khoảng chừng 2km, rất lý tưởng cho hoạt động casino.

Nhà đầu tư đã làm đủ hồ sơ, lúc đầu tổng trị giá dự án hơn 2 tỷ USD. Nhưng do đề nghị của phía Việt Nam, muốn làm casino phải có quy mô vốn tối thiểu 4 tỷ USD nên phải tính toán lại hết. Tỉnh cũng quyết tâm cho thêm diện tích đất để đủ xây dựng dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD.

Ra xin ý kiến 14 bộ, ngành đều đồng ý cả. Chính phủ họp cũng đã nhất trí. Nhưng cuối cùng lại quyết làm thí điểm tại Phú Quốc, còn Phú Yên cứ để đó, tính toán sau.

Gần đây, đặc khu kinh tế được Chính phủ quyết định thành lập tại Phú Yên (phía Nam Tuy Hòa), dự án của Galileo và một số dự án khác, Chính phủ và các bộ đang nghiên cứu, tới đây phải sửa cái này.

Cho nên bây giờ, các dự án cứ chuẩn bị sẵn sàng. Họ vẫn tiếp tục theo đuổi và tin là Chính phủ sẽ cấp phép.

Dân số Phú Yên khoảng 1% cả nước với khá nhiều dân tộc, phân bố không tập trung. Trong khi đó, tỉnh lại định hướng phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ mới. Như thế liệu có phù hợp không?

Dân số Phú Yên hiện nay khoảng trên 950 nghìn người, dân tộc thiểu số khoảng 45 nghìn người. Trong việc quy hoạch phát triển các ngành công nghệ cao và kêu gọi đầu tư vào các ngành này, Phú Yên quan tâm duy nhất là phải làm thế nào để nâng cho được trình độ lao động.

Tại Phú Yên hiện nay, học sinh tốt nghiệp lớp phổ thông trung học, tốt nghiệp đại học xong, ra trường không có việc làm. Nhiều người tốt nghiệp đại học, do ở Phú Yên chưa có việc làm ngay phải đi các tỉnh thành tìm việc.

Chúng tôi nghĩ, kêu gọi ngành nghề công nghệ cao ấy, không chỉ cho Phú Yên mà cho cả khu vực, các tỉnh duyên hải, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vì Phú Yên có trường cao đẳng công nghiệp, cao đẳng xây dựng. Hai trường này, mười mấy tỉnh học ở đó, mỗi trường khoảng 3.000 sinh viên.

Thứ hai, Phú Yên là cửa ngõ hướng ra biển đông của các tỉnh Tây nguyên, và của Đông Bắc Campuchia. Cho nên Phú Yên sẽ là một trung tâm kinh tế. Khi dự án đặc khu kinh tế vào, dự án Thành phố Sáng tạo vào, cùng với dự án lọc hóa dầu tại Vũng Rô quý 4/2009 sẽ khởi công, thì cũng là một trung tâm kinh tế, trung tâm đào tạo.

Dự án Thành phố Sáng tạo trong đó có nhiệm vụ đào tạo lao động chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Hiện người dân Phú Yên đang phát triển nhiều mô hình sản xuất có giá trị cao như trồng cà phê, như nuối tôm hùm… Khi cơ cấu lại kinh tế theo hướng công nghiệp, sẽ có nhiều hộ nông dân mất đi nguồn thu nhập cao này?

Quan điểm của chúng tôi là làm gì thì làm, nhưng đời sống của người dân phải được nâng cao hơn. Còn nếu đời sống không cao hơn thì không được làm. Cho nên, trong quá trình thảo luận với nhà đầu tư phải đảm bảo những yêu cầu trên. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã tài trợ hoàn toàn từ học phí cho đến viện phí, không thu một đồng nào.

Trường hợp không trúng chỗ nghề nghiệp mặt nước mà trúng đất nông nghiệp thì quy hoạch liền kề khu sản xuất, không ảnh hưởng gì đến sản xuất của người dân. Phú Yên vẫn tôn trọng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, vì đây là một trong 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Cách làm là thế, ngân sách địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ.

Với khu tái định cư dự án lọc hóa dầu tỉnh đang triển khai, khi đưa dân ra chỗ mới diện tích hơn chỗ cũ, hạ tầng hơn chỗ cũ, hành nghề thuận tiện hơn chỗ cũ. Cho nên khu tái định cư của Phú Lạc, diện tích ít nhất là 150 m2, nhiều nhất là trên 300m2/hộ.

Thứ hai là đường xá quy hoạch đường nhựa, có nước sạch sinh hoạt. Tỉnh cũng đặt vấn đề với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tư cho một cảng cá 30 tỷ đồng và đang chuẩn bị khởi công.

Cho nên vừa rồi tỉnh làm như thế, bà con nhắc nhở làm cho nhanh, làm cho xong mặt bằng cho họ.

Hút "siêu" dự án với PCI cuối bảng

Một vấn đề được khá nhiều người đặt ra là vì sao Phú Yên thu hút được nhiều dự án lớn đến thế?

Bây giờ, chính sách thu hút đầu tư tỉnh nào cũng như tỉnh nào, không ai dám vượt rào. Phú Yên chúng tôi có mấy điểm được nhà đầu tư hoan nghênh.

Thứ nhất, công tác quy hoạch chúng tôi làm trước. Tỉnh Phú Yên, toàn bộ quy hoạch cơ bản xong hết, từ quy hoạch chung toàn tỉnh, cho đến từng huyện, từng ngành…

Thứ hai, thiên nhiên Phú Yên hoang sơ và rất tuyệt vời, nhà đầu tư bớt được thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng, bớt thời gian đập phá…

Còn các cái khác tỉnh nào cũng giống nhau, cũng đơn giản thủ tục, cũng cải cách hành chính, cũng “o bế” này khác… Nhà đầu tư họ nói với chúng tôi thế, thấy đúng.

Nhà đầu tư cũng “cực” với nhiều thủ tục còn bất cập. Để xử lý việc đó, đến sở nào, cơ quan nào thì thôi, mình niềm nở để cho họ vừa ý, mà cũng đừng có hạch sách gì người ta cả.

Nhưng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2008, Phú Yên đang ở vị trí cuối bảng?

VCCI đánh tụt hạng năm ngoái vì cho rằng chi phí gián tiếp quá lớn, việc này thì tôi phản đối. Vì có chuyện nội bộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh nhau, chê bai nhau…

Tôi nói thẳng, nếu nhà đầu tư nào, doanh nghiệp nào thấy phải chi phí gián tiếp tại Phú Yên thì cứ cung cấp. Nếu là cấp dưới thì cung cấp cho tôi, nếu mà cùng cấp với tôi thì cứ ra Trung ương, Bộ Chính trị mà báo cáo, tôi sẽ chịu trách nhiệm.

* Cho đến nay, đã có 185 dự án đầu tư vào Phú Yên, trong đó có 33 dự án FDI từ 18 quốc gia. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đầu tư trong nước là 16.600 tỷ đồng. Vốn FDI đăng ký đạt 7,9 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện tương đương khoảng 4%.