09:01 01/09/2008

Quản lý hiệu quả đầu tư từ ngân sách

Lê Hường

Dàn trải, lãng phí, không hiệu quả là những tính từ quen thuộc với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước

Tắc đường do đào đường tại Tp.HCM - Ảnh: VNN.
Tắc đường do đào đường tại Tp.HCM - Ảnh: VNN.
Một con đường vừa xây xong đã bị đào lên để làm hệ thống nước, những viên gạch trên vỉa hè vẫn còn giá trị sử dụng nhưng lại được thay bằng một lớp gạch khác, mới hơn nhưng chưa chắc đã bền.

Hay một cây cầu đang xây dang dở nhưng tạm dừng vì hết kinh phí dẫn đến hiệu quả sử dụng gần như bằng 0. Đấy là những câu chuyện gắn liền với đời sống hàng ngày của mọi người dân hiện nay.

Một đồng vốn của Nhà nước bỏ ra, hiệu quả thu được bao nhiêu đều có thể được “cân đong” hợp lý nếu cơ chế quản lý, cách nghĩ và hành động dựa trên những nguyên tắc và nguyên lý khoa học và vì lợi ích toàn dân.

Dàn trải, lãng phí, không hiệu quả là những tính từ quen thuộc gắn liền với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong nhiều năm nay. Mặc dù cải cách công tác quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã diễn ra trên mọi góc độ trong hơn 20 năm đổi mới nền kinh tế từ phân cấp quản lý, đến phân bổ, quản lý giá và vấn đề cấp phát, thanh toán vốn đầu tư...

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, rất nhiều ý kiến tiếp tục không đồng tình với hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước cho các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng cơ bản.

Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế đã có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này.

Cần những giải pháp khả thi

(Ông Nguyễn Tự Nhật, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đã có nhiều giải pháp về tầm vĩ mô được đưa ra. Tuy nhiên, là những người trực tiếp điều hành, chúng tôi rất cần những giải pháp, định hướng có thể triển khai được ngay trong ngắn hạn.

Việc phân cấp đã được thực hiện rất mạnh mẽ, ví dụ trong 5 năm vừa rồi, từ năm 2003, Nghị định 07 ngày 30/1/2003 đã được ban hành. Theo đó, việc phân cấp được quy định một cách tối đa. Việc phân cấp này là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, cần có một hệ thống con người, trước hết là cấp trung ương cũng cần được tăng cường năng lực. Ở cấp địa phương, cấp tỉnh cũng cần tăng cường năng lực. Ngay cả cấp huyện chúng ta cũng đã tiến hành phân cấp rồi.

Phân cấp thì như vậy, nhưng người được phân cấp có đủ năng lực hay không, có đủ yếu tố chúng ta mong muốn hay không cũng là vấn đề cần tính đến. Khi thực hiện phân cấp, đã có nhiều cái được nhưng cũng có nhiều cái còn đang tồn tại, ví dụ, việc không chấp hành đúng quy trình, quy định vẫn đang còn. Việc vận dụng tùy tiện quyền được giao cũng đã diễn ra.

Một điểm nữa, xu thế quốc tế là lập kế hoạch theo kết quả đầu ra, trong khi chúng ta cần có sự công bằng, minh bạch, rõ ràng cho việc sử dụng ngân sách. Chủ trương đòi hỏi định mức phân bổ nhưng để định mức như thế nào vừa tạo công bằng cho việc sử dụng ngân sách và vừa hướng tới đầu ra là rất khó.

Một vấn đề khác trong cơ chế quản lý là những năm qua, rất nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung. Nhiều điểm sửa đổi giúp cho việc hoàn thiện và chặt chẽ quy chế hơn nhưng lại gây khó cho cơ sở. Ví dụ, một chủ dự án vừa thực hiện xong một bộ hồ sơ lại phải tiếp tục thay bộ hồ sơ khác vì có một văn bản khác ra đời.

Điều này đã làm chậm quá trình thực hiện, chậm quá trình giải ngân. Nếu là cơ chế phải có tính dài hơi, vì vậy, cần có sự chuẩn bị thấu đáo trong quá trình xây dựng cơ chế.

Một vấn đề gây ra tình trạng quản lý đầu tư kém hiệu quả là chất lượng quy hoạch và thiếu công khai minh bạch thông tin. Việc quản lý đầu tư theo quy hoạch hiện nay là rất khó. Quy hoạch của Chính phủ cho phép các bộ ngành, địa phương tự phê duyệt.

Như vậy, người có đủ thẩm quyền phê duyệt cũng có đủ thẩm quyền quy hoạch, gây ra những vấn đề bất ổn”.

Chuyển đổi tư duy là vấn đề mấu chốt

(GS.Vũ Đình Bách)

“Nguồn vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước trong những năm qua chiếm khoảng 51% vốn đầu tư toàn xã hội. Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn những năm vừa qua cũng chiếm 30% tổng chi ngân sách Nhà nước nhưng thực ra nếu tính toán đầy đủ thì con số này lên đến 50%.

Trong kinh tế thị trường, tỷ trọng chi đầu tư phát triển như vậy là quá cao, trong khi chi thường xuyên, đặc biệt là chi lương có xu hướng là thấp.

Như vậy, ngay trong cơ cấu chi ngân sách của chúng ta đã là không đúng vì một nguyên tắc trong kinh tế thị trường, chi ngân sách chủ yếu để chi thường xuyên, bao gồm chi hành chính sự nghiệp và chi lương. Sau đó mới tính đến chi đầu tư phát triển, hoặc do chi đầu tư phát triển cần mà ngân sách không có thì ngân sách phải đi vay. Vay của dân thông qua phát hành trái phiếu, hoặc vay từ nước ngoài thông qua ODA.

Trong năm 2005, tỷ lệ vốn/lao động của các doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 3 lần so với các doanh nghiệp dân doanh. Thế nhưng, doanh số trung bình do một người lao động tạo ra ở doanh nghiệp Nhà nước lại chỉ cao hơn 44% so với khu vực dân doanh. Tốc độ tăng trưởng của khu vực Nhà nước cũng kém nhất trong so sánh với các khu vực khác.

Ngoài ra, khi xét đến hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) cho thấy, đầu tư công bỏ ra 8 đồng mới làm ra 1 đồng. Trong khi, khu vực dân doanh, chỉ cần 4 đồng, có thể làm ra 1 đồng. Khu vực nước ngoài, chỉ cần 2,7 đồng tạo ra 1 đồng.

Nguyên nhân đầu tiên của chi không hiệu quả là năng lực quản lý yếu kém. Thứ hai, một tư duy vẫn còn thường trực là khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nên phải duy trì bằng mọi cách. Đây là một suy nghĩ rất sai. Vì khu vực kinh tế này không có khả năng thực hiện vai trò này.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần thay đổi quan điểm này. doanh nghiệp Nhà nước nên được đặt ở vị trí bình đẳng như các doanh nghiệp khác về mọi điều kiện kinh doanh.

Tôi cho rằng, có 4 điểm cần lưu ý để tăng cường hiệu quả của nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Thứ nhất, trong kinh tế thị trường, khi khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả hơn thì phải làm thế nào để đẩy khu vực đấy lên, đặc biệt trong giai đoạn này.

Thứ hai, cần cân đối chi ngân sách cho đầu tư phát triển và chi lương.

Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa.

Thứ tư và quan trọng nhất là thay đổi, tư duy nhận thức về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội”.

Một số nguyên nhân và giải pháp

(TS.Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)

“Một số nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp. Đó là, cơ chế chính sách liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và thường xuyên thay đổi đã gây sự bị động, lúng túng trong quá trình xây dựng và điều hành kế hoạch đầu tư.

Nhiều trường hợp do chủ trương đầu tư sai, quyết định đầu tư sai, đầu tư theo phong trào, theo mệnh lệnh hành chính mà không tính toán kỹ lưỡng các điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Điển hình là các chương trình mía đường, xi măng lò đứng.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch vẫn còn xảy ra tình trạng quy hoạch sai, thiếu đồng bộ, quy hoạch phải điều chỉnh nhiều, quy hoạch chưa rõ ràng, minh bạch và công khai. Nhiều dự án quy hoạch thiếu hẳn các căn cứ kinh tế, xã hội; thiếu các phân tích kinh tế toàn diện và khoa học.
 
Vì vậy, để giải quyết tình trạng thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công cần thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, xây dựng một khuôn khổ tài chính trung hạn với sự phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để gắn kết mục tiêu phát triển quốc gia với quá trình lập kế hoạch ngân sách.

Thống nhất lập kế hoạch giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường năng lực xây dựng các khuôn khổ chi tiêu trung hạn tại các cấp.

Chuẩn bị các khuôn khổ chi tiêu trung hạn trong một số ngành và các tỉnh được lựa chọn để thống nhất kế hoạch chi tiêu tại các cấp ngành và tỉnh với chiến lược chính sách quốc gia.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện một hệ thống thông tin phục vụ công tác chuẩn bị lập dự án ngân sách, có quy trình quản lý được cập nhật kịp thời và chính xác, cung cấp kịp thời các dữ liệu về tình hình thu chi ngân sách, để phục vụ cho các cấp chính quyền, các nhà hoạch định ở từng cấp, ngành; tăng cường phân cấp và tự chịu trách nhiệm cho các ngành, địa phương.

Xây dựng hệ thống theo dõi quản lý nợ thống nhất các khoản nợ trong và ngoài nước.

Cần thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tổng cục Thống kê cần có thêm các cuộc điều tra, khảo sát về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, áp dụng chế độ kế toán thống nhất, chế độ báo cáo định kỳ.

Thứ ba, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ tư, cần nâng cao vai trò của xã hội và nhân dân trong công tác giám sát các dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Thứ năm, cần hoàn thiện công tác dự báo nguồn vốn đầu tư nhà nước với nhu cầu đầu tư nhà nước.

Thứ sáu, cần tranh thủ sự quan tâm của các nhà tài trợ trong việc nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định hiệu quả của các dự án đầu tư Nhà nước”.

Cơ chế quản lý xây dựng cơ bản còn lỏng lẻo

(TS.Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế phát triển Hà Nội)

“Chất lượng đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng là vấn đề rất đáng chú ý. Chất lượng của quy hoạch, kế hoạch, thực hiện và cả chất lượng của xây dựng công trình bao gồm, chất lượng quy hoạch, chất lượng dự án, tiến độ và chất lượng xây dựng.

Đây chính là yếu tố đang bị buông lỏng nhiều nhất và vì vậy, kéo theo sự lãng phí và không hiệu quả.

Yếu tố thứ hai là giá thành công trình, các chi phí, đặc biệt là chi phí duy trì. Đã từng có cái cầu xây xong phải tốn rất nhiều chi phí để duy tu, duy trì mà vẫn không thành, thậm chí phá đi làm lại còn rẻ hơn.

Thứ ba là giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp hoặc liên ngành của công trình. Giá trị này bao gồm, tác động đến tăng trưởng GDP, phát triển những ngành khác có liên quan, tác động đến phát triển văn minh xã hội, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo về công bằng đối với việc phát triển giữa vùng núi và vùng xuôi, đấy cũng là một lợi ích cần tính đến trong thời kỳ đầu phát triển của chúng ta hiện nay.

Trong thời gian tới, để đảm bảo việc nâng cao vai trò và tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công, cần lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất, về nhận thức, cần có sự chuyển trọng tâm phát triển ra ngoài khu vực nhà nước.

Thứ hai, tăng cường quá trình chuyên nghiệp hóa cũng như thị trường hóa công tác đầu tư xây dựng của nhà nước.

Thứ ba, cần tăng cường sử dụng một loạt các cơ chế mới, thực chất hơn, ví dụ, khoán gọn đầu ra hoặc chìa khóa trao tay. Nếu tiếp tục sử dụng cơ chế dự toán, một cơ chế mềm, rất dễ tạo ra sự thông đồng giữa bên xin và bên cho nên sẽ dẫn đến sự điều chỉnh dự toán theo thị trường, dẫn đến tình trạng lạm dụng.

Thứ tư, cần hướng đến đấu thầu thực chất để đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là đấu thầu quyền sử dụng đất với những giá trị gia tăng do đầu tư nhà nước tạo ra đây là vấn đề cần rất quan tâm và cần có những công trình nghiên cứu cấp nhà nước về vấn đề này, khai thác giá trị gia tăng do đầu tư từ ngân sách Nhà nước tạo ra.

Cuối cùng, đã đến lúc cần có cơ chế, hoàn thiện cơ chế sử dụng nhiều nguồn vốn, nếu chỉ phát triển một nguồn vốn thì rất khó vận hành và sẽ sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên, cơ chế sử dụng nhiều nguồn vốn như thế nào vấn là vấn đề đang đặt ra”.