16:15 15/07/2008

Quanh sự sụp đổ của một ngân hàng cho vay thế chấp

Mai Phương

Khủng hoảng thanh khoản, ngân hàng từng một thời là tổ chức cho vay địa ốc lớn nhất nước Mỹ đã bị cơ quan chức năng tiếp quản

Khách hàng của IndyMac đứng chờ rút tiền hôm 14/7.
Khách hàng của IndyMac đứng chờ rút tiền hôm 14/7.
Ngày 13/7, IndyMac - ngân hàng từng một thời là tổ chức cho vay địa ốc lớn nhất nước Mỹ - đã bị Ủy ban Giám sát tiết kiệm của nước này (OTS) đóng cửa và chuyển giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC).

Đây được coi là vụ đổ bể lớn nhất của một ngân hàng được FDIC bảo hiểm từ trước tới này.

Khoảng 95% trong tổng số tiền gửi tiết kiệm 19 tỷ USD của khách hàng tại IndyMac sẽ được bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn 1 tỷ USD tiền gửi không nằm trong diện bảo hiểm, do đó, sẽ có khoảng 10.000 khách hàng của IndyMac mất tổng số khoảng một nửa trong số tiền này - tức là 500 triệu USD. FDIC cho biết, việc tiếp quản IndyMac khiến cơ quan này phải chi ra từ 4 - 8 tỷ USD.

Vì sao IndyMac “chết”?

IndyMac phát triển rất nhanh chóng trong suốt thời kỳ bùng nổ của thị trường địa ốc và ngành xây dựng tại Mỹ. Sản phẩm đặc biệt của IndyMac là các khoản vay loại Alt-A dành cho những người muốn mua nhà không cần phải cung cấp nhiều, hoặc thậm chí là không phải cung cấp một thông tin nào về thu nhập hoặc tài sản ngoài ngôi nhà mà họ sẽ mua.

Khi giá nhà tăng cao, các khoản vay Alt-A hầu như chẳng gây ra vấn đề gì cho IndyMac. Nếu một người mua nhà không có khả năng trả nợ, IndyMac tịch biên ngôi nhà và bán được với giá cao hơn so với khoản vay. Ngân hàng này cũng có thể tìm được những nhà đầu tư sẵn lòng mua lại các loại chứng khoán được chứng khoán hóa từ các khoản vay này.

Tuy nhiên, khi bong bóng địa ốc ở Mỹ vỡ tung và giá nhà bắt đầu rơi không phanh, những khoản thua lỗ của IndyMac bắt đầu tăng cao. Tệ hơn, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hóa tê liệt, IndyMac không còn đường để có vốn cho vay những khoản vay mới.

Những khách hàng được vay tiền của IndyMac gần đây đều là những khách hàng có tài sản và thu nhập đảm bảo được khả năng trả nợ của họ. tuy nhiên, những khoản vay này lại là những khoản vay có mức lợi nhuận và lãi suất thấp hơn rất nhiều so với những khoản vay đầy rủi ro như Alt-A.

Trong quý 1 năm nay, IndyMac đã lỗ khoảng 184,2 triệu USD và công bố có thể còn thua lỗ nặng hơn trong quý 2. Năm ngoái, ngân hàng này lỗ 614 triệu USD, chủ yếu bắt nguồn từ việc tập trung vào lĩnh vực cho vay địa ốc với các khoản vay Alt-A. Trong vòng hai năm trở lại đây, cổ phiếu của IndyMac đã mất giá 95%, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Ở thời điểm thứ 6 tuần trước, giá cổ phiếu của IndyMac chỉ còn có 0,28 USD/cổ phiếu.

CEO mất chức Michael Perry của IndyMac từ lâu đã phàn nàn rằng ngân hàng này đã bị “trừng phạt bất công” vì ngân hàng này không “dính dáng” quá nhiều đến lĩnh vực cho vay dưới chuẩn. Tuy nhiên, số vụ vỡ nợ tăng cao ở những khoản vay AltA và những khoản vay đạt chuẩn dường như đã đủ để cho thấy rằng cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ đã không chỉ dừng ở những đối tượng đi vay ít khả năng trả nợ nhất.

OTS, cơ quan giám sát IndyMac, đã chỉ trích Thượng nghị sỹ Charles Schumer vì đã có hành động dẫn tới sự đổ vỡ của ngân hàng này. Vào ngày 26/6 vừa qua, Thượng nghị sỹ này đã có một bức thư gửi tới các nhà điều hành đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của IndyMac. Ngay lập tức, thông tin này đã khiến các khách hàng của IndyMac đổ xô tới ngân hàng này để rút tiền. Bị rút 1,3 tỷ USD trong thời gian ngắn, IndyMac nhanh chóng rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản.

”Mặc dù ngân hàng này trước đó đã ở trong tình trạng căng thẳng về thanh khoản, tôi rất không hài lòng về bất kỳ sự can thiệp nào vào quá trình làm việc của các nhà điều hành”, Giám đốc OTS John Reich phát biểu. “Bật” lại, Thượng nghị sỹ Schumer cho rằng chính sự quản lý lỏng lẻo của OTS là nguyên nhân ban đầu dẫn tới những vấn đề ở IndyMac, cùng như toàn bộ thị trường địa ốc và nền kinh tế Mỹ.

“Nếu OTS làm đúng phận sự của mình và không để IndyMac cho vay bừa bãi, nước Mỹ đã không lâm vào tình trạng hiện nay. Thay vì chỉ trích lung tung, OTS nên bắt đầu hành động để ngăn chặn các ngân hàng khác lâm vào tình trạng như IndyMac”, ông nói.

“Số phận” tiền gửi của khách hàng

Với tài sản 32 tỷ USD và lượng tiền gửi 19 tỷ USD của khách hàng, IndyMac là ngân hàng bán lẻ thứ 5 năm được FDIC bảo hiểm bị đổ vỡ từ đầu năm đến nay. Trong khoảng thời gian từ 2005 tới 2007, chỉ có 3 ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ.

Trong vòng 15 năm qua, FDIC đã tiếp quản 127 ngân hàng với tổng tài sản 22 tỷ USD. Các quan chức của FDIC trấn an dân chúng Mỹ rằng tuy số ngân hàng bị đổ bể có gia tăng, con số này vẫn nằm trong khả năng xử lý của FDIC.

Vụ sụp đổ của IndyMac là vụ sụp đổ của một ngân hàng lớn nhất được FDIC bảo hiểm từ năm 1984 tới nay. Năm 1984, Continental Illinois với tài sản 40 tỷ USD đã đổ bể. Hai vụ đổ bể khiến FDIC phải chi nhiều tiền nhất từ trước tới nay là hai ngân hàng American Savings and Loan Association ở California và First Republic Bank ở Texas vào năm 1988 trong cuộc khủng hoảng nợ và tiết kiệm của Mỹ. Với ngân hàng thứ nhất, FDIC đã phải chi 5,4 tỷ USD, còn với ngân hàng thứ 2, có quan này phải chi 4 tỷ USD.

Phần lớn nhân viên và giám đốc của IndyMac sẽ được đề nghị ở lại với ngân hàng này, mặc dù đầu tuần trước, IndyMac đã phải cắt giảm 3.800 việc làm, tương đương với hơn một nửa lực lượng lao động của ngân hàng này trong nỗ lực vực dậy ngân hàng này. CEO Michael Perry của IndyMac sẽ nghỉ việc và được thay thế tạm thời bởi một quan chức từ FDIC. Được biết, FDIC sẽ nỗ lực bán lại IndyMac với tư cách một tổ chức hoàn chỉnh trong vòng 90 ngày.

Theo luật Mỹ, khi một ngân hàng bị đóng cửa, các tài khoản truyền thống tại ngân hàng đó được bảo hiểm tối thiểu 100.000 USD. Một số tài khoản như như tiền trợ cấp hàng năm và các quỹ tương hỗ không được bảo hiểm. Các quỹ Tài khoản hưu trí cá nhân được đảm bảo tới 250.000 USD. Các khách hàng của IndyMac có tài khoản tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được nhận lại ít nhất một nửa số tiền của mình và có thể được nhận số tiền nhiều hơn tùy thuộc vào mức giá mà FDIC bán được ngân hàng này.

Ba ngày sau đi IndyMac được tiếp quản, vào ngày 14/7, hàng trăm khách hàng của ngân hàng này đã tập trung tại trụ sở của ngân hàng này ở Pasadena California để rút tiền. Tất cả những người nay đều chờ đợi trong trạng thái căng thẳng và lo ngại.

“Tiền tiết kiệm cả đời của tôi gửi ở ngân hàng này, tôi rất sợ”, một khách hàng của IndyMac với số tiền gửi 100.000 USD cho biết.

Ông John Bovenzi, quan chức của FDIC điều hành IndyMac cho biết, hiện IndyMac đã ở trong tình trạng “an toàn và ổn định như bất kỳ ngân hàng nào khác ở Mỹ”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, rất có thể sẽ còn có thêm những ngân hàng khác cần tới sự tiếp quản của FDIC trong thời gian tới.

(Theo CNN, Reuters, AP)