16:27 18/09/2007

Quản trị công ty: "Yếu do nhân lực"

Từ Nguyên

Việc áp dụng một mô hình quản trị công ty kiểu mới đang là đòi hỏi khách quan đối với nhiều doanh nghiệp

Yếu tố con người giữ vai trò quan trọng trong vấn đề quản trị công ty.
Yếu tố con người giữ vai trò quan trọng trong vấn đề quản trị công ty.
Việc áp dụng một mô hình quản trị công ty kiểu mới đang là đòi hỏi khách quan đối với nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng lựa chọn được cho mình một mô hình quản trị hiện đại bởi một lý do: quản trị kiểu truyền thống vẫn đang được xem là đã “ăn sâu bám rễ” dù nó đã thể hiện sự lỗi thời và kém hiệu quả.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Min Hwa Kupfer, Chủ tịch Tập đoàn Vietnam Holding.

Bà đánh giá thế nào về thực trạng quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Quản trị doanh nghiệp (hay quản trị công ty) hiện nay đang là vấn đề được quan tâm không chỉ ở những nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển họ cũng luôn chú trọng đến vấn đề này. Ở bất cứ thị trường nào thì quản trị công ty cũng đều đang ở trong quá trình hoàn thiện, do đó Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Theo tôi được biết, hệ thống quản trị công ty ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với những thập niên trước. Một số doanh nghiệp đã biết áp dụng mô hình quản trị công ty theo hướng hiện đại, linh hoạt. Tuy nhiên, số doanh nghiệp như vậy lại chưa nhiều.

Hiện các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn thường áp dụng theo kiểu truyền thống, đó là lấy mô hình quản lý gia đình áp dụng vào trong quản lý các công ty tư nhân. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều tính năng động cũng như hiệu quả của công tác quản trị.

Còn trong các doanh nghiệp nhà nước, việc quản trị vẫn bị tác động bởi hiện tượng “bè phái” với việc “đa số át thiểu số”. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát huy được vai trò “chủ đạo” của mình.

Chính vì vậy, theo tôi, hạn chế lớn nhất của quản trị công ty ở Việt Nam vẫn chính là yếu tố con người. Bởi nói cho cùng thì những hướng dẫn về quản trị công ty cũng chỉ là những công cụ giúp các công ty đưa ra những chuẩn mực và thông lệ cho chính mình để doanh nghiệp vận hành tốt hơn. Cho nên, nếu nói rằng quản trị công ty ở Việt Nam còn nhiều hạn chế thì đó chính là do yếu ở khâu nhân lực quản trị.

Theo bà, đâu là sự khác biệt chính giữa quản trị công ty theo kiểu truyền thống và quản trị kiểu mới?

Nhìn chung, sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa quản trị công ty truyền thống và quản trị công ty kiểu mới là tính liên kết giữa lợi ích của hội đồng quản trị và lợi ích của các cổ đông, nhân viên, khách hàng.

Quản trị kiểu mới luôn luôn coi trọng lợi ích của những đối tượng này, trong khi quản trị theo truyền thống chưa mấy coi trọng.

Vậy theo bà, đâu là mô hình quản trị phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay?

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới đều hướng đến mô hình quản trị công ty kiểu mới. Tuy nhiên, để tìm ra một mô hình cụ thể với những hệ thống chuẩn mực đáp ứng được yêu cầu cho tất cả các nước thì lại là một điều quá khó.

Đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, khi bàn về vấn đề quản trị công ty thì trước hết nên chú trọng đến yếu tố con người rồi mới đến những yếu tố khác như môi trường kinh doanh, văn hóa kinh doanh, đặc điểm chính trị…

Nói tóm lại, dù khó có thể đưa ra một mô hình quản trị công ty cụ thể cho các doanh nghiệp, song các doanh nghiệp nên nhận thức được rằng, mô hình quản trị kiểu truyền thống và những tư tưởng hạn chế trong quản trị công ty của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là không còn phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế.