Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam
Trong nhân khẩu học, tỷ số giới tính khi sinh là số bé trai trên 100 bé gái. Trong đó, mức cân bằng tự nhiên là 102 - 106 bé trai/100 bé gái.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh đang có sự chênh lệch rõ rệt ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số hiện nay.Tại Việt Nam hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh là tại Việt Nam năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái. Đại diện UNFPA cho rằng, đây là sự gia tăng đáng kể từ mức 107 - 108 trong giai đoạn 2000 - 2005 và 111 - 112 trong giai đoạn 2010 - 2015. Đáng chú ý là tỷ số này đã cao ở ngay lần sinh con đầu tiên và đến lần sinh thứ ba thì đã lên đến 115,5 - 120 căn cứ theo số liệu năm 2014.Theo kết quả báo cáo sơ bộ 6 tháng đầu năm 2019 của các tỉnh/thành phố trên cả nước, tỷ số giới tính khi sinh vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, có những tỉnh, con số này đã ở mức đáng "báo động" (Quảng Bình: 126,6 bé trai/100 bé gái; Thái Bình: 125,8/100; Tuyên Quang: 125,1/100; Lào Cai: 122,1/100).
Mới nhậm chức Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nửa cuối năm 2019, bà Naomi Kitahara coi đây là một vấn đề "bất thường" khi Việt Nam có nhiều bé trai hơn bé gái, vượt ra ngoài phạm vi được coi là tự nhiên về mặt sinh học và nhân khẩu học.Ngoài ra, trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước thì có tới 4 vùng có tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Mặc dù ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ số này ở thấp hơn ở khu vực thành thị, nhưng lại rất khác nhau giữa các tỉnh. Cá biệt tại 3 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ số này đã đạt mức cao kỷ lục là 125 vào năm 2016."Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học như vậy là do việc lựa chọn giới tính thai nhi", bà Naomi Kitahara khẳng định.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan, chính bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai (tính ngày rụng trứng, siêu âm lựa chọn giới tính…).
Theo các nhà nhân khẩu học, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội...