Quản trị công ty - cần thực chất hơn hình thức
Các quy chế quản trị công ty được các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hiện nay thường mang tính hình thức, chung chung
Quản trị công ty (corporate governance) là thuật ngữ thường được đề cập đến trong hoạt động quản trị doanh nghiệp ở nước ta thời gian gần đây.
Ngày càng có nhiều công ty cổ phần quan tâm đến khái niệm này, một phần, do đòi hỏi của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, phần khác, do đòi hỏi của chính các cổ đông (shareholders) và các bên liên quan (stakeholders) khác của doanh nghiệp.
Mặc dù pháp luật doanh nghiệp nước ta đã có những quy định điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó rất nhiều điều khoản ràng buộc doanh nghiệp phải hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, đối xử công bằng giữa các cổ đông, đảm bảo quyền lợi cổ đông... nhưng trong thực tiễn vận hành, vẫn còn rất nhiều vấn đề phát sinh mà luật pháp không thể điều chỉnh hết. Đó là lý do nhiều cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ trong các công ty cổ phần, cùng với một số bên liên quan khác thường gây áp lực, buộc công ty phải xây dựng quy chế quản trị công ty riêng.
Quy chế quản trị công ty thường được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những quy định riêng cho phù hợp với đặc thù doanh nghiệp và mong muốn của cổ đông cùng các bên liên quan.
Mặt khác, không chỉ xuất phát từ áp lực của cổ đông hay các bên liên quan, mà chính hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty cũng thường có khuynh hướng muốn xây dựng một quy chế quản trị công ty bài bản để giúp công ty hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch nhằm nâng cao uy tín công ty và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bên ngoài.
Tuy nhiên, do nhận thức về quản trị công ty còn nhiều hạn chế, đồng thời, không loại trừ yếu tố cố tình hiểu sai bản chất và ý nghĩa của quản trị công ty, các quy chế quản trị công ty được các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hiện nay thường mang tính hình thức, chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu cần có của những nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quản trị tốt nhất và chưa đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông cũng như các bên liên quan.
Hiện nay, các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán đều phải áp dụng quy chế quản trị công ty do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007. Tuy vậy, quy chế này không chỉ bao gồm các quy định cụ thể để các công ty niêm yết áp dụng ngay mà còn bao gồm một số điều khoản mang tính hướng dẫn để các công ty tự xây dựng quy chế quản trị nội bộ riêng, miễn sao đáp ứng các yêu cầu mang tính nguyên tắc trong quy chế.
Vấn đề đặt ra là các công ty niêm yết sẽ thực hiện quyền tự quyết này như thế nào khi xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty; và các công ty chưa niêm yết liệu có cần phải xây dựng quy chế quản trị công ty hay không?
Để trả lời các câu hỏi này, trước hết, chúng ta hãy xem định nghĩa của cụm từ “quản trị công ty” trong quy chế quản trị công ty do Bộ Tài chính ban hành như sau:
“Quản trị công ty” là hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty. Các nguyên tắc quản trị công ty bao gồm:
- Đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả;
- Đảm bảo quyền lợi của cổ đông;
- Đối xử công bằng giữa các cổ đông;
- Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty;
- Minh bạch trong hoạt động của công ty;
- Hội đồng quản trị và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.
Cách hiểu khái niệm quản trị công ty như trên tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất (best practices) về quản trị công ty. Ở đây, cần lưu ý rằng quản trị công ty không chỉ liên quan đến cổ đông mà còn chi phối và ảnh hưởng đến các bên liên quan đến công ty. Vì vậy, các công ty (dù là niêm yết hay chưa niêm yết), khi xây dựng quy chế quản trị công ty (đôi khi, gọi là các nguyên tắc quản trị công ty - corporate governance principles), cần hết sức lưu ý đến những người liên quan đến công ty, bao gồm cổ đông, khách hàng, đối tác, chủ nợ, nhân viên, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng...
Một quy chế quản trị công ty, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc trong pháp luật doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật; quan trọng hơn, còn phải thể hiện được cách thức quản trị công ty chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Nếu như các yêu cầu bắt buộc trong luật là điều kiện cần thì chính các yêu cầu từ thực tiễn hoạt động quản trị doanh nghiệp, trong đó rất quan trọng là kỳ vọng của cổ đông và các bên liên quan, mới là điều kiện đủ.
Vì vậy, khi xây dựng quy chế quản trị công ty, ban lãnh đạo công ty phải biết công ty thực sự cần gì để hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo được sự công bằng trong cả quyền, nghĩa vụ và lợi ích của cổ đông, và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan khác. Tương tự như giấy chứng nhận ISO không phải chỉ để cho có, quy chế quản trị công ty cần thực chất hơn là hình thức để đối phó với luật hoặc đòi hỏi của cổ đông hoặc các bên liên quan khác.
Một khi luật và các văn bản dưới luật còn nhiều kẽ hở, chưa thể ngăn chặn triệt để các hoạt động mờ ám, thao túng, xâm phạm lợi ích cổ đông, thì chính điều lệ và quy chế quản trị công ty được xây dựng một cách nghiêm túc sẽ đóng vai trò “bọc lót”, bịt kín những kẽ hở này để bảo vệ sự minh bạch, công bằng trong công ty. Những quy định cụ thể, chặt chẽ và chi tiết hơn trong quy chế quản trị công ty về quyền lợi cổ đông, về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, về vấn đề ngăn ngừa xung đột lợi ích, công bố thông tin... sẽ giúp công ty tránh được những tranh cãi bất tận khi xảy ra những vấn đề liên quan mà luật không quy định hết.
Một trong những ví dụ là việc quy định tách bạch vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng quản trị với tổng giám đốc công ty. Đây là điều mà một quy chế quản trị công ty chuyên nghiệp nên đề cập một cách cụ thể. Hiện tượng một người kiêm nhiệm đồng thời hai chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc là khá phổ biến; và việc sử dụng lẫn lộn vai trò, quyền hạn của hai chức danh này trong quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng xảy ra khá thường xuyên, gây khó khăn cho việc giám sát, đánh giá năng lực cũng như tư cách của tổng giám đốc đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị.
Một ví dụ khác là vai trò của ban kiểm soát trong các công ty cổ phần. Một quy chế quản trị công ty chuyên nghiệp cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn của mỗi thành viên ban kiểm soát, chứ không phải của cả ban kiểm soát một cách chung chung. Thực tế cho thấy ngay trong nội bộ ban kiểm soát cũng có thể chia thành “năm phe, bảy phái” và một số thành viên bất chính trong ban kiểm soát vẫn có thể dùng thế mạnh đa số của mình để áp đảo, vô hiệu hóa thành viên ban kiểm soát chân chính.
Có những báo cáo của ban kiểm soát được lập, do trưởng ban ký đại diện, chỉ biết ca tụng thành tích của hội đồng quản trị và tổng giám đốc, trong khi có thành viên trong ban kiểm soát (thường chiếm thiểu số) cho rằng có những hoạt động bất minh do hội đồng quản trị/tổng giám đốc chủ xướng để trục lợi. Nếu không có một quy chế quản trị công ty được xây dựng cẩn trọng, tiếng nói yếu ớt của một thành viên ban kiểm soát chân chính sẽ bị tiếng nói a dua của đa số thành viên ban kiểm soát khác lấn át - vốn do chính các cổ đông lớn trong hội đồng quản trị/ban giám đốc dựng lên, không phải để kiểm soát mà để bảo vệ họ.
Hai ví dụ trên cho thấy phần nào bức tranh muôn hình, muôn vẻ của hoạt động quản trị doanh nghiệp. Những công ty hoạt động minh bạch hoặc có mong muốn hoạt động minh bạch cần xây dựng quy chế quản trị công ty chuyên nghiệp, đáp ứng được mong đợi của không chỉ cổ đông lớn mà của cả cổ đông nhỏ và các bên liên quan. Điều quan trọng bậc nhất, khi xây dựng quy chế quản trị công ty là cần chú trọng thực chất hơn là hình thức!
Ly Nguyễn (TBKTSG)
Ngày càng có nhiều công ty cổ phần quan tâm đến khái niệm này, một phần, do đòi hỏi của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, phần khác, do đòi hỏi của chính các cổ đông (shareholders) và các bên liên quan (stakeholders) khác của doanh nghiệp.
Mặc dù pháp luật doanh nghiệp nước ta đã có những quy định điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó rất nhiều điều khoản ràng buộc doanh nghiệp phải hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, đối xử công bằng giữa các cổ đông, đảm bảo quyền lợi cổ đông... nhưng trong thực tiễn vận hành, vẫn còn rất nhiều vấn đề phát sinh mà luật pháp không thể điều chỉnh hết. Đó là lý do nhiều cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ trong các công ty cổ phần, cùng với một số bên liên quan khác thường gây áp lực, buộc công ty phải xây dựng quy chế quản trị công ty riêng.
Quy chế quản trị công ty thường được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những quy định riêng cho phù hợp với đặc thù doanh nghiệp và mong muốn của cổ đông cùng các bên liên quan.
Mặt khác, không chỉ xuất phát từ áp lực của cổ đông hay các bên liên quan, mà chính hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty cũng thường có khuynh hướng muốn xây dựng một quy chế quản trị công ty bài bản để giúp công ty hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch nhằm nâng cao uy tín công ty và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bên ngoài.
Tuy nhiên, do nhận thức về quản trị công ty còn nhiều hạn chế, đồng thời, không loại trừ yếu tố cố tình hiểu sai bản chất và ý nghĩa của quản trị công ty, các quy chế quản trị công ty được các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hiện nay thường mang tính hình thức, chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu cần có của những nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quản trị tốt nhất và chưa đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông cũng như các bên liên quan.
Hiện nay, các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán đều phải áp dụng quy chế quản trị công ty do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007. Tuy vậy, quy chế này không chỉ bao gồm các quy định cụ thể để các công ty niêm yết áp dụng ngay mà còn bao gồm một số điều khoản mang tính hướng dẫn để các công ty tự xây dựng quy chế quản trị nội bộ riêng, miễn sao đáp ứng các yêu cầu mang tính nguyên tắc trong quy chế.
Vấn đề đặt ra là các công ty niêm yết sẽ thực hiện quyền tự quyết này như thế nào khi xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty; và các công ty chưa niêm yết liệu có cần phải xây dựng quy chế quản trị công ty hay không?
Để trả lời các câu hỏi này, trước hết, chúng ta hãy xem định nghĩa của cụm từ “quản trị công ty” trong quy chế quản trị công ty do Bộ Tài chính ban hành như sau:
“Quản trị công ty” là hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty. Các nguyên tắc quản trị công ty bao gồm:
- Đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả;
- Đảm bảo quyền lợi của cổ đông;
- Đối xử công bằng giữa các cổ đông;
- Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty;
- Minh bạch trong hoạt động của công ty;
- Hội đồng quản trị và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.
Cách hiểu khái niệm quản trị công ty như trên tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất (best practices) về quản trị công ty. Ở đây, cần lưu ý rằng quản trị công ty không chỉ liên quan đến cổ đông mà còn chi phối và ảnh hưởng đến các bên liên quan đến công ty. Vì vậy, các công ty (dù là niêm yết hay chưa niêm yết), khi xây dựng quy chế quản trị công ty (đôi khi, gọi là các nguyên tắc quản trị công ty - corporate governance principles), cần hết sức lưu ý đến những người liên quan đến công ty, bao gồm cổ đông, khách hàng, đối tác, chủ nợ, nhân viên, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng...
Một quy chế quản trị công ty, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc trong pháp luật doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật; quan trọng hơn, còn phải thể hiện được cách thức quản trị công ty chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Nếu như các yêu cầu bắt buộc trong luật là điều kiện cần thì chính các yêu cầu từ thực tiễn hoạt động quản trị doanh nghiệp, trong đó rất quan trọng là kỳ vọng của cổ đông và các bên liên quan, mới là điều kiện đủ.
Vì vậy, khi xây dựng quy chế quản trị công ty, ban lãnh đạo công ty phải biết công ty thực sự cần gì để hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo được sự công bằng trong cả quyền, nghĩa vụ và lợi ích của cổ đông, và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan khác. Tương tự như giấy chứng nhận ISO không phải chỉ để cho có, quy chế quản trị công ty cần thực chất hơn là hình thức để đối phó với luật hoặc đòi hỏi của cổ đông hoặc các bên liên quan khác.
Một khi luật và các văn bản dưới luật còn nhiều kẽ hở, chưa thể ngăn chặn triệt để các hoạt động mờ ám, thao túng, xâm phạm lợi ích cổ đông, thì chính điều lệ và quy chế quản trị công ty được xây dựng một cách nghiêm túc sẽ đóng vai trò “bọc lót”, bịt kín những kẽ hở này để bảo vệ sự minh bạch, công bằng trong công ty. Những quy định cụ thể, chặt chẽ và chi tiết hơn trong quy chế quản trị công ty về quyền lợi cổ đông, về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, về vấn đề ngăn ngừa xung đột lợi ích, công bố thông tin... sẽ giúp công ty tránh được những tranh cãi bất tận khi xảy ra những vấn đề liên quan mà luật không quy định hết.
Một trong những ví dụ là việc quy định tách bạch vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng quản trị với tổng giám đốc công ty. Đây là điều mà một quy chế quản trị công ty chuyên nghiệp nên đề cập một cách cụ thể. Hiện tượng một người kiêm nhiệm đồng thời hai chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc là khá phổ biến; và việc sử dụng lẫn lộn vai trò, quyền hạn của hai chức danh này trong quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng xảy ra khá thường xuyên, gây khó khăn cho việc giám sát, đánh giá năng lực cũng như tư cách của tổng giám đốc đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị.
Một ví dụ khác là vai trò của ban kiểm soát trong các công ty cổ phần. Một quy chế quản trị công ty chuyên nghiệp cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn của mỗi thành viên ban kiểm soát, chứ không phải của cả ban kiểm soát một cách chung chung. Thực tế cho thấy ngay trong nội bộ ban kiểm soát cũng có thể chia thành “năm phe, bảy phái” và một số thành viên bất chính trong ban kiểm soát vẫn có thể dùng thế mạnh đa số của mình để áp đảo, vô hiệu hóa thành viên ban kiểm soát chân chính.
Có những báo cáo của ban kiểm soát được lập, do trưởng ban ký đại diện, chỉ biết ca tụng thành tích của hội đồng quản trị và tổng giám đốc, trong khi có thành viên trong ban kiểm soát (thường chiếm thiểu số) cho rằng có những hoạt động bất minh do hội đồng quản trị/tổng giám đốc chủ xướng để trục lợi. Nếu không có một quy chế quản trị công ty được xây dựng cẩn trọng, tiếng nói yếu ớt của một thành viên ban kiểm soát chân chính sẽ bị tiếng nói a dua của đa số thành viên ban kiểm soát khác lấn át - vốn do chính các cổ đông lớn trong hội đồng quản trị/ban giám đốc dựng lên, không phải để kiểm soát mà để bảo vệ họ.
Hai ví dụ trên cho thấy phần nào bức tranh muôn hình, muôn vẻ của hoạt động quản trị doanh nghiệp. Những công ty hoạt động minh bạch hoặc có mong muốn hoạt động minh bạch cần xây dựng quy chế quản trị công ty chuyên nghiệp, đáp ứng được mong đợi của không chỉ cổ đông lớn mà của cả cổ đông nhỏ và các bên liên quan. Điều quan trọng bậc nhất, khi xây dựng quy chế quản trị công ty là cần chú trọng thực chất hơn là hình thức!
Ly Nguyễn (TBKTSG)