08:39 11/05/2014

Quan chức Trung Quốc liên tiếp “ngã ngựa”

Tâm Anh

Chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ USD cho cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này trong suốt một năm qua

Nhiều quan chức Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng - Ảnh: News.<br>
Nhiều quan chức Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng - Ảnh: News.<br>
Theo tờ South China Morning Post ngày 10/5, trong một diễn biến bất ngờ, cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đưa một quan chức của chính cơ quan này vào diện điều tra.

Ông Ngụy Kiện, Chủ nhiệm văn phòng giám sát kỷ luật số 4 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), đang bị điều tra vì “bị nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp”, cụm từ thường được sử dụng đối với các quan chứng tham nhũng và hối lộ, South China Morning Post dẫn một tin vắn của Tân Hoa xã cho biết.

Trong khi đó, theo mạng tin Caixin.com dẫn một nguồn tin giấu tên, ông Ngụy Kiện đã bị đưa đi khỏi văn phòng của mình kể từ hôm Chủ Nhật tuần trước (4/5). Caixin cho hay, kể từ tháng 11 năm ngoái, ông này chủ yếu chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan tới những tổ chức tài chính, chẳng hạn như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Trước đó, Ngụy Kiện được giao nhiệm vụ tiến hành các cuộc điều tra chống tham nhũng tại 11 tỉnh ở khu vực tây bắc và tây nam Trung Quốc, chẳng hạn như tỉnh Tứ Xuyên, nơi một thời từng là căn cứ quyền lực của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.

Giới quan sát nhận định, cú ngã ngựa của ông Ngụy là dấu hiệu cho thấy cuộc điều tra nhằm vào ông Chu sẽ còn tiếp tục, song đây cũng là một nỗ lực của CCDI trong việc làm trong sạch bộ máy. "Có rất nhiều vấn đề bên trong cơ quan này", ông Zhang Minh, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết. "Cuộc điều tra ông Ngụy là nhằm khôi phục danh tiếng và uy tín của cơ quan này".

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết kiên quyết loại bỏ tệ nạn tham nhũng vốn đã tồn tại từ lâu ở quốc gia này. Theo đó, ông Tập Cận Bình chủ trương tấn công cả “hổ lớn” lẫn “ruồi nhỏ”, nhằm ám chỉ tất cả quan chức tham nhũng ở mọi cấp, mọi lĩnh vực, bất kể người đó là ai và như thế nào.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ đã công bố báo cáo cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ USD cho cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này trong suốt một năm qua.

Cũng trong tháng 4, liên quan tới cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc, báo chí nước này đưa tin ông Hoàng Tiểu Hổ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng tỉnh An Huy (Trung Quốc) Hoàng Tiểu Hổ đã bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc do liên quan đến tham nhũng.

Nguồn tin cho biết trong thời gian giữ các chức vụ trên, ông Hoàng Tiểu Hổ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô 9,61 triệu Nhân dân tệ, nhận hối lộ 2,55 triệu Nhân dân tệ, đưa hối lộ 4,5 triệu Nhân dân tệ và 11,33 triệu đôla Hồng Kông, chiếm dụng 5,46 triệu Nhân dân tệ công quỹ nhà nước. Tổng cộng số tiền liên quan vụ tham nhũng của Hoàng Tiểu Hổ lên đến 31,62 triệu Nhân dân tệ.

Đình đám hơn cả là vào cuối tháng 3, Tân Hoa xã đưa tin Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã bị tòa án quân sự khởi tố với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng công quỹ và chức quyền. Với hàm trung tướng, ông Cốc là sĩ quan cao cấp nhất phải đối mặt với tòa án quân sự kể từ năm 2006.

Tiếp đó, theo hãng tin AP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm và nghi án tham nhũng trong các đơn vị quân đội đặt xung quanh thủ đô Bắc Kinh, bao gồm cả quân khu Tế Nam. Theo thông báo, cuộc thanh tra thu thập được nhiều manh mối liên quan tới sai phạm trong khâu đề bạt, kỷ luật, chuyển nhượng đất đai, phân bổ tài sản và quân y.

Trong khi đó, liên quan tới vụ việc ông Chu Vĩnh Khang, các báo Trung Quốc hồi giữa tháng 4 vừa qua đưa tin, hai thuộc cấp thân cận của ông này, bao gồm Zhao Miao, ủy viên thường trực của Đảng ủy Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, và Yan Cunzhang, Trưởng ban đối ngoại của CNPC, tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc, đã bị đưa vào diện điều tra.

Thông tin về hai cuộc điều tra nói trên được đưa ra chỉ ít lâu sau khi CCDI thông báo cho biết, Guo Yongxiang, cựu Phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên và là một thuộc cấp thân tín khác của Chu Vĩnh Khang, đã bị sa thải và khai trừ khỏi đảng do “vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”, cách dùng từ tương tự như trường hợp của ông Ngụy Kiện.

Trước đó, các thuộc cấp thân cận nhất của ông Chu Vĩnh Khang lần lượt bị bắt và cả con trai của ông là Chu Bân cũng bị bắt. Theo các báo quốc tế, chính quyền Trung Quốc đã tịch thu 300 căn hộ và biệt thự, đóng băng tài khoản ngân hàng, tịch thu tiền mặt và nhiều tài sản khác có tổng trị giá ít nhất 14,5 tỷ USD từ hơn 300 người thân, quan chức, thuộc cấp thân cận của ông Chu Vĩnh Khang.

Hồi tháng 12/2013, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng, ông Chu Vĩnh Khang bị quản thúc tại gia trong thời gian chính phủ điều tra cáo buộc tham nhũng chống lại ông này.