08:59 09/11/2007

Qua rồi, thời cạnh tranh bằng lao động giá rẻ

Vũ Quốc Tuấn

Thời kỳ cạnh tranh bằng lao động giá rẻ đã qua, song năng suất lao động quá thấp đang là một thế yếu của chúng ta

Tăng lương cũng chẳng đáng là bao vì chênh lệch giữa các bậc lương chỉ có 5.000 đến 10.000 đồng.
Tăng lương cũng chẳng đáng là bao vì chênh lệch giữa các bậc lương chỉ có 5.000 đến 10.000 đồng.
Chúng ta vẫn thường nói "Con người là vốn quý nhất của doanh nghiệp", song trên thực tế, còn nhiều vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ người lao động cần được giải quyết cho đúng với vị trí, vai trò của họ. Bài này xin nêu lên một số ý kiến nhằm trao đổi xung quanh vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách này.

Nền kinh tế nước ta bước vào thời kỳ mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều đáng quan tâm là thời kỳ cạnh tranh bằng lao động giá rẻ đã qua, ngày nay, phải cạnh tranh bằng chất lượng lao động, song năng suất lao động quá thấp đang là một thế yếu của chúng ta.

Năng suất lao động thấp, đời sống có nhiều khó khăn

Số liệu thống kê năm 2006 cho biết: cả nước hiện đang có 43,3 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó các ngành kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 89,1%, kinh tế Nhà nước chiếm 9,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,6% (Niên giám thống kê 2006 (tóm tắt), NXB Thống kê, 2006, tr.22).

Thế nhưng, cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của nước ta (tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2006) chỉ đạt 1.407 USD/người, thấp xa so với mức năng suất lao động năm 2005 của nhiều nước trong khu vực: Indonesia 2.650 USD; Philippines 2.689 USD; Thái Lan 2.721 USD; Trung Quốc 2.869 USD, Malaysia 12.571 USD; Hàn Quốc 33.237 USD, Singapore 48.162 USD. Năng suất lao động nước ta còn quá thấp là do nhiều nguyên nhân về cơ cấu kinh tế, về tổ chức và quản lý lao động, nhưng nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu là chất lượng của đội ngũ lao động nước ta còn quá kém.

Về đời sống vật chất của người lao động, các cuộc khảo sát thời gian gần đây cho thấy: tại doanh nghiệp, đang còn những vấn đề về tiền lương và thu nhập, điều kiện sống của người lao động cần được giải quyết, nhiều hạn chế về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm .... Mấy năm gần đây, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng liên tục (năm 2004 tăng 9,5%; năm 2005 tăng 8,4%; năm 2006 tăng 6,6%; năm 2007 có thể tăng trên 8%), tiền lương thực tế giảm sút, tiền lương danh nghĩa được điều chỉnh quá chậm.

Mỗi lần gọi là tăng lương nhưng chẳng đáng là bao vì chênh lệch giữa các bậc lương chỉ có 5.000 đến 10.000 đồng. Có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đặt ra định mức lao động quá cao, đơn giá sản phẩm thấp, khiến cho thu nhập của người lao động vẫn quá thấp. Sức khỏe người lao động đang có yêu cầu tăng cao để bảo đảm cường độ lao động trong doanh nghiệp, trực tiếp góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/1/2008 cho người lao động trong doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đó là mức thấp nhất mà doanh nghiệp phải trả cho một lao động làm việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường; là một căn cứ để tăng thu nhập cho người lao động phù hợp với tình hình kinh tế chung của đất nước.

Mỗi doanh nghiệp cần chủ động tính toán chi phí đầu vào, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm tới, tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, song điều quan trọng là xây dựng thang bảng lương tại doanh nghiệp cho đúng đắn, không vì mức lương tối thiểu tăng lên mà tùy tiện cắt giảm các khoản tiền tăng ca, tiền thưởng của người lao động.

Quan trọng hơn nữa là thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát để bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện đầy đủ các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, khắc phục tình trạng trốn đóng hoặc nợ đọng bảo hiểm xã hội (trong 54 người tử vong trong vụ sập Cần Thơ vừa qua, chỉ có một người được mua bảo hiểm xã hội!).

Không chỉ có tăng lương, nhiều vấn đề khác cũng cần được quan tâm, như chăm lo chỗ ở cho lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhiều nơi có đến 80% là lao động ngoại tỉnh cần có chỗ ở); bữa ăn giữa ca; dịch vụ y tế cho người lao động; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, v.v...

Nâng cao kỹ năng lao động, yếu tố quyết định

Trong kinh tế thị trường, sức lao động là hàng hóa, người lao động có đủ các quyền: quyền lựa chọn công việc lao động; quyền được bảo hộ lao động; quyền được bảo hiểm lao động; quyền được thù lao lao động; quyền tái sản xuất sức lao động; quyền được đào tạo và phát triển năng lực; quyền di chuyển (lưu động) sức lao động; v.v...

Các quyền ấy thể hiện quyền độc lập tự chủ của người lao động (cũng tức là chủ thể quyền lao động) và là cơ sở để xác lập các mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động. Tất nhiên, ngày nay, khi nước ta đã là thành viên của WTO, thì cùng với sự lưu chuyển hàng hóa, vốn đầu tư, sự di chuyển nguồn lao động cũng sẽ xảy ra mạnh mẽ; lao động nước ngoài sẽ vào nước ta làm việc và ngược lại; người lao động sẽ thực hiện quyền của họ ở nơi có điều kiện làm việc tốt nhất.

Mới đây, có tin các nước EU cho biết đang thiếu 20 triệu lao động trong lĩnh vực tin học, phải dùng hình thức "thẻ xanh" để thu hút những người đã có bằng cấp và ba năm kinh nghiệm; nhưng lại bị một số nước khác phản đối vì sẽ xảy ra khủng hoảng chất xám; tạo ra nguy cơ cho các nước nghèo.

Một tin khác: mới đây, một doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam đã quyết định đưa lao động Nhật Bản sang làm việc tại một số vị trí chủ chốt trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp với mức lương 5.000 USD/tháng và chỉ tuyển lao động Việt Nam vào làm việc với lương 100 USD/tháng! Người lao động Việt Nam sẽ mất cơ hội việc làm và thu nhập tương ứng chỉ vì tay nghề kém, điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu việc đào tạo nghề cho lao động nước ta không được đẩy mạnh.

Lao động nước ta có ưu điểm là thông minh, tiếp thu nhanh, song kỹ năng lao động hiện còn quá thấp. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, điều này tạo điều kiện tăng nhanh đội ngũ người lao động kỹ thuật đồng thời đòi hỏi không ngừng nâng cao trình độ của người lao động.

Đòi hỏi này lại càng cấp bách khi điều kiện di chuyển lao động ở các nước trong WTO trở nên dễ dàng hơn. Khó khăn của chúng ta chính là nguồn lao động chủ yếu là từ nông thôn, xuất thân từ con em nông dân, học vấn thấp, chỉ một số ít lớp 12, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp... đều kém.

Theo kết quả điểu tra lao động-việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cuối năm 2005 thì tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta chưa chiếm đến 30%, trong đó, tỷ lệ người thực sự có tay nghề (lao động kỹ thuật) mới đạt khoảng 15% (không đạt chỉ tiêu do Đại hội lần thứ IX của Đảng đề ra là 30% lao động kỹ thuật vào năm 2005). Đang có sự mất cân đối lớn giữa tỷ lệ đại học, trung học và công nhân kỹ thuật: nếu như ở trên thế giới, trung bình là 1/1, 3 và 5, thì ở Việt Nam là 1, 1,13 và 0,92, cũng có nghĩa là công nhân kỹ thuật quá ít (đó mới là số lượng, chưa nói đến chất lượng).

Chúng ta đã có nhiều trường đào tạo công nhân kỹ thuật, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và nhất là chất lượng đào tạo; vẫn chưa gắn chặt được việc đào tạo với yêu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tốn thời gian và công sức đào tạo lại sau khi nhận lao động từ các trường công lập.

Cần cả số lượng và chất lượng

Trước yêu cầu mới, chúng ta đang cần một đội ngũ lao động đủ về số lượng và chất lượng, có tay nghề cao, có kỷ luật và tác phong công nghiệp; điều này đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo tại các trường, lớp đồng thời thực hiện các biện pháp bồi dưỡng ngay trong mỗi doanh nghiệp theo những yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp. Cần nâng cao trình độ người lao động trong việc nắm bắt công nghệ tiên tiến, khả năng sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện đại, là kỹ năng tăng năng suất lao động của bản thân và đồng đội tổ nhóm, là tác phong công nghiệp trong lao động, v.v...

Trình độ người lao động được nâng lên đồng thời, phù hợp với yêu cầu vận hành trang thiết bị tiên tiến của doanh nghiệp cùng với kỹ năng quản trị doanh nghiệp của doanh nhân được nâng cao... chính là những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Những việc nói trên đòi hỏi sự quan tâm của người quản lý doanh nghiệp, của các cơ quan nhà nước cũng như của bản thân mỗi người lao động.

Công tác nghiên cứu phát triển (R&D) là một hoạt động có thể đóng góp quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng của người lao động. Đáng quan tâm là trong doanh nghiệp nước ta hiện nay, phần dành cho R&D chỉ chiếm 8% kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp, còn 92% dùng vào mua sắm thiết bị. Đầu tư cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,01% - 0,02% doanh thu, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước công nghiệp là 5 - 6% (Ấn Độ là 5%) và ở các nước phát triển là 10% (Hàn Quốc là 10%).

Việc phát triển các hoạt động R&D cũng như nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, công nghệ cho người lao động có thể thực hiện tại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức linh hoạt tùy theo khả năng của doanh nghiệp, như tổ chức các cuộc thi tay nghề, hiến kế, thi sáng kiến, v.v... mang lại hiệu quả thiết thực (không hình thức, phô trương), vừa bồi dưỡng, đào tạo tại doanh nghiệp vừa cử đi dự các trường lớp ngắn ngày, dài ngày. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy coi đây là một loại "đầu tư cơ bản" có tác dụng rất lâu dài, không thể coi nhẹ.

Tóm lại, trong thời đại toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp cũng như của một quốc gia thể hiện trước hết và chủ yếu là trong lĩnh vực nhân lực. Chính vì vậy, việc giải quyết những vấn đề về đời sống và nhất là về nâng cao kỹ năng lao động cho người lao động trong doanh nghiệp phải được coi là một nhiệm vụ cấp bách để xây dựng đội ngũ lao động nước ta xứng tầm trước yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế.