09:48 06/03/2007

Quanh chuyện “góp thương hiệu” để nhập khẩu

Nguyễn Hoài

Hiệp hội Thép vừa họp khẩn cấp về việc Công ty Thép Việt - Ý (VIS) đặt hàng tại Trung Quốc rồi nhập khẩu vào Việt Nam

"Nếu hàng loạt doanh nghiệp cũng làm như VIS thì không biết ngành thép Việt Nam sẽ đi tới đâu!" - Ảnh: VNN
"Nếu hàng loạt doanh nghiệp cũng làm như VIS thì không biết ngành thép Việt Nam sẽ đi tới đâu!" - Ảnh: VNN
Sáng 5/3, Hiệp hội Thép tổ chức họp khẩn cấp với hàng chục doanh nghiệp thép xây dựng và các Bộ Thương mại, Công nghiệp xung quanh việc Công ty Thép Việt - Ý (VIS) đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, sau đó nhập khẩu trở lại Việt Nam.

Các doanh nghiệp và bộ ngành đều không đồng tình với việc làm của VIS, còn phía VIS lại cho rằng, hoàn toàn đúng luật và không đi ngược lại quyền lợi của các doanh nghiệp.

Trong Công văn số 88/CT/TT - TGĐ ngày 24/2/2007 do ông Đinh Văn Vì, TGĐ VIS ký gửi Hiệp hội Thép, cho biết: "Hiện nay, do giá phôi nhập khẩu (nhập khẩu) chào bán cao hơn so với thép thành phẩm, do vậy, chúng tôi đang quan tâm đến việc thuê các công ty có uy tín của nước ngoài sản xuất thép cho chúng tôi để tham gia bình ổn giá trong nước theo đúng định hướng của Hiệp hội thép và Chính phủ".

"VIS không bỏ hết trứng vào 1 giỏ!"

Còn tại cuộc họp sáng 5/3, ông Lê Ngọc Sơn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của VIS khẳng định: "Trong đầu tư, chúng tôi không bỏ hết trứng vào một giỏ”!

Theo ông Sơn, có bốn lý do chính để VIS đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc:

Thứ nhất, giá phôi thép trong nước đang tăng một cách chóng mặt. Có giai đoạn, giá phôi trong nước lên tới 8.800 - 8.900 đồng/kg trong khi giá phôi tại Trung Quốc (Trung Quốc) chỉ 8.200 - 8.400 đồng/kg. Với chênh lệch giá phôi tại Việt Nam và Trung Quốc tới 500 nghìn đồng/tấn, sản xuất trong nước sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế, VIS muốn đa dạng hóa phương án kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.

Thứ hai, giá thép trên thị trường Trung Quốc hiện rất tốt do thế giới gây áp lực buộc nước này giảm sản xuất, nhằm tránh ô nhiễm môi trường và Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt nhà máy nhỏ có công suất dưới 2 triệu tấn/năm và điều này đã hạn chế nguồn cung, dẫn đến giá bán rất khả quan.

Thứ ba, thị phần thép xây dựng của VIS trên thị trường trong 2007 dự kiến chỉ 180 nghìn tấn/năm và không hề ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.

Thứ tư, do tính chất cơ lý, để có được loại phôi sản xuất thép C3, hiện trong nước chưa sản xuất cán được thép C3 vì không đảm bảo được mặt cơ lý tính. Nên VIS chỉ muốn chọn đặt sản xuất loại C3 đường kính lớn cung cấp cho các công trình xây dựng cao tầng thuộc khách hàng của VIS.

Doanh nghiệp phản đối "góp thương hiệu"!

Tại cuộc họp nói trên, không một doanh nghiệp nào đồng tình với lập luận của phía VIS.

Ông Hoàng Văn Tòng, Phó tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên nói: "Thực ra, thép Thái Nguyên đã được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chào mời góp thương hiệu, sản xuất hàng loạt rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam nhưng chúng tôi đã khước từ. Lâu nay, ngành thép trong nước vốn không biết liên kết liên doanh mà chỉ có cạnh tranh mang tính chất "tàn sát" nên khả năng hội nhập rất kém. Nếu hàng loạt doanh nghiệp cũng làm như VIS thì không biết ngành thép Việt Nam sẽ đi tới đâu!".

Còn ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho rằng, không thể ngụy biện vì trong nước chưa sản xuất được thép C3, rất nhiều các doanh nghiệp khác đã sản xuất được thép C3.

Tiếp theo, rất nhiều các doanh nghiệp khác như Công ty Nam Đô, Công ty Vinakansai - Vinashin... đều khẳng định, họ đã được phía Trung Quốc chào mời góp thương hiệu sau đó nhập khẩu trở lại Việt Nam nhưng hầu hết các doanh nghiệp này đều từ chối.

Đại diện Công ty thép Pomina bức xúc: "Cứ cho rằng, một đơn hàng 5.000 tấn của VIS sẽ chưa ảnh hưởng trước mắt nhưng về lâu dài thì đó là hiểm họa cho cả ngành thép. Phải coi đó là hàng nhái và Chính phủ phải ngăn chặn ngay. Việc đặt hàng sản xuất tại nước ngoài theo kiểu từ A - Z không thể coi là gia công. Vì gia công thì VIS phải đưa nguyên liệu sang Trung Quốc".

Như vậy, có mấy vấn đề nổi lên: Thứ nhất, cần phải xem xét việc làm của VIS dưới góc độ pháp lý và đạo đức nghề nghiệp; Thứ hai, đây có phải là một xu hướng liên kết kinh doanh mới có hiệu quả, xét trên bình diện vĩ mô? Và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với ngành thép trong nước?

Cơ quan chức năng nói gì?

Bàn về tính pháp lý, ông Trần Anh Sơn Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh, Bộ Thương mại khẳng định: "Theo Điều 178 Luật Thương mại, đã là gia công thì chỉ sử dụng 1 hoặc một số công đoạn trong quá trình sản xuất. Nhưng trên thực tế, sản phẩm thép C3 của VIS sản xuất tại Trung Quốc sử dụng 100% nguyên liệu đầu vào và chỉ gắn mác của VIS.

Thực tế này khiến tôi không hình dung nổi điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nhà sản xuất khác của tất cả các ngành công nghiệp trong nước thay vì mua nguyên liệu về sản xuất tại Việt Nam thì chỉ cần mang thương hiệu ra nước ngoài, sử dụng 100% nguyên liệu, nhân công, công nghệ của họ sản xuất ra hàng hóa sau đó nhập khẩu trở lại Việt Nam!".

Cũng theo ông Sơn, Chính phủ đã lường trước điều này và đã có những quy định khá rõ tại Công văn số 548/CP - KTTH ngày 7/6/1999 v/v đặt gia công tại nước ngoài: "Nếu hàng đặt gia công tại nước ngoài nhập khẩu trở về Việt Nam thì chỉ cho phép đặt gia công công đoạn sản xuất mà doanh nghiệp không thực hiện được tại Việt Nam, do thiếu công nghệ trong nước".

Tuy nhiên, đại diện của VIS đã "phản pháo" lại ý kiến này và cho rằng có một văn bản khác còn mới hơn công văn 548 của Chính phủ và sẽ xuất trình khi thấy cần thiết. Trở lại vấn đề, giả sử văn bản 548 nói trên vẫn còn hiệu lực pháp lý và đối chiếu với hành vi "góp thương hiệu" của VIS thì rõ ràng sản phẩm thép C3 của VIS sản xuất tại Trung Quốc không thể coi là gia công. Vậy không thể coi là gia công thì chúng là gì?

Thứ hai, trả lời vấn đề: đây có phải là một xu hướng liên kết liên doanh mới hay không, một chuyên viên của Bộ Công nghiệp cho rằng, đây chỉ là cách "cáo gửi nhờ chân". Thông qua "góp thương hiệu", sản phẩm của ngoại nhập sẽ làm chủ thị trường về giá thông qua bán rẻ trong giai đoạn tiếp cận thị trường, sau đó sẽ tăng giá và lũng đoạn. Cùng với quá trình này, sản phẩm nhập khẩu sẽ thôn tính dần thị phần và bóp chết sản xuất trong nước.

Và một khi điều đó xảy ra, Nhà nước sẽ không thể nào kiểm soát và bình ổn được thị trường, trong khi nguồn cung trong nước bị bóp nghẹt.