16:58 02/02/2007

Quảng cáo thực tại ảo

Một trong những mục tiêu công chúng “hot” nhất cho các nhà quảng cáo hiện nay lại thuộc về một thế giới khác

Một nhân vật ảo trong Second Life - vùng đất mới cho nghệ thuật tiếp thị.
Một nhân vật ảo trong Second Life - vùng đất mới cho nghệ thuật tiếp thị.

Một trong những mục tiêu công chúng “hot” nhất cho các nhà quảng cáo hiện nay lại thuộc về một thế giới khác.

Đó là cộng đồng 2 triệu “cư dân ảo” của Second Life - tên một trò chơi thực tế ảo trên mạng. Tuy quảng cáo ảo, nhưng lợi nhuận không ảo chút nào.

Trong một văn phòng cao hơn 600m trên hòn đảo riêng, Bill Lichtenstein - chủ tịch công ty truyền thông Lichtenstein Creative Media ở Cambridge (Mỹ) - đang điều hành việc phát sóng chương trình radio công cộng The Infinite Mind. Chẳng có hòn đảo hay cao ốc văn phòng nào như thế trong đời thực. Đó chỉ là thế giới ảo 3D của SecondLife.com.

Chương trình The Infinite Mind phát mỗi tuần 1 giờ trên mạng này từ tháng 8/2006 là chương trình truyền thông định kỳ đầu tiên của Mỹ và của thế giới thực chỉ phát sóng trực tuyến cho cộng đồng ảo 3D. Lichtenstein tự hào: “Đây là một bước nhảy vọt chưa từng có của ngành phát thanh vào thế giới ảo, một tiềm năng khổng lồ để quy tụ mọi người trong một môi trường ít tốn kém”.

Nhiều công ty đang chuyển hướng sang thế giới tương tác này nhằm tiếp cận lượng công chúng đông đảo hơn. Cũng trong tháng 8/2006, tập đoàn may mặc American Apparel tổ chức dạ tiệc khai trương hoành tráng cho cửa hàng ảo đầu tiên trên Second Life, nơi dân cư 3D ở đây có thể mua áo quần cho những “avatar” (nhân vật hoạt hình đại diện cho nhân thân ảo của họ) hay mua hàng hoá cho chính bản thân họ ngoài đời thực.

Cuộc đời thứ hai

Second Life bắt đầu hoạt động cho mọi người đăng ký tự do làm cư dân ảo từ năm 2003. Ra đời từ ý tưởng và tài điều hành của công ty Linden Lab, Second Life đã biến thành một lãnh địa với hơn 2 triệu cư dân ảo, mỗi tháng lại có thêm 60.000 cư dân mới, một nguồn bất động sản ảo có diện tích vô tận mà ai cũng có thể mua, một tiền tệ riêng - đồng đôla Linden, và một nền kinh tế ảo đang thịnh vượng cực nhanh.

Gia nhập cộng đồng Second Life, mỗi người tự tạo cho mình một avatar 3D. Trong thế giới ảo có đầy đủ núi non, sông hồ, cao ốc, cửa hàng và cả dịch vụ xăm mình, các cư dân Second Life có thể giao tiếp với cộng đồng ảo chung quanh và chuyện gẫu với nhau qua tin nhắn trực tuyến.

Các cư dân ảo có quyền thám hiểm khắp thế giới Second Life và tham gia cả những hoạt động công cộng ảo như đi nghe hoà nhạc hay dự tiệc tùng. Là dân Second Life, bạn cũng có quyền mua sắm hay sở hữu bất động sản.

Tất cả những gì có trong Second Life đều do các cư dân tự tạo ra. Dù nhiều người tạo ra cho mình những avatar có nhân dạng và hành xử giống như bản thân trong đời thực, đa số đều tận dụng cơ hội này để làm nhân vật mà họ luôn mong muốn được trở thành, hay ít ra muốn thử nhập vai một thời gian.

Chiều cao trung bình của các avatar trong Second Life là 2,13m. Trông ai cũng cao hơn, ốm hơn, và thường là quyến rũ hơn. Một số nam giới chọn “cuộc đời thứ hai” là nữ giới trong Second Life, và ngược lại.

Hiện nay, khoảng 7% cư dân Second Life vẫn giữ “hành tung bí mật” ở chế độ ẩn (stealth mode), chỉ giao tiếp với những đối tượng hẹp chọn lọc. Còn các doanh nghiệp và dịch vụ lại bành trướng không gian để quảng bá thương hiệu và tạo ra cộng đồng càng lớn càng tốt.

Theo nhà báo Paul Hemp của tạp chí Harvard Business Review, Second Life cũng như những cộng đồng ảo khác mở ra cơ hội lớn để các chuyên gia tiếp thị vươn tay tới cả con người thật lẫn cái bản ngã đã biến thái của những khách hàng tiềm năng.

Hemp giải thích: “Những kiểu quần áo mà bạn chẳng bao giờ thử hay có khả năng mua nổi rốt cuộc lại có thể là một món mua sắm trong đời thực nếu như bạn thích dùng thử chúng trong thế giới ảo”.

Vùng đất mới của nghệ thuật tiếp thị

Trong Second Life, ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của đủ loại tập đoàn và sản phẩm. Tập đoàn thiết bị viễn thông Cisco lập một tổng văn phòng ảo có cả một hội trường 3D để chiếu những đoạn phim hoạt hình kỹ thuật số mô tả cách vận hành những sản phẩm của họ.

Các hãng giày thể thao Adidas và Reebok có cửa hàng ảo cho các cư dân Second Life thử giày thoải mái. Các avatar cứ việc mang đủ cả đôi vào chân và chạy, nhảy, băng rừng, vượt suối, thậm chí phi thân để xem giày có êm chân hay không - điều chẳng bao giờ xảy ra nếu bạn đi mua giày trên phố.

Còn tập đoàn khách sạn Starwood Hotels & Resorts Worldwide cũng như tập đoàn trang phục American Apparel thì tái hiện các sản phẩm có thực của họ dưới dạng hình động 3D trên Second Life cũng như “xây dựng” các cửa hiệu thời trang và các khu du lịch nghỉ dưỡng cho cộng đồng ảo.

Trong đời thực chỉ phát sóng mỗi năm một lần, chương trình radio “The Infinite Mind” trên Second Life từ tháng 8/2006 đã được phát và tiếp phát hơn 250 lần. Các cư dân ảo tự do vào tận trong phòng thu của đài ảo này để xem các nhà sản xuất dàn dựng chương trình.

Một phòng chiếu 100 chỗ ngồi tại đây sẽ chiếu phim và tổ chức trình diễn, kể cả những buổi biểu diễn của các ca sĩ thực đang ăn khách dưới hình tượng của các avatar. Du khách ảo đến thăm cơ sở truyền thông này có thể mua các áo thun Infinite Mind cho các avatar mặc bằng tiền ảo, hoặc trả tiền thật để chính mình mặc các áo thun thật.

Khoảng 5% “thế giới” của Second Life bây giờ đã được các thương hiệu lớn chiếm lĩnh và cạnh tranh nhau. Hãng xe Pointiac lập ra đảo Motorari, nơi người sử dụng có thể lái thử những chiếc Solstice GXP mà họ có thể chọn màu sắc hay kiểu nội thất. Hãng xe Nissan dựng một chuỗi hệ thống phân phối kiểu xe Sentra, trong khi Toyota cho các avatar lái những chiếc Scions thiết kế theo ý riêng dập dìu khắp Second Life.

Chuỗi khách sạn mới Aloft của tập đoàn Starwood mãi đến 2008 mới khai trương, nhưng từ tháng 10/2006 đã mở cửa một phiên bản ảo trên Second Life để các cư dân vào trọ thử. Còn tập đoàn quảng cáo GSD&M xây dựng Idea City có chỗ dành riêng cho các hội nghị thương mại lẫn khu giải trí. Công ty nào cần thuê phòng họp trên Second Life để quảng cáo thì GSD&M sẽ trưng logo của công ty ấy cùng các đoạn video clip giới thiệu sản phẩm liên quan.

Lợi nhuận không ảo

Công ty Linden Lab lập ra SecondLife.com tất nhiên không phải để thiên hạ vào chơi không. Nguồn lợi tức của Linden Lab không phải là bán chỗ quảng cáo mà là… cho thuê “đất”. Người thuê bao gồm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Và giá đất ảo trên SecondLife.com không hề rẻ! Chẳng hạn, chi phí để tạo ra một hòn đảo là 1.675 USD, và tiền thuê hòn đảo này là 295 USD/tháng. Các chi phí viết phần mềm và sáng tạo mỹ thuật để tạo dựng địa hình có thể đẩy giá đất ảo trên Second Life lên tới hàng chục ngàn đôla.

Nhiều công ty thuê “mặt bằng” trên Second Life đã thu lợi từ chuyện bán hàng ảo cho người tiêu dùng ảo. Nền kinh tế của thế giới Second Life hoạt động nhờ đồng đôla Linden. Cư dân ảo đăng ký hạng “nhập cư có trả tiền” thì mỗi tuần sẽ được cấp 300 đôla Linden để có thể mua hàng hoá ảo.

Những cư dân thuộc hạng “nhập cư miễn phí” thì sẽ không được cấp phát tiền Linden - hay cư dân “nhập cư có trả tiền” muốn có nhiều tiền Linden hơn để tiêu xài - có thể dùng thẻ tín dụng trong đời thực của họ để mua tiền Linden ở các đại lý hối đoái LindeX.

Tỷ giá giữa USD và đồng Linden cũng biến đổi theo thị trường. Vào thời điểm tháng 12/2006, 1 USD mua được 270 đôla Linden!

Mặt khác, nhiều công ty như American Apparel lại nhờ thế giới ảo để bán hàng thực cho người tiêu dùng thực. Trong ngày khai trương cửa hàng ảo trên Second Life, American Apparel đã bán được 3.000 món trang phục cho các avatar với giá tương đương 1 USD/món. Người mua ảo sẽ được giảm giá 15% nếu mua chính món hàng ấy ở cửa tiệm thật trong đời thực. Và cái giá thực của món hàng ấy tất nhiên không phải là 1 USD!

Nhưng đừng tưởng mọi chuyện đều hoàn hảo trong “cuộc đời thứ hai”! Một số cư dân ảo đã rủ nhau lập ra đội “Giải phóng quân Second Life” chuyên đi biểu tình ở các khu vực sang trọng trong thế giới ảo này để vận động đòi quyền điều hành Second Life. Không ít lần nhóm biểu tình ảo này đã chặn cửa các cửa hiệu của Reebok và American Apparel nhiều ngày liền khiến các cửa hàng ảo này chẳng bán buôn gì được. Second Life chính là một hệ môi sinh sống động. Đó là điều hấp dẫn và cũng là điều đáng sợ cho các nhà quảng cáo.

Đừng tưởng mọi chuyện đều hoàn hảo trong “cuộc đời thứ hai”. Cư dân ảo đã có đội “Giải phóng quân”, đã biểu tình để đòi quyền điều hành!

* Làm sao sống “cuộc đời thứ hai”?

- Người chơi tải về những phần mềm giúp họ gia nhập “thế giới” hoạt hình 3D trên internet ở http://secondlife.com. Người chơi có thể chọn làm thành viên miễn phí, hay có trả tiền để được hưởng nhiều đặc quyền hơn - như sở hữu “đất đai”.

- Người chơi tự tạo ra một nhân vật riêng đại diện cho mình (avatar) với rất nhiều kiểu mẫu hoạt hình 3D tuỳ chọn và cho phép biến đổi rất phong phú. Các nhân vật có thể đi, bay, hay di chuyển bằng “thần giao cách cảm” đến bất kỳ khu vực nào trong Second Life. Hoặc có thể chọn nơi thăm viếng bằng cách gõ vào những từ khoá như “Adidas” hay “Nissan”.

- SecondLife.com cung cấp các công cụ và hướng dẫn cách sáng tạo các vật thể ảo, từ đồ dùng cá nhân cho đến vật nuôi hay nhà cửa. Bản quyền của những sáng tạo này thuộc về các cư dân của cộng đồng ảo.