11:10 27/03/2007

Quá tải đào tạo chứng khoán

Nên chăng Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên xem xét mở rộng cho các trường tham gia đào tạo

Trở thành nhân viên chứng khoán đang là niềm mơ ước của nhiều người.
Trở thành nhân viên chứng khoán đang là niềm mơ ước của nhiều người.
Việc tuyển chọn nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán đang là một thách thức đối với các công ty chứng khoán, lý do là cung quá ít so với cầu.

Theo quy định hiện hành, một nhân viên cần phải có 3 chứng chỉ đào tạo tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng khả năng đào tạo của trung tâm này còn hạn chế so với nhu cầu của thị trường.

Cung quá ít

Chi nhánh Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco) tại Tp.HCM cần thêm nhiều nhân viên kinh doanh chứng khoán để làm việc tại sàn và mở thêm các điểm giao dịch, nhưng không tuyển chọn được người đã có đủ chứng chỉ chuyên môn theo quy định, đành phải đưa đi đào tạo.

Việc đăng ký học không dễ, bởi nơi duy nhất có quyền đào tạo và cấp chứng chỉ là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán lúc nào cũng quá tải. Ông Lê Văn Minh - Giám đốc chi nhánh Agriseco, cho biết: "Phải mất hơn 6 tháng mới đưa đi đào tạo được 6 nhân viên. Hiện đang cần thêm khoảng 10 người nữa nhưng thật khó khăn quá".

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) cũng cho hay: Nhu cầu về nhân viên môi giới là rất cấp bách. Các công ty cố cạnh tranh thu hút nhân lực và mức lương dành cho nghề này tăng vọt: Muốn tuyển người đã có đủ điều kiện hành nghề phải chấp nhận trả 5-6 triệu đồng/tháng.

Những nhân viên có kinh nghiệm làm việc trên 1 năm giá cao hơn nhiều. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SeABank- cũng cho biết: Phải khó khăn lắm mới có được 30 nhân viên kinh doanh làm việc tại Hà Nội, sắp tới sẽ cần thêm khoảng 30 người để mở chi nhánh tại Tp.HCM.

Nơi đào tạo: Quá tải!

Theo TS. Hồ Diệu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, một nhân viên muốn xin hành nghề kinh doanh chứng khoán theo quy định phải có 3 chứng chỉ chuyên môn về các vấn đề cơ bản chứng khoán, luật chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán.

Hiện chỉ có chứng chỉ do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán (của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cấp mới được phép hành nghề. Nhưng khả năng đào tạo của trung tâm rất hạn chế so với nhu cầu.

Tại chi nhánh của Trung tâm ở 92 Nguyễn Công Trứ (quận I, Tp.HCM) mặc dù trước chi nhánh có dán thông báo ngừng nhận học viên, nhưng nhiều người vẫn đến nối đuôi xin đăng ký học. Nhân viên của trung tâm phải liên tục giải thích là các lớp học đã quá tải. Anh Vũ Việt Linh, nhà ở Tân Bình, đã tốt nghiệp đại học ngành tin học, cho biết: Từ tháng 7 năm ngoái, đã hơn 20 lần anh đến đăng ký học nhưng không được.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh, thừa nhận: Hiện Trung tâm đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ, từ văn phòng, giảng đường đều phải thuê, đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng phải mời từ những nơi khác.

Đại học chuyên ngành không bằng... chứng chỉ

Trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo của Trung tâm Đào tạo chứng khoán còn hạn chế thì một số trường đại học có đủ điều kiện lại không được tham gia. Chẳng hạn như trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM - nơi có đầy đủ cơ sở vật chất và một đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu.

TS Hồ Diệu cho biết: Từ năm 1992, trường đã dạy về chứng khoán, đến 1998 bắt đầu đào tạo chuyên ngành chứng khoán và đến 2004 thành lập khoa chứng khoán. Thế nhưng, hàng trăm cử nhân chuyên ngành chứng khoán do trường đào tạo lại không thể hành nghề kinh doanh. Muốn được hành nghề, họ phải học lại 3 chứng chỉ đã kể trên!

Khoa Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cũng đã có các chương trình đào tạo chứng khoán từ nhiều năm nay nhưng cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự.

Nên chăng Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên xem xét, sửa đổi quy định, mở rộng cho các trường tham gia đào tạo, nhằm "tháo nút" cho nhu cầu nhân lực chứng khoán đang rất căng thẳng hiện nay?