09:42 21/08/2007

Phục hồi chứng khoán thế giới, bài toán khó!

Lê Hường

Cuộc điều tra của CNN cho thấy, chỉ có 6% độc giả đồng ý tình trạng tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán đã kết thúc hoàn toàn

Triển vọng những ngày tới của thị trường chứng khoán thế giới vẫn là một dấu hỏi lớn - Ảnh: Reuters.
Triển vọng những ngày tới của thị trường chứng khoán thế giới vẫn là một dấu hỏi lớn - Ảnh: Reuters.
Trong khi các nhà đầu tư đang khấp khởi vui mừng vì màu xanh đã trở lại với thị trường chứng khoán thế giới, thì kết quả của một điều tra ngắn trên CNN lại là một câu hỏi lớn với giới phân tích.

Với mẫu tham chiếu là 52.709 đọc giả của CNN, cuộc điều tra đến cuối giờ chiều ngày đầu tuần cho thấy, chỉ có 6% đồng ý tình trạng tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán đã kết thúc hoàn toàn, 19% cho rằng có thể đã hết, 29% trả lời là chưa thể khẳng định được và một con số bất ngờ là 46% độc giả cho rằng không thể nào phục hồi.

Luồng gió mát mang tên FED

Quyết sách cắt giảm lãi suất chiết khấu xuống mức 5,75% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được ví như một cơn gió mát thổi vào thị trường chứng khoán đang cơn bĩ cực.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đóng cửa ở mức 13.079 điểm vào ngày thứ sáu, tăng 1,82%, chỉ số công nghiệp Nasdaq cũng phục hồi ở mức tăng 2,31% đạt 1888,78 điểm.

Tương tự, chỉ số chứng khoán hàng đầu của Anh, FTSE 100, hiển thị mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2003, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ sáu với 6064,2 điểm, tăng 3,5%. Chỉ số DAX của Đức tăng 1,49% và CAC-40 của Pháp cũng tăng 1,86%.

Thị trường châu Á cũng leo dốc với tốc độ mạnh mẽ nhất trong 5 năm trở lại đây. Chỉ số Nikkei225 của Nhật, HangSeng của Hồng Kông và Kospi của Hàn Quốc để đạt được mức phục hồi tốt nhất trong ba năm trở lại đây.

Ngân hàng Macquaire có bước tiến nhanh nhất trong vòng một thập kỷ, đồng thời, cổ phiếu của Canon và Samsung cũng tăng mạnh sau khi thị trường bớt căng thẳng từ áp lực tín dụng của Mỹ.

Cổ phiếu của Canon, nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số hàng đầu thế giới tăng 7,8%, đạt 5.820 Yên. Cổ phiếu của Công ty điện tử Samsung, nhà xuất khẩu lớn nhất Hàn Quốc tăng 3%, đạt 589.000 Won.

Các chứng khoán tài chính vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tác động của thị trường tài chính tuần trước đã được cải thiện rõ nét. Cổ phiếu của Macquaire, tập đoàn tài chính lớn nhất nước Úc tăng 7,5% lên mức 69,66 Đôla Úc. Cổ phiếu của Mizuho, ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản tăng 7,1%, lên mức 677.000 Yên.

Tại Hồng Kông, HSBC Holdings Plc, ngân hàng lớn nhất châu Âu đã tăng 2% lên mức 138,5 Đôla Hồng Kông.

Donald Kohn, Phó chủ tịch FED viết trong một bản nghiên cứu để tham dự cuộc hội thảo ngày hôm nay ở Sydney rằng, tác động của cuộc khủng hoảng thị trường thế chấp thứ cấp đối với người tiêu dùng có thể sẽ dừng ở mức “khiêm tốn nhất”.

Nhiều nhà đầu tư nhận định rằng, việc cắt giảm lãi suất tương đối có hiệu quả trong việc trấn an nỗi ám ảnh trên thị trường.

“Hôm qua chúng ta đã nhìn thấy mức đáy của thị trường, và bây giờ các bạn cũng đã thấy những gì Fed đã làm cho thị trường ngày hôm nay” Stephen Leeb, Chủ tịch quản lý Quỹ Leeb nói.

Cơn bĩ cực chưa qua

Trong khi “luồng gió mát” mang tên Fed thổi đến hy vọng và niềm tin cho nhiều nhà đầu tư thì giới phân tích lại nhận định rằng, quyết sách của FED vào ngày thứ sáu là có tác động tốt nhưng chỉ là một giải pháp tạm thời.

Sự xáo trộn của thị trường chứng khoán chưa chắc đã biến mất vì thị trường thế chấp chưa lặng sóng, Ben Halliburton, Giám đốc đầu tư và là người sáng lập Quỹ Tradition Capital của Mỹ nói, “Các bạn sẽ còn phải chứng kiến những vấn đề khác, sẽ có nhiều quỹ rút tiền để chuyển sang hình thức kinh doanh khác. Tình trạng bất ổn của thị trường chứng khoán có thể còn tiếp tục đến hết năm”.

“Đấy chỉ là một cách thức sơ cứu vết thương, không có tác dụng chữa lành hẳn” Chris Johnson, Giám đốc đầu tư của tập đoàn nghiên cứu Johnson.

Sự suy thoái đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, các ngân hàng trung ương buộc phải bơm tiền tỷ vào hệ thống ngân hàng để giải cứu. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, sự cắt giảm tỷ suất hôm thứ sáu và kể cả những biện pháp cắt giảm tương tự trong thời gian tới cũng không thể làm đảo ngược tình thế trên thị trường được.

“Vấn đề lớn nhất vẫn là tình trạng tín dụng thứ cấp, nút thắt này không thể đơn giản được tháo gỡ chỉ bằng một bước đi của FED” Johnson nói.

Theo Ryan Atkinson, Phó chủ tịch và chuyên gia phân tích thị trường tại Quỹ Balestra Capital, bước đi đó của FED đã trấn an được tư tưởng của thị trường tín dụng nhưng xét về dài hạn thì mụ phù thuỷ đã phù phép trên thị trường cũng không ngây thơ đến vậy.

Bằng cách giảm lãi suất chiết khấu, FED có thể nhắm đến mục tiêu là những ngân hàng vốn rất lo lắng về tình trạng tín dụng, nhưng điều đấy chỉ có thể là liều thuốc giảm đau ngắn hạn.

“Có một nỗi lo ngại là FED đã quá tập trung vào vấn đề lạm phát và có thể đặt nền kinh tế vào tình trạng rủi ro. Biện pháp đấy cho thấy rằng Fed không có nhiều công cụ để vừa chống đỡ lạm phát lại vừa giữ nền kinh tế phát triển ổn định. Lạm phát sẽ là một vấn đề lớn đối với thị trường” Stephen Leeb, Chủ tịch quản lý Quỹ Leeb nhận xét.

Giới phân tích cũng dự báo rằng, trong cuộc họp vào ngày 18/9 tới đây, nếu FED không có những biện pháp thật sự hiệu quả thì các thị trường chứng khoán sẽ rất thất vọng, và điều đó còn có thể dẫn đến một sự suy thoái lớn hơn.