09:15 10/07/2009

Phục hồi kinh tế: Lạc quan và lo ngại

Lê Châu

Bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan.
“Tôi hy vọng và mong muốn Việt Nam không sợ bị thương mại tàn phá”, ông Sean Doyle, Đại sứ Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam đã phát biểu như vậy trong Hội thảo “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 9/7.

4 khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt đã được ông Sean Doyle chỉ ra là tăng trưởng rõ ràng thấp hơn năm ngoái; luồng đầu tư giảm trong những tháng đầu năm cùng với sự suy giảm của luồng tiền chuyển về nước của lao động nước ngoài ở Việt Nam vẫn không cải thiện được tình hình; gánh nặng lạm phát; thất nghiệp ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cũng theo vị đại sứ này có 4 lý do để Việt Nam lạc quan: tăng trưởng thực chất, FDI vẫn ở mức cao nhất thế giới, kinh tế nông thôn dường như vẫn khả quan khi giá gạo vẫn ổn. Xuất khẩu vẫn đạt được mức khá hơn các nước châu á khác khi chỉ giảm 10,1% trong khi Trung Quốc giảm trung bình 23%, Thái Lan giảm 23% trong 5 tháng đầu năm, Nhật Bản giảm 37% trong tháng 4 và tháng 5.

ý nghĩa sống, còn của tái cấu trúc

“Sau khủng hoảng khu vực năm 1997, kinh tế nước ta phải mất 8 năm mới lấy lại được tốc độ tăng trưởng năm 1997. Vậy lần này, Việt Nam phải mất bao nhiêu năm?” là  vấn đề được nhiều đại biểu tham gia hội thảo hướng tới. Theonguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, trả lời được câu hỏi này không phải là điều dễ dàng vì quá trình hồi phục phụ thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, trong đó có những nhân tố ta không chủ động điều hành được.

 “Dù sao thì ngày nay tiềm lực kinh tế nước ta đã khá hơn, đã có ít nhiều dự trữ ngoại tệ, ta cũng đã có thêm kinh nghiệm xử lý các vấn đề nảy sinh, vị thế của nước ta ở trên thế giới và khu vực đã khác trước. Tất cả những nhân tố đó đã tạo nên hy vọng thời kỳ hồi phục sẽ phần nào thuận hơn”, ông Khoan tỏ ra lạc quan.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều quan trọng không chỉ là khôi phục tốc độ tăng trưởng cao mà tăng trưởng bằng cái giá nào, hiệu quả và chất lượng ra sao, với một cơ cấu kinh tế thế nào? Muốn vậy, việc tái cấu trúc nền kinh tế nước ta, khắc phục những yếu kém bộc lộ trong thời khủng hoảng có ý nghĩa sống còn. Cơ cấu lại doanh nghiệp là một hướng lớn cần quan tâm.

Theo Chuyên gia kinh tế, tài chính Bùi Kiến Thành thì trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp, vấn đề đặt ra là cần phải mạnh dạn xóa bỏ những cái cũ, cái lạc hậu để tìm hướng đi phù hợp, không nhất thiết phải có những dự án cực lớn trong khi khả năng không đáp ứng, hoặc tập trung đầu tư vào những tập đoàn trong khi hiệu quả không cao.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương “hiến kế” 3 giải pháp cơ bản trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp.

Thứ nhất là xem xét lại hiệu quả của các gói kích thích kinh tế cũng như tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Thứ hai là chính sách của Chính phủ phải nhất quán cả trong ngắn hạn và dài hạn, điều này liên quan đến cả công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, thị trường lao dộng, thị trường thương mại, tài chính..., đặc biệt là trong phát triển kết cấu hạ tầng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Thứ ba là phải cập nhật thông tin, tìm hiểu, học hỏi thế giới, xem thế giới cơ cấu kinh tế ra sao, từ đó gắn với điều kiện trong nước để có chiến lược tốt hơn cho đề án tái cơ cấu kinh tế trong nước giai đoạn 2011- 2020.

Những “góc khuất” cần nhìn rõ

TS Đinh Quang Tỵ, Hội đồng Lý luận Trung ương “mổ xẻ”: với những tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, những yếu kém vốn có của Việt Nam cũng bộc lộ rõ hơn. Nhìn tổng thể, thực lực của nền kinh tế nước ta hiện thời còn yếu kém so với các nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, các cân đối vĩ mô chưa bảo đảm vững chắc, trong khi tiềm năng của chúng ta phong phú, giàu có hơn nhiều nước.

“Chúng ta không thể né tránh những mặt tồn tại đang gây ảnh hưởng bất lợi như hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách tuy đã được bổ sung nhưng, điều chỉnh, đổi mới nhưng vẫn chưa đảm bảo sự đồng bộ và nhất quán. Môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, thông thoáng. Vai trò, chức năng và nguyên tắc hoạt động khách quan của thị trường chưa được tôn trọng đầy đủ, vận dụng hợp lý. Sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vẫn cò khá phổ biến. Tình trạng độc quyền doanh nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước còn kéo dài, với những hình thức mới được “hợp thức hoá” nhưng thiếu những biện pháp cần thiết để được khắc phục... Đánh giá khái quát, phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa tạo được môi trường thật sự thông thoáng để giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất của các thành phần kinh tế và mọi chủ thể trong xã hội”, TS Tỵ nhận định.

Ông Tỵ đưa ra 3 kiến nghị: kiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; tập trung mọi nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng.