Quỹ đầu tư Hoa Kỳ nhận định Nhật Bản là trung tâm tăng tốc khởi nghiệp của Châu Á
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp kéo dài nhiều năm tại Nhật Bản sẽ được quỹ đầu tư Hoa Kỳ bắt đầu khởi động vào mùa hè này…
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, Giám đốc Điều hành quỹ đầu tư khởi nghiệp Techstars đến từ Hoa Kỳ cho biết công ty đang đặt cược rằng Nhật Bản sẽ là “thỏi nam châm” thu hút các dự án khởi nghiệp trên khắp Châu Á.
Mùa hè này, Techstars sẽ bắt đầu triển khai chương trình tăng tốc khởi nghiệp kéo dài ba tháng tại Tokyo, trong đó 12 startup được chọn sẽ nhận được gói cố vấn chuyên sâu về mô hình và phương thức quảng cáo kinh doanh, cũng như mức giá ưu đãi khi sử dụng dịch vụ đám mây của Amazon. Techstars cũng sẽ cung cấp cho mỗi công ty tối đa 120.000 USD nhằm đổi lấy từ 6 – 10% cổ phần.
Giám đốc Điều hành Techstars Maelle Gavet cho biết: “Nhật Bản là một thị trường đầy tiềm năng khi nói đến các công ty khởi nghiệp công nghệ. Tuy nhiên hiện tại, thị trường này đang gánh chịu một số áp lực nhất định. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều cơ hội để giúp thị trường phát triển”.
Mặc dù Techstars đã tổ chức chương trình tương tự tại Singapore nhưng chương trình ở Tokyo dự kiến sẽ diễn ra thường kỳ trong nhiều năm. Đây là lần đầu tiên quỹ quyết định đồng hành lâu dài với các startup Châu Á.
Giám đốc Gavet nhấn mạnh: “Nhật Bản về cơ bản là trung tâm của Techstars ở Châu Á”. Bà lưu ý rằng đã có hơn 300 đơn đăng ký tham gia chương trình tại Tokyo trước thời hạn tháng 3/2024, với hơn một nửa trong số đó đến từ bên ngoài Nhật Bản. Bà nói thêm: “Nhật Bản là một thị trường tiềm năng, có thể thu hút mọi doanh nhân từ khắp Châu Á - thậm chí là cả Châu Âu và Châu Mỹ - bởi vì đa số nhà phân tích đều nhất trí Châu Á hiện là thị trường trọng điểm của toàn thế giới”.
SỰ KHÁC BIỆT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TĂNG TỐC KHỞI NGHIỆP CỦA TECHSTARS
Techstars, được thành lập vào năm 2006, là nhà đầu tư tiền hạt giống cung cấp vốn ngay cả trước khi công ty khởi nghiệp ra mắt dịch vụ hoặc sản phẩm thương mại tới công chúng. Một số ví dụ được Techstars hỗ trợ là dịch vụ phân tích blockchain Chainalysis và công ty khởi nghiệp về máy bay không người lái Zipline, cả hai đều được thành lập tại Hoa Kỳ.
Điểm nổi bật nhất trong chương trình tiền hạt giống của Techstars là công ty sẽ tạo điều kiện cho tất cả các startup tham gia. Tại Nhật Bản, hầu hết chương trình tăng tốc khác, chẳng hạn như một số chương trình do big tech điều hành, có xu hướng tập trung hơn vào hợp tác kinh doanh. Với việc ra mắt chương trình tăng tốc khởi nghiệp kiểu mới, Techstars sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho startup trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng.
Chương trình tại Tokyo của Techstars sẽ được đồng điều hành bởi nhà phát triển bất động sản Mitsui Fudosan, đồng thời là nhà đầu tư thuộc quỹ đầu tư mạo hiểm mà Techstars đang điều hành và Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, một cơ quan chính phủ. Chính quyền Trung ương và Thủ đô Tokyo cũng hết sức hỗ trợ chương trình.
Chương trình tăng tốc diễn ra khi Chính phủ Nhật Bản quyết định mở rộng nỗ lực nuôi dưỡng môi trường kinh doanh thân thiện với khởi nghiệp. Nhật Bản hiện đang xếp dưới, bỏ xa Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc hay thậm chí là một số khu vực ở Đông Nam Á về số lượng kỳ lân (công ty khởi nghiệp trị giá từ 1 tỷ USD trở lên), theo dữ liệu được cung cấp bởi CB Insights.
Để thay đổi tình hình, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida vào năm 2022 đã đưa ra kế hoạch phát triển 5 năm nhằm tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp lên gấp 10 lần từ năm 2021, mục tiêu đạt mức 10 nghìn tỷ JPY (khoảng 66,5 tỷ USD) vào năm tài chính kết thúc tại tháng 3/2028.
CEO Gavet cho biết y tế, năng lượng và công nghệ thực phẩm là một trong những ngành ở Nhật Bản mà các dự án khởi nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.
Bà cũng chia sẻ các startup đang tập trung phát triển thuật toán cốt lõi cho trí tuệ nhân tạo sẽ là một “công trình lớn” đòi hỏi hàng tỷ USD đầu tư nhưng nói thêm rằng bà rất lạc quan về các công ty khởi nghiệp cố gắng áp dụng AI trong hoạt động kinh doanh.
Theo bà Gavet, Techstars hiện chưa có kế hoạch mở rộng sang các nước Châu Á khác dù có thể sẽ mở cửa chương trình tại Ấn Độ trong tương lai. Bởi lẽ, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Hoa Kỳ vào Châu Á không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Điển hình nhất, vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinator đã đóng cửa chi nhánh Trung Quốc vào năm 2019, chỉ một năm sau khi chính thức triển khai hoạt động tại quốc gia này.
Nhưng vị Giám đốc Điều hành có vẻ tự tin về thành công ở Nhật Bản: “Tôi rất hy vọng một ngày nào đó chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu 100 khoản đầu tư mỗi năm”.