08:57 14/04/2008

Quanh chuyện lãi suất “vượt trần”

Nguyễn Hoài

Những gì đang ẩn giấu sau đợt phát hành 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu với lãi suất 12%/năm của Ngân hàng SCB?

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%!”.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%!”.
Trong lúc các ngân hàng thương mại đồng thuận thực hiện lãi suất huy động 11%/năm thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phát hành 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu, lãi suất huy động 12%/năm chưa tính giá trị khuyến mãi.

Những gì đang ẩn giấu sau đợt phát hành này?

“Chỉ cần 10 triệu đồng, khách hàng có cơ hội trúng 2 kg vàng SJC”! Đó là lời mời khá hấp dẫn của SCB khi tung ra sản phẩm: Kỳ phiếu ghi danh bằng đồng Việt Nam có dự thưởng “Lãi suất cao - Trúng thưởng lớn”, kéo dài từ 7/4 - 4/6/2008.

Kỳ phiếu hay “giật gấu vá vai”?

Theo đó, đợt bán kỳ phiếu này của SCB có tổng trị giá 3.000 tỷ đồng, mệnh giá kỳ phiếu tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 270 ngày và 360 ngày, lãi suất 1%/tháng. Khách hàng được trả lãi trước ngay khi mua kỳ phiếu. Thêm nữa: trong thời gian chờ nộp tiền khách hàng cũng được tính lãi suất và được tham gia quay số dự thưởng với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%! SCB đã vi phạm Công điện 02/CĐ-NHNN ngày 26/2/2008 của Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 12%/năm và đồng thuận 11% giữa các thành viên VNBA”.

Ông này cho biết thêm, khi phát hành kỳ phiếu với lãi suất cao, buộc phải cho vay với lãi suất cao, trong lúc xu hướng hạ lãi suất cho vay đang hình thành, SCB rất dễ bị mất khách hàng. Mặt khác, nếu các ngân hàng thương mại khác cùng làm như vậy, thị trường tiền tệ sẽ lún sâu hơn vào một đợt sốt lãi suất huy động tiếp theo và đẩy các ngân hàng cũng như doanh nghiệp vay vốn vào bế tắc.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Quang Nhường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB. Trả lời câu hỏi: “Có phải SCB bị sụt vốn vì cho vay “lỡ trớn” vào một khu vực khách hàng nào đó và phải huy động bằng hình thức này để bù đắp”, ông Nhường nói: “SCB không hề bị mất thanh khoản trong thời gian qua mà nguồn vốn này để chuẩn bị cho hoạt động trong tháng 4/2008 trở đi”. Ông cho biết thêm, hiện tại SCB đã huy động được hơn 40 tỷ đồng.

Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Linh, Phó tổng giám đốc SCB phân bua: “Đầu tháng 3/2008, SCB chuẩn bị phát hành kỳ phiếu. Theo Quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày 4/1/2005 của Ngân hàng Nhà nước, nếu phát hành giấy tờ có giá, chỉ cần thông báo cho Ngân hàng Nhà nước trước 20 ngày. Qua thời hạn này, không thấy Ngân hàng Nhà nước có ý kiến gì, chúng tôi mới triển khai. Hơn nữa, Bộ và các Sở Công Thương đã cấp phép cho SCB thực hiện chương trình khuyến mãi với số tiền chi cố định rất lớn. Nếu dừng, vấn đề này chưa biết giải quyết ra sao”.

E ngại về việc bùng phát cuộc đua “lãi suất kỳ phiếu”, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã gửi công văn trực tiếp cho SCB và kiến nghị Chính phủ can thiệp để SCB dừng chương trình kỳ phiếu. Phản ứng trước động thái này, ông Lê Quang Nhường cho biết: “Theo tôi, chương trình này sẽ dừng lại vì không muốn ai đó hiểu nhầm SCB mất khả năng thanh khoản hay lách luật”.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!”

Chưa biết hồi kết câu chuyện “kỳ phiếu SCB” ra sao nhưng từ đây lại liên quan đến một vấn đề khác: sự “xộc xệch” trong phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý.

Thứ nhất, trong Công điện 02, chỉ dùng cụm từ “điều chỉnh lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam ở mức... không vượt quá 12%/năm” mà không phân biệt hình thức huy động như trái phiếu, kỳ phiếu hay tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, SCB đã “qua mặt” Công điện 02 một cách dễ dàng bằng cách phát hành kỳ phiếu mà không gặp một trở ngại nào và cũng thật khó giải thích sự im lặng đến kỳ lạ từ Vụ Chính sách tiền tệ trong suốt 20 ngày liền!

Thứ hai, tại một cuộc họp gần đây, VNBA kiến nghị với Vụ Chính sách tiền tệ có ý kiến để Bộ Công Thương dừng cấp phép các chương trình khuyến mãi mà thực chất là trá hình để đẩy lãi suất lên cao, dẫn đến dòng vốn chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây bất ổn cho thị trường tiền tệ thì vụ này cũng không có động thái nào.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước công bố rằng, khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện bởi cơ quan này đã thực thi nhiều biện pháp: cung ứng vốn kịp thời qua nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu lô tiền trên thị trường liên ngân hàng... nhưng công bố này thiếu cơ sở. Bởi lẽ, nếu không bị áp lực thiếu vốn dồn nén, chẳng ai huy động lãi suất với mức trên 13% như SCB!

Và nỗi nghi ngờ có phải SCB là ngân hàng duy nhất muốn phát hành kỳ phiếu với lãi suất cao trong lúc này hay không, chỉ được khẳng định khi có kết luận từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Bởi theo luật, chỉ có cơ quan này mới có thể “sờ” vào sổ sách để kiểm tra yếu tố cân đối thanh khoản của các ngân hàng.

Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào báo cáo của các ngân hàng thương mại, sẽ không ai nói rằng, tình hình tài chính ngân hàng mình chưa tốt!

Thứ tư, trong khi chưa ngã ngũ SCB có được tiếp tục phát hành kỳ phiếu hay không thì ngày 07/4/2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 91/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước: “Trước mắt, không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần”.

Theo tinh thần này, Ngân hàng Nhà nước phải bãi bỏ quy định lãi suất huy động trần và nếu thế, cơ quan này cần nhanh chóng “phủ định” công điện 02/CĐ-NHNN để các ngân hàng thương mại không phải xoay xở tránh né.

Có thể, khi bỏ trần lãi suất, sẽ không xảy ra cuộc đua lãi suất huy động nào như một số e ngại và giả định có, chỉ cần ban hành một vài văn bản... “cấm” và “phạt” như Ngân hàng Nhà nước vẫn làm lâu nay là đủ?!

* Bài viết này có những chi tiết sai sót liên quan đến chương trình khuyến mại và được chỉnh sửa ngày 20/4/2008. Xin được cáo lỗi cùng bạn đọc và Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương).