01:58 28/09/2008

Quỹ đầu tư: “Tre già măng mọc”

Từ nay đến cuối năm và xa hơn, quý 1/2009, khó có thể chờ đợi dòng vốn ngoại “bật dậy” để hỗ trợ VN-Index

Các nhà đầu tư Đài Loan trong một cuộc hội thảo về cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam được tổ chức ở Tp.HCM.
Các nhà đầu tư Đài Loan trong một cuộc hội thảo về cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam được tổ chức ở Tp.HCM.
Các tổ chức đầu tư nước ngoài có thâm niên trên thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa ngừng bán ra cổ phiếu, trong khi các quỹ ngoại quốc mới lại mua vào. Một sự “thay đổi thế hệ” trong khối đầu tư gián tiếp nước ngoài đang diễn ra.

Sự thay đổi ấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự biến động của VN-Index những tháng cuối năm?

Hết tiền

Hết tiền hoặc số tiền còn lại không đáng kể để đầu tư tiếp vào các cổ phiếu niêm yết, OTC, doanh nghiệp cổ phần (private equity) hoặc cổ phần hóa là một trong những nét đặc trưng của các quỹ đầu tư do Dragon Capital, VinaCapital, Indochina Capital quản lý hiện nay.

Những quỹ này đã giải ngân phần lớn số tiền mà họ huy động được trong hai năm 2006-2007. Ở thời điểm đó, sức ép giải ngân của các nhà đầu tư cổ đông là rất lớn và họ không thể không đáp ứng đòi hỏi này.

Theo bản báo cáo giữa kỳ, đến ngày 30/6/2008 Indochina Capital chỉ còn lại số tiền mặt 23,2 triệu Đô la Mỹ. Vietnam Opportunity Fund VOF, quỹ lớn nhất do VinaCapital điều hành, cũng chỉ còn lại số tiền mặt 20 triệu Đô la Mỹ tính đến ngày 31/8 (nguồn: Monthly Funds Update VOF ngày 31/8).

Các quỹ của Dragon Capital hầu như không còn tiền mặt. Dominic Scriven, một trong những người sáng lập Dragon Capital, cho biết một số quỹ đang tái cơ cấu danh mục, tất toán những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận và chuẩn bị huy động thêm vốn bên ngoài.

“Việc huy động thêm vốn ở thời điểm này tương đối khó khăn. Lạm phát của Việt Nam so với năm ngoái là cao, trong khi chỉ số P/E chung của thị trường niêm yết là 10-13, không thực sự hấp dẫn so với các nước khu vực. Những yếu tố này sẽ khó thuyết phục các nhà đầu tư bên ngoài bỏ thêm tiền”, ông Scriven nói.

Sự sụt giảm của VN-Index đã tác động mạnh đến giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ. Từ đầu năm đến nay NAV của VEIL, quỹ lớn nhất của Dragon Capital, giảm 40,56%, NAV của Vietnam Growth Fund giảm 39,82% (nguồn: DC, Weekly Funds Update ngày 11/9/2008), NAV của Vietnam Dragon Fund giảm 37,34% (nguồn: DC Monthly Fund  Update ngày 9/9). NAV của Indochina Capital giảm 45,9% trong sáu tháng đầu năm 2008 (nguồn: IC, Interim Report ngày 30-6).

Sau khi sụt giảm mạnh vào tháng 5/2008, NAV của các quỹ do VinaCapital quản lý đã tăng trở lại trong tháng 7 và 8/2008, nhưng mức tăng vẫn chưa bù đắp nổi sự trượt dốc của NAV trong suốt nửa đầu năm.

Tính đến hết tháng 8/2008, NAV của VOF giảm 32% so với đầu năm, NAV của Vietnam Infrastructure Fund (Quỹ hạ tầng Việt Nam) giảm 18,4%. Sở dĩ mức giảm của Quỹ hạ tầng Việt Nam thấp hơn cả là do những cổ phiếu mà quỹ nắm giữ  như PPC, ITA, dự án cầu Phú Mỹ, Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam (VASC)… đã ít nhiều giữ được giá so với sự giảm chung của VN-Index và của thị trường OTC.

Mới đây nhất VinaCapital tuyên bố bán ra 4 triệu cổ phiếu tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong tổng số hơn 14 triệu cổ phiếu của công ty này mà họ đang nắm giữ. HPG là chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất trong NAV của VOF và với giá giao dịch hiện tại, việc bán HPG vẫn mang lại lợi nhuận cho quỹ.

Có thể thấy các quỹ khá thận trọng khi tái cơ cấu danh mục đầu tư. Họ chỉ bán ra những cổ phiếu đã có lời, hoặc triển vọng mang lại lợi nhuận không còn cao như trước. Việc Dragon Capital bán ra cổ phiếu CAN hay TAC là một minh chứng.

Rõ ràng các quỹ ngoại quốc có tên tuổi ở Việt Nam đang “xoay xở” trong khả năng của họ nhằm cải thiện NAV. Việc được tiếp thêm nguồn vốn huy động từ bên ngoài để đầu tư thêm khi VN-Index đang ở mức thấp được xem là phương án khả thi đối với họ.

Song nguồn vốn này, xét trên nhiều phương diện, đang lưỡng lự trước ngưỡng cửa thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế đang có bão.

Thế hệ trẻ

Khi nguồn vốn cung ứng cho chứng khoán từ các quỹ thâm niên chững lại, vốn từ các tổ chức nước ngoài mới nổi lên. Họ là các quỹ đầu tư mạo hiểm của Citigroup, Deustche Bank, BNP, các quỹ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Một số các quỹ này giữ cổ phiếu trung hạn từ 6-12 tháng, số khác “lướt sóng” khi có điều kiện thuận lợi. Số tiền họ đổ vào hai sàn Hà Nội, Tp.HCM ở nhiều thời điểm, cân bằng với lượng cổ phiếu bán ra của những quỹ thâm niên. Tuy nhiên tính chung trong vòng ba tháng qua tổng giá trị cổ phiếu bán ra của nhà đầu tư nước ngoài có phần lấn lướt lượng mua vào.

Sẽ không đầy đủ nếu bỏ qua vai trò đầu tư chứng khoán của một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi đề cập đến sự thay đổi trong khối nhà đầu tư tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Trước đây, một số ngân hàng nước ngoài có danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết và họ phát hành chứng chỉ của danh mục đó cho các nhà đầu tư bên ngoài Việt Nam. Một số ngân hàng nhận đầu tư theo kiểu ủy thác cho nhà đầu tư bên ngoài và hưởng phí. Đây là nguồn vốn “nóng”, có thể vào và ra bất cứ lúc nào phụ thuộc vào lợi nhuận kiếm được.

Năm ngoái khi đồng Đô la Mỹ mất giá so với các ngoại tệ mạnh khác, tỷ giá Đô la Mỹ/Đồng Việt Nam ổn định và chứng khoán còn giữ được nhịp tăng trưởng cao, dòng vốn “nóng” có lúc vào nhiều. Bây giờ sự vào - ra của dòng vốn này trở nên phức tạp. Nếu VN-Index thiếu sức hút, luồng vốn này sẽ ra nhiều hơn vào. Và như vậy, một phần sức cầu của khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm đi (cho dù chúng ta không muốn nguồn vốn “nóng” đi chăng nữa).

Từ nay đến cuối năm và xa hơn, quý 1/2009, khó có thể chờ đợi dòng vốn ngoại “bật dậy” để hỗ trợ VN-Index. Các quỹ lâu năm không còn nhiều tiền, việc huy động thêm vốn của họ có thể không dễ dàng. Các quỹ mới và trẻ sẽ cân nhắc lượng tiền giải ngân tỷ lệ thuận với mức lợi nhuận tìm được. Vốn ủy thác qua kênh ngân hàng nước ngoài có khả năng hạn chế.

Do đó, biến động của VN-Index sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nội lực nhà đầu tư trong nước.

Hải Lý (TBKTSG)