10:18 06/06/2007

Quảng Nam: “Đăng ký đầu tư phải cam kết ký quỹ”

Trao đổi với ông Trần Minh Cả, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về hoạt động đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh này

Đảo Cù Lao Chàm.
Đảo Cù Lao Chàm.
Theo ông Trần Minh Cả, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh xác định việc phát triển du lịch không chỉ đơn thuần dựa vào lợi thế sẵn có, mà đòi hỏi tuân thủ quy hoạch, giải pháp thu hút đầu tư, các biện pháp quản lý hoạt động du lịch...

Thưa ông, mới đây, đảo Cù lao Chàm đã chính thức được công nhận là danh thắng quốc gia, nơi đây có tiềm năng du lịch rất lớn, đồng thời cũng là khu bảo tồn thiên nhiên hết sức quan trọng, vậy quan điểm của tỉnh như thế nào về việc đầu tư phát triển du lịch tại đây?

Cù Lao Chàm được công nhận là danh thắng quốc gia là điều hết sức đáng mừng đối với tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn đối với công tác quản lý, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên đòi hỏi nghiêm ngặt hơn nhằm bảo tồn các giá trị tài nguyên vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam rất thận trọng đối với việc phát triển du lịch trên đảo Cù Lao Chàm, thế mạnh du lịch nơi đây chính là các điều kiện tự nhiên. Do đó, tỉnh xác định sẽ không đầu tư xây dựng lớn. Hiện nay, để không ảnh hưởng đến thiên nhiên, môi trường trên đảo, chúng tôi không khai thác khách du lịch ra thăm Cù Lao Chàm một cách ồ ạt, hạn chế khách lưu trú.

Được biết, trước đây, tỉnh Quảng Nam đã cấp một số diện tích đất trên Cù Lao Chàm cho các nhà đầu tư, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?

Đúng là tỉnh đã có thỏa thuận với một số nhà đầu tư về một số dự án đầu tư trên đảo, song do các nhà đầu tư này không thực hiện được các quy định về bảo vệ môi trường, nên tỉnh đã dừng việc cấp phép đầu tư, cũng như việc cấp đất.

Hiện nay trên Cù Lao Chàm chỉ có duy nhất một đơn vị là Công ty Cổ phần Thương mại - Du lịch Cù Lao Chàm đang thực hiện xây dựng cầu cảng cho khách du lịch, cảng này nhằm mục đích cho các tàu, thuyền du lịch cập bến thuận tiện.

Ông vừa nói đến việc hạn chế khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm, vậy vì sao tỉnh vẫn cấp phép xây dựng cầu cảng du lịch?

Sở dĩ chúng tôi cho phép đơn vị này đầu tư dự án xây dựng cảng là vì về lâu dài, nếu không có cảng thì sẽ rất khó khăn cho hoạt động du lịch. Hiện nay, do chưa có cảng nên các tàu, thuyền phải sử dụng cảng cá (phục vụ hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản). Hơn nữa, cảng này còn phục vụ cho một bộ phận dân cư đang sinh sống trên đảo. Để phát triển theo đúng yêu cầu của một khu danh thắng quốc gia thì nhất thiết phải đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng cơ sở.

Vừa qua, tỉnh Quảng Nam tiến hành thu hồi một loạt giấy phép đầu tư trong lĩnh vực du lịch, ông có thể cho biết nguyên nhân cụ thể?

Chúng tôi đã thu hồi 8 giấy phép đầu tư du lịch, sắp tới, sẽ tiếp tục thu hồi khoảng 10 dự án nữa. Nguyên nhân, thứ nhất là nhà đầu tư đăng ký đã quá lâu, nhưng không triển khai thực hiện (do những khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng có thể là do năng lực của nhà đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án) khiến cho các công trình dang dở.

Về phía tỉnh, do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa dứt điểm, khiến một số nhà đầu tư không thể chờ quá lâu.

Tỉnh sẽ xử lý những dự án thu hồi này như thế nào?

Số dự án thu hồi sẽ được trao ngay cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu đầu tư. Tỉnh giao Sở Tài chính thẩm định những chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra. nhà đầu tư mới có trách nhiệm hoàn trả các chi phí này cho nhà đầu tư cũ. Để khắc phục tình trạng đăng ký đầu tư nhằm mục đích “giữ đất”, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện cam kết ký quỹ đảm bảo nghiêm túc khi tiến hành các dự án đầu tư (cụ thể là 10.000 USD/ha), khi dự án đi vào hoạt động tỉnh sẽ trao trả lại số tiền đã ký quỹ. Trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, sẽ chấp nhận số tiền ký quỹ được sung vào Quỹ Đầu tư của tỉnh.

Quảng Nam đã có giải pháp nào để đảm bảo hài hòa giữa đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch với việc bảo tồn giá trị các di sản?

Tôi cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn, nếu như không có các biện pháp điều chỉnh sự phát triển “quá nóng” của du lịch sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các di sản. Do đó, UBND tỉnh có những quy định ngặt nghèo trong đầu tư các dự án du lịch. Ngay trong khu vực phố cổ, việc sửa chữa, xây dựng nhà cửa nhất thiết phải được phép của chính quyền địa phương và buộc phải tuân thủ quy định của tỉnh.

Thứ nữa, phát triển cơ sở lưu trú dứt khoát không nằm trong khu phố cổ. Phát triển các loại hình du lịch cao cấp sẽ được quy hoạch ra phía biển, dọc các bãi biển để tránh gây ảnh hưởng đến phố cổ. Ngay cả việc xây dựng ở khu vực này cũng có quy định chặt chẽ, những dự án đăng ký đầu tư phải từ 4 sao trở lên, diện tích ít nhất phải 5 ha, trong đó, hệ số xây dựng không được quá 20% trong tổng diện tích quy hoạch, độ cao không được quá 3 tầng...