Quảng Ninh loay hoay xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động của Quảng Ninh vẫn còn nhiều bất cập về chính sách cũng như cách tuyển chọn lao động
Mấy năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu lao động tại Quảng Ninh có nhiều kết quả như giải quyết việc làm, tạo thu nhập và tích luỹ vốn cho người lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Hiện công tác xuất khẩu lao động đã được đưa thành nội dung trong một số chỉ thị, nghị quyết, mở cửa thị trường lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, xuất khẩu lao động của Quảng Ninh vẫn còn nhiều bất cập về chính sách cũng như cách tuyển chọn lao động.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, hiện có 14 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động và tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 12 doanh nghiệp thuộc các ngành trung ương và tỉnh ngoài.
Từ năm 2001 đến tháng 11/2006, các doanh nghiệp này đã đưa được 5.270 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó số lao động do 2 doanh nghiệp của tỉnh đưa đi được 4.369 người, các doanh nghiệp thuộc các ngành trung ương và tỉnh ngoài đưa đi được 910 lao động, bình quân từ năm 2003 đến nay, mỗi năm đưa đi trên 1.000 lao động.
Đài Loan vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Quảng Ninh nhiều nhất với 2.651 người; Malaysia xếp thứ hai với 2.088 người; Nhật Bản 296 người, còn lại là Hàn Quốc và các thị trường khác.
Hiện hầu hết số lao động Quảng Ninh đăng ký đi xuất khẩu lao động chủ yếu là nông dân, trình độ dân trí thấp. Số lao động không có nghề chiếm 44,5% trong tổng số lao động đã xuất khẩu.
Hiện ở các vùng nông thôn, lực lượng lao động tốt nghiệp phổ thông chưa có việc làm của Quảng Ninh khá nhiều.
Chưa kể, việc chuyển dịch quỹ đất nông nghiệp sang quỹ đất phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị khiến cho nhiều nông dân mất việc làm và thu nhập.
Qua thống kê đã có 8.000 hộ nông dân bị thu hồi đất, trong số này mới chỉ có 6,1% được làm việc tại các khu công nghiệp.
Dự tính đến năm 2010, tỉnh sẽ tiếp tục thu hồi thêm 3.000 ha đất nông nghiệp, kéo theo 15.000 nông dân có nguy cơ thất nghiệp. Đây chính là nguồn lao động dồi dào cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Nhằm tránh sự tranh chấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân chia địa bàn để các doanh nghiệp tuyển lao động.
Có doanh nghiệp khoán phí thông qua đầu hồ sơ hoặc liên kết với cơ sở dịch vụ việc làm ngoài công lập (không được cấp phép hoạt động) để thông báo tuyển lao động, cho nên đã xảy ra tình trạng thu tiền ngoài quy định của người lao động.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đào tạo của tỉnh còn chưa bình đẳng. Đối với lao động đi xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp thuộc các ngành trung ương và tỉnh ngoài không được hưởng chính sách hỗ trợ như các lao động đi xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp của tỉnh (mỗi lao động được hỗ trợ 800.000 đồng).
Đây là những yếu tố làm giảm uy tín đối với người lao động và làm giảm năng lực cạnh tranh phát triển xuất khẩu lao động.
Cho nên, mặc dù số lượng lao động khá dồi dào, nhưng xuất khẩu lao động của Quảng Ninh thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.
Chính sách hỗ trợ vốn vay là vấn đề quan tâm nhiều nhất của người lao động. Hiện tỉnh đã có một số quyết định về hỗ trợ vốn vay cũng như áp dụng bù chênh lệch lãi suất cho những người đi xuất khẩu lao động, nhưng trên thực tế, số đối tượng được vay vốn (chưa nói tới được vay ưu đãi) là thấp.
Mới chỉ có 2 ngân hàng là Ngân hàng Chính sách – Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông thực hiện việc cho các đối tượng xuất khẩu lao động vay vốn, nhưng nguồn vốn cho vay cũng rất hạn hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động.
Theo ông Phạm Văn Cung, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách – Xã hội tỉnh Quảng Ninh, ngân hàng đang chịu sức ép lớn và rất bị động về nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động.
Hiện nay, quỹ vốn của Ngân hàng dành cho hoạt động này là 9,6 tỷ đồng, nhưng vẫn có nguy cơ thiếu, trong khi cho vay xuất khẩu lao động tối đa là 20 triệu đồng/lao động.
Một khó khăn nữa của Ngân hàng là vấn đề thu hồi vốn, xử lý rủi ro đối với lao động quay trở về...
Mở rộng thị trường, đa dạng hoá các hình thức xuất khẩu lao động, phấn đấu đưa được từ 1.500 đến 2.000 người ra nước ngoài làm việc là mục tiêu của Quảng Ninh trong năm 2007.
Đứng trước những khó khăn về vốn vay; nguồn lao động có chuyên môn, trình độ ngành nghề, mục tiêu xuất khẩu lao động của năm 2007 và những năm tiếp theo, đang đặt ra nhiều việc cần làm cho các cấp chính quyền và doanh nghiệp.