08:15 13/10/2012

Phút “trải lòng” của người đứng đầu VCCI

Hoài Ngân

“Đến nay tình hình vẫn quá khó khăn nên có doanh nhân đã chia sẻ với tôi, nếu được bắt đầu lại họ sẽ không trở thành doanh nhân”

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).<br>
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).<br>
Người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Vũ Tiến Lộc vừa có cuộc trò chuyện với báo giới nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), giữa lúc cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với một năm đầy khó khăn.

Ông Lộc nói:

- Theo số liệu mới nhất, tính đến 20/9, trong số 675 nghìn doanh nghiệp đã thành lập, còn 471 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Nghĩa là khoảng 200 nghìn doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường.

Riêng năm nay, có 51 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động đã trên 40 nghìn doanh nghiệp. Nghĩa là, số doanh nghiệp phá sản đã gần lại hơn số thành lập mới. Đáng nói là trong số 471 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, số thua lỗ rất lớn.

Trong số này đúng là có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả kém, quản trị yếu, đầu cơ... Nhưng có một bộ phận doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt, do doanh nghiệp khác phá sản, khiến họ không đòi được nợ, hoặc do thị trường ảm đạm nên lâm vào khó khăn tạm thời.

Tôi cho rằng nhiệm vụ của nhà nước là phải giúp đối tượng này vượt lên, bởi họ chỉ gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời gián đoạn, họ không đáng “chết”. Để bộ phận này tiếp tục phá sản, nền kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn.

Thể chế, thị trường nào thì doanh nhân đó

Chúng ta đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần một năm nay, nhưng doanh nhân vẫn khó khăn vậy. Tâm tư doanh nhân dịp 13/10 năm nay chắc rất nhiều?


Đúng vậy. Chính sách hỗ trợ thời gian qua có tác dụng, nhưng còn hạn chế, vẫn dàn đều theo lĩnh vực, quy mô, ví dụ hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội...

Phút “trải lòng” của người đứng đầu VCCI - Ảnh 1Chúng ta cần một thế hệ doanh nhân làm ăn bài bản và minh bạch hơn. TS. Vũ Tiến Lộc

Không có lựa chọn nên doanh nghiệp năng lực yếu, đầu cơ cũng được hỗ trợ như doanh nghiệp làm ăn bài bản, nhiều tiềm năng. Đến nay tình hình vẫn quá khó khăn, nên có doanh nhân đã chia sẻ với tôi, nếu được bắt đầu lại, họ sẽ không trở thành doanh nhân. Thậm chí, có người hối tiếc trước kia sao không ở lại cơ quan nhà nước để làm quan chức... Có người mong được trở lại điểm xuất phát, chỉ cần không phải nợ nần...

Tuy nhiên, đại đa số doanh nhân đều quyết tâm không từ bỏ kinh doanh. Nhiều người chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ công nhân và mong được tiếp tục kinh doanh lại theo con đường bền vững, bài bản. Họ mong có môi trường vĩ mô tốt hơn, chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để vượt khó.

Trong khó khăn này, nhiều người cho rằng ngay giới doanh nhân cũng phải chịu trách nhiệm?


Mấy năm trước khi kinh tế đi lên, doanh nhân đến đâu cũng được tôn vinh. Nay thì nhiều người nói chính doanh nhân đầu cơ, tạo ra bất ổn. Đúng là có những doanh nhân đầu cơ.

Nhưng công bằng mà nói thể chế, thị trường nào thì doanh nhân đó. Bất động sản nóng như thế, không chỉ doanh nhân, ngay người dân cũng lao vào đầu cơ. Do áp lực cổ đông, do cơ hội thị trường, nhiều doanh nhân phải tận dụng chỗ sinh lời nhanh trước.

Hệ thống cảnh báo rủi ro từ phía Chính phủ không thật sự mạnh và chính sách thiếu nhất quán, môi trường kinh doanh chưa thật minh bạch, đã khiến doanh nghiệp khó tính toán chiến lược lâu dài mà thích đầu cơ, tìm cơ hội trên quan hệ... để có lời nhanh.

Tôi hy vọng tới đây, chính sách ổn định vĩ mô, điều hành thị trường sẽ kiên định hơn, tránh tiền tập trung vào khu vực có tính đầu cơ; doanh nghiệp thích “đầu tư” vào mối quan hệ hơn là đổi mới công nghệ... Chúng ta cần một thế hệ doanh nhân làm ăn bài bản và minh bạch hơn.

Cần những biện pháp đặc biệt

Chúng ta đang trông đợi vào tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng có vẻ bước khởi động vẫn kéo hơi dài?

Tái cấu trúc mới có bước đi đầu tiên, hiện chúng ta vẫn tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, để đứng vững, vượt khó. Nhưng việc xử lý cái ngắn hạn cũng nên đặt trong tinh thần tái cấu trúc và theo tôi, đã đến lúc cần tiến hành động song song cả biện pháp lâu dài, cơ bản.

Cần đẩy nhanh hơn tái cấu trúc, không nên đợi hết khó khăn mới làm bởi nó sẽ hỗ trợ cho quá trình đi lên của doanh nghiệp. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đầu tư công... cần theo hướng thực sự tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.

Tôi cho rằng tình hình khó khăn hiện nay rất đặc biệt, nên cần những biện pháp đặc biệt. Giới doanh nhân kỳ vọng việc thực thi chính sách hỗ trợ cần đúng trên tinh thần trong bức thư Bác Hồ gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương”...

Phút “trải lòng” của người đứng đầu VCCI - Ảnh 2Cần có can thiệp để ngân hàng phải cho vay theo dòng tiền, hay nói cách khác là theo khả năng sinh lợi của dự án. TS. Vũ Tiến Lộc

Các biện pháp giải quyết khó khăn cũng cần mạnh mẽ để có tác động mạnh, đủ để thay đổi tình hình. Cứ nói số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn số phá sản, nhưng doanh nghiệp phá sản thường có vị thế, kinh nghiệm rồi, không thể so với doanh nghiệp thành lập mới. Nên cần đánh giá đúng để đừng đánh mất một thế hệ doanh nhân đã có nhiều kinh nghiệm, cống hiến...

Thưa ông, biện pháp mạnh, thực thi tận tâm là thế nào? Cái khó nhất là vốn, thì doanh nghiệp đã không tiếp cận nữa rồi?

Hiện nay, ngân hàng cho vay ra họ ăn chắc phần mình, yêu cầu phải có thế chấp. Điều kiện bình thường là đúng. Rồi có dự án có lãi mới cho vay là đương nhiên. Nhưng trong điều kiện đặc biệt hiện nay, cần có can thiệp để ngân hàng phải cho vay theo dòng tiền, hay nói cách khác là theo khả năng sinh lợi của dự án. Nghĩa là doanh nghiệp nào có dự án hiệu quả, dự án dang dở, dù đang có nợ tại ngân hàng, cũng nên cho họ vay.

Đặc biệt, Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu ngân hàng. Để đảm bảo có lãi khi nợ xấu cao, các ngân hàng sẽ phải dự phòng rủi ro lớn và sẽ giữ lãi suất cho vay ở mức cao. Thực chất là họ cho nợ xấu của các khoản vay trước đây “chui” vào lãi suất cho vay mới. Nếu doanh nghiệp không phải gánh nợ xấu cũ của ngân hàng thì họ sẽ bớt khó khăn hơn.

Tránh những quyết định hành chính bất ngờ


Nhiều doanh nghiệp đang kêu giá thuê đất cao. Ông có thấy chính sách nhà nước cần thay đổi?

Giá thuê đất vừa qua đã có chủ trương giảm 50% cho doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn cho rằng mức giảm đó chưa đủ, bởi vấn đề là giá đất luôn được điều chỉnh tăng theo từng năm. Giá đất ở có thể tăng, nhưng giá đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh cần ổn định, cứ tăng liên tục hàng năm như vậy thì doanh nghiệp chết. Nên chúng tôi đề nghị nên tách biệt, giá đất kinh doanh 5 năm mới điều chỉnh.

Giá thuê đất trong bối cảnh hiện nay nên giữ bằng mức năm 2010 để doanh nghiệp có thể giảm chi phí, tiếp tục gắng gượng để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, vấn đề tăng lương cho người lao động nhà nước cần có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp lường trước. Có thể quy định việc tăng lương định kỳ hàng năm với tỷ lệ tăng tương ứng với mức lạm phát cộng với tăng trưởng GDP. Cần tránh những quyết định hành chính bất ngờ, như một năm tự nhiên quyết tăng lương hai lần, doanh nghiệp rất khó điều chỉnh kịp.

Thuế thu nhập doanh nghiệp đã có định hướng giảm, ông có cho rằng trong khó khăn hiện nay cần giảm nhanh hơn lộ trình?

Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần điều này. Thái Lan đang thuế thu nhập doanh nghiệp 30% đã giảm mạnh xuống còn 23%. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan... thuế thu nhập áp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chỉ 17%.

Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đang cao so với tương quan chung, cần giảm xuống nhanh, để thể hiện sự chia sẻ của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp gắng gượng vì họ còn tích lũy mấy năm trước. Nhưng họ có thể còn khó khăn trong năm 2013, thậm chí đến 2015. Nếu chúng ta không chia sẻ thực sự có ý nghĩa, thì doanh nghiệp không thể vượt qua khó khăn được.

Phút “trải lòng” của người đứng đầu VCCI - Ảnh 3Cần tránh những quyết định hành chính bất ngờ, như một năm tự nhiên quyết tăng lương hai lần, doanh nghiệp rất khó điều chỉnh kịp. TS. Vũ Tiến Lộc

Trước Thủ tướng gặp doanh nhân một lần/năm, mấy năm nay thì chỉ gặp doanh nghiệp nhà nước thôi. Có nên phát triển các hình thức đối thoại để tăng tương tác, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Thủ tướng và gần đây là các bộ trưởng đều đã đăng đàn trả lời, đối thoại trên nhiều diễn đàn. Nhưng đúng là trước đây, Thủ tướng gặp gỡ định kỳ đại diện doanh nhân Việt Nam ít nhất một lần/năm, quy mô có khi cả nghìn doanh nghiệp. Nay, dù các bộ, ngành đã tăng cường đối thoại nhưng có những vấn đề nhiều bộ ngành phối hợp chưa tốt nên nếu lãnh đạo cả Đảng, nhà nước, Chính phủ đều tăng đối thoại với doanh nghiệp thì sẽ rất tốt.

Thủ tướng có thể tiếp xúc với từng nhóm doanh nghiệp hẹp để lắng nghe được nhiều. Nhưng bên cạnh đó, nếu tổ chức đối thoại định kỳ, với rộng rãi đối tượng doanh nghiệp để có một thông điệp hàng năm cho họ thì hiệu quả sẽ rất cao bởi ngoài tính thiết thực nó còn có tính biểu tượng. Giới doanh nhân sẽ được động viên và họ cũng có thể phản biện ngay những chính sách có thể gây mất ổn định vĩ mô cũng như hiến kế với Chính phủ các giải pháp phát triển đất nước.