“Quả đắng” với trái phiếu chuyển đổi của REE
Giới đầu tư đang xôn xao về vụ bị “ép” chuyển đổi trái phiếu của REE thành cổ phiếu mà không cho nhận lại tiền gốc như “thông lệ”
Giới đầu tư đang xôn xao về vụ bị “ép” chuyển đổi trái phiếu do Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) phát hành thành cổ phiếu REE mà không cho nhận lại tiền gốc như “thông lệ”.
Nguyên nhân của sự bức xúc trên là giá cổ phiếu REE trên sàn hiện chỉ loanh quanh ngưỡng 11.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó ngày 15/7 tới đây, REE sẽ chốt danh sách trái chủ để thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu với tỉ lệ 1:72, tức là 1 trái phiếu được chuyển đổi thành 72 cổ phiếu.
Không ít trái chủ tỏ ý “phẫn nộ” trên các diễn đàn chứng khoán khi chợt phát hiện ra việc chuyển đổi là bắt buộc. Điều đó có nghĩa là trái chủ không được nhận lại tiền gốc và lãi mà phải chuyển đổi thành cổ phiếu.
Đợt phát hành 810.418 trái phiếu của REE có giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 8%/năm. Kỳ hạn của trái phiếu là 12 tháng. Nếu giá cổ phiếu REE đang niêm yết tại HSX có giá cao thì chuyện không có gì đáng nói, thậm chí nhà đầu tư có thể tranh nhau mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Nhưng việc REE chỉ tà tà quanh mệnh giá, vụ đầu tư trái phiếu sẽ là “quả đắng” với nhiều người.
Khi không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhận lãi suất 8% cho mỗi trái phiếu và chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu, trái chủ mặc nhiên trở thành cổ đông của REE với việc phải mua cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường.
Với mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng, nhà đầu tư được nhận 72 cổ phiếu và 8% tiền lãi. Mức lãi này tương đương xấp xỉ 80.000 đồng/trái phiếu sau khi đã bị tính thuế. Như vậy mỗi cổ phiếu REE khi được chuyển đổi từ trái phiếu có giá là 1.000.000/(72+6)=12.665 đồng/cổ phiếu (6 cổ phiếu tương đương với mức lãi suất được hưởng, tính theo thị giá REE ngày hôm nay). Với thị giá REE chỉ khoảng 11.500 đồng, tính sơ sơ nhà đầu tư đã phải mua đắt hơn khoảng 10% so với giá trên sàn.
Nếu đến thời điểm chốt quyền chuyển đổi (15/7/2011), giá REE trên sàn tốt hơn thì mức lỗ trong vụ chuyển đổi trái phiếu có thể giảm bớt. Tuy nhiên dù gì nhà đầu tư cũng bị chôn vốn vào trái phiếu REE để hưởng mức lãi suất thấp xa so với lãi suất ngân hàng, trong khi triển vọng từ khoản đầu tư vào REE lại khá mờ mịt.
Điều khiến nhà đầu tư có cảm giác “bị lừa” là REE không cho phép quyền chọn lấy lại vốn gốc bằng tiền và lãi suất với trái phiếu của mình. Trường hợp gần nhất là trái phiếu chuyển đổi của SSI. Khi giá SSI trên sàn thấp hơn giá chuyển đổi trái phiếu, trái chủ có quyền chọn có lợi nhất cho mình là lấy lại vốn và không lấy cổ phiếu.
Tuy nhiên, “quả đắng” của vụ đầu tư trái phiếu REE có một phần ở chính nhà đầu tư. Bản chất của đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi của REE là trái phiếu chuyển đổi bắt buộc, chứ không như trái phiếu chuyển đổi SSI là có quyền chọn. Lâu nay nhà đầu tư đa số chỉ quen thuộc với loại trái phiếu chuyển đổi có quyền chọn. Với loại trái phiếu chuyển đổi bắt buộc, rủi ro thị trường là rất lớn vì trái chủ không có quyền chọn không chuyển đổi để giảm bớt rủi ro.
Có thể không ít cổ đông REE sẵn sàng mua trái phiếu chuyển đổi này mà không quan tâm đến loại trái phiếu chuyển đổi là gì. Cũng có thể vì nguyên nhân thuần túy rằng giá cổ phiếu REE “làm gì có chuyện dưới 13.800 đồng”! Nhưng thị trường đã biến động quá lớn, vượt quá dự tính của nhà đầu tư, trong khi biện pháp hạn chế rủi ro (quyền chọn) lại không có.
Một điểm nữa là cách thức công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi bắt buộc khác với trái phiếu chuyển đổi có quyền chọn. Thường nếu là trái phiếu chuyển đổi có quyền chọn, bản cáo bạch phát hành sẽ nói rõ quyền được nhận lại vốn gốc vào ngày đáo hạn cùng với lãi suất. Trong bản cáo bạch của REE có một phần rất rõ là “Cam kết nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư”. Đơn vị phát hành đã ghi rõ trong phần “Thanh toán lãi và gốc trái phiếu”: “Tiền gốc: Do trái phiếu phát hành là trái phiếu chuyển đổi nên hết kỳ hạn trái phiếu (12 tháng), phần gốc của trái phiếu sẽ được chuyển thành cổ phiếu, đồng nghĩa trái chủ sẽ trở thành cổ đông của Công ty”.
Có lẽ chẳng mấy cổ đông mua trái phiếu chuyển đổi của REE chịu mất thời gian đọc hết bản cáo bạch, đặc biệt là phần cam kết nghĩa vụ của tổ chức phát hành. Với nhà đầu tư thứ cấp, khả năng biết đến thông tin như vậy càng ít. Do đó cũng không thể nói REE đã “cố tình” đưa nhà đầu tư vào thế bí.
Nếu tới đây giá REE tăng tốt thì câu chuyện này sẽ kết thúc đẹp. Dù sao câu chuyện với trái phiếu chuyển đổi REE cũng có thể rút ra hai bài học. Thứ nhất, nhà đầu tư nên chịu khó tìm hiểu kỹ phương án phát hành của tổ chức. Thứ hai, tổ chức phát hành cũng nên chịu khó thêm luôn hai chữ “bắt buộc” vào phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi để nhà đầu tư ít kinh nghiệm đỡ có cảm giác bị lừa.