07:08 01/10/2007

Quy hoạch ngành thép: Nhiều ý kiến trái chiều

Nguyễn Hoài - Đức Phan

Một số bộ ngành bất đồng với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) xung quanh vấn đề quy hoạch cho ngành thép

Chỉ trong vòng mấy tháng đầu 2007 đã có tới 5 dự án liên hợp được cấp phép và ký kết liên doanh và nếu tính tổng cộng các dự án đã được cấp chứng nhận và đang làm luận chứng phải lên tới 8 dự án.
Chỉ trong vòng mấy tháng đầu 2007 đã có tới 5 dự án liên hợp được cấp phép và ký kết liên doanh và nếu tính tổng cộng các dự án đã được cấp chứng nhận và đang làm luận chứng phải lên tới 8 dự án.
Chỉ trong thời gian ngắn, có tới 8 dự án liên hợp thép liên doanh với nước ngoài được cấp chứng nhận hoặc đang làm luận chứng đầu tư.

Nguyên nhân là do môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO và GDP tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ thép trong 2007 tăng 20% so với 2006, tương đương 8,5 triệu tấn/năm, bình quân 100 kg thép/nười vốn được các nước gọi là mức “cất cánh” trong xây dựng để trở thành quốc gia công nghiệp, là cơ sở để các tập đoàn thép trên thế giới quan tâm đầu tư.

Trước thực tế này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã lên tiếng phản đối bởi lẽ dự báo nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam đến 2020 chỉ tương đương 18 triệu tấn/năm, trong khi với hàng loạt liên hợp thép ra đời, sẽ đẩy con số trên gấp tới 3 - 4 lần. Điều đó không chỉ phá vỡ quy hoạch, mất cân đối cung - cầu thị trường, cạn kiệt tài nguyên mà còn để lại hậu quả tồi tệ cho môi trường.

Tuy nhiên, một số bộ ngành lại bất đồng với VSA với lý do quy hoạch phải theo hướng mở, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của phần lớn dự án không liên quan đến thị trường Việt Nam. Mặt khác, chủ dự án đã lường hết mọi rủi ro trước khi rót vốn, do đó không nên “lo lắng quá mức” và đặt vấn đề ngăn trở đầu tư của các dự án này...

"Đừng quên bài học Eminence!"

(Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam)

“Chỉ trong vòng mấy tháng đầu 2007 đã có tới 5 dự án liên hợp được cấp phép và ký kết liên doanh và nếu tính tổng cộng các dự án đã được cấp chứng nhận và đang làm luận chứng phải lên tới 8 dự án. Thậm chí, một doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 2 tháng ký với hai đối tác làm 2 liên hợp cỡ 5 - 10 triệu tấn.

Tên các dự án như sau: liên hợp thép Tycoons (Dung Quất) tổng đầu tư 1,056 tỷ USD, công suất 4,5 triệu tấn/năm; dự án Liên doanh Posco - Vinashin (Khánh Hoà), tổng đầu tư ước 4 tỷ USD, công suất 4 - 5 triệu tấn/năm; dự án TATA - Việt NamSteel (Vũng Áng, Hà Tĩnh), tổng đầu tư 3,35 tỷ USD, công suất: 4 - 5 triệu tấn/năm; dự án liên doanh Lion Group (Maylaysia) - Vinashin (Ninh Thuận), tổng đầu tư 7,3 tỷ USD; công suất 8 triệu tấn/năm. Một dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng là của Công ty FRRO China (Trung Quốc), tổng đầu tư 5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm.

Ngoài 5 dự án này, còn có 3 dự án khác. Đó là Nhà máy thép không gỉ của tập đoàn Samoa Qian Ding Group (Đài Loan) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng đầu tư 700 triệu USD, công suất; 0,72 triệu tấn/năm, được cấp phép tháng 11/2005 nhưng tới nay vẫn im ắng. Dự án thép cuộn cán nguội, nóng của Posco (Bà Rịa - Vũng Tàu), tổng đầu tư 1,1 tỷ USD, công suất 4,2 triệu tấn cán nguội/nóng và 0,4 triệu tấn mạ kẽm/năm. Dự án liên doanh Essar Steel - Việt Nam Steel - Geruco, công suất 2 triệu tấn cuộn cán nóng, tổng đầu tư giai đoạn 1 là 527 triệu USD.

Trong những dự án này, có khá nhiều dự án không nằm trong quy hoạch ngành thép mà Thủ tướng vừa phê duyệt. Điều đáng băn khoăn là trong khi các nước Đông Nam Á tiềm lực kinh tế hơn hẳn Việt Nam nhưng tới nay chưa một nước nào có liên hợp thép, vậy mà chỉ một thời gian ngắn, đã có tới 8 liên hợp thép! Đây là điều hoàn toàn không bình thường.

Qua phân tích thực tế, VSA thấy việc lựa chọn những đối tác làm liên hợp không đủ tầm cỡ. Thí dụ, chọn Tycoon là nhà sản xuất thép cuộn trong khi công ty này không nhiều kinh nghiệm sản xuất thép dẹt mà chỉ mới có nhà máy cán nóng và cán nguội sản xuất năm 2006.

Tiếp theo là nhà đầu tư 10 triệu tấn thép cao cấp của Công ty FRRO China, cũng không có trong danh mục các nhà sản xuất thép của Trung Quốc và con số 10 triệu tấn thép cao cấp/năm là không tưởng với thị trường Việt Nam và khu vực (hiện nay Việt Nam mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 20 vạn tấn thép chất lượng).

Nhà đầu tư Samoa Qian Ding Group (Đài Loan) của dự án thép không gỉ cũng là một công ty không có tiềm năng bởi vì tiền làm luận chứng thực tế vẫn còn chưa trả được, liệu bao giờ có vốn để đầu tư 700 triệu USD cho nhà máy? Ngay cả với công suất 72 vạn tấn thép không gỉ cũng không dễ tiêu thụ vì ở khu vực Đông Á, đã có nhiều nước có sản lượng thép không gỉ rất lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Chưa kể, vấn đề lựa chọn thiết bị công nghệ cũng nhiều chuyện đáng bàn. Đa phần những dự án này đều chia bước đầu tư và bước 1, họ lựa chọn thiết bị Trung Quốc, quy mô nhỏ đã bị Trung Quốc cấm lưu hành. Điều này rất nguy hiểm vì nếu bước 2 không triển khai tiếp thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ.

Vốn đầu tư của các dự án này cũng khó tin, khi mà các nhà máy ở Hàn Quốc đầu tư liên hợp 7 triệu tấn/năm thì vốn phải là 5,58 tỷ USD; liên hợp Dragon Steel (Đài Loan) công suất 2,268 triệu tấn/năm cũng lên tới 3,33 tỷ USD. Hay như nhà máy Ningbo Iron and Steel (Trung Quốc) đầu tư liên hợp cuộn cán nóng, nguội công suất 4 triệu tấn/năm cũng ngốn 2,18 tỷ USD...Vậy mà dự án liên hợp Dung Quất của Tycoons sản xuất 5 triệu tấn/năm chỉ vỏn vẹn 1,056 tỷ USD. Thật khó giải thích ngay cả khi nhập thiết bị của Trung Quốc.

Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương quyền cấp giấy phép đầu tư, điều đó có mặt ưu điểm là rút ngắn thời gian cấp phép nhưng cũng phải gắn liền với quản lý thống nhất về qui hoạch của Chính phủ, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng cấp phép đầu tư ồ ạt, chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng dự án, phá vỡ cân đối tổng thể về cung cấp năng lượng nguyên liệu và thị trường. Hậu quả sẽ rất nặng nề, lâu dài và người dân Việt Nam phải gánh chịu.

Bài học của Hà Tĩnh và Thanh Hóa mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để làm việc với công ty Eminence cho dự án thép 30 tỷ USD đã chứng minh điều đó và chỉ để lại chuyện gây cười cho cả nước”.

"Không ai bỏ tiền ra để mang lại thất bại!"

(Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Tôi chưa được biết cụ thể ý kiến phản hồi của Hiệp hội Thép về các dự án liên hợp mới chuẩn bị đầu tư nhưng tôi nghĩ khi cấp chứng nhận đầu tư, cơ quan thẩm quyền phải dựa vào Quy hoạch ngành thép đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 4/9/2007.

Trong đó, đặc biệt là vấn đề hạn chế, giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất luyện kim mới đầu tư xây dựng phải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến và được trang bị các thiết bị xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường. Không cấp phép đầu tư cho dự án luyện kim chưa có hoặc không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

Tiến tới loại bỏ dần việc sử dụng các công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao dưới 200m3 (ngoài các lò cao chuyên dùng sản xuất gang đúc cơ khí), lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ (không kể lò đúc chi tiết cơ khí), dây chuyền cán thép công suất dưới 100 tấn/ca (không kể cán thép không gỉ và thép chất lượng cao) và các loại máy móc, thiết bị phụ trợ lạc hậu khác.

Những nhà máy sản xuất gang, phôi thép, thép cán khởi công xây dựng từ ngày 1/1/2011 trở đi ngoài việc phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao và suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp, còn phải thoả mãn điều kiện như sau: lò cao (BF) có dung tích hữu ích không nhỏ hơn 700 m3; lò điện (EAF) có công suất tối thiểu là 70 tấn/mẻ; lò thổi ôxy (BOF) có công suất tối thiểu là 120 tấn/mẻ; dây chuyền cán thép có công suất từ 500.000 tấn/năm trở lên.

Phải kiểm soát chặt chẽ an toàn hoá chất, khí thải, đặc biệt là những hoá chất có mức độ độc hại ở các cơ sở sản xuất sản phẩm thép dẹt cán nguội, mạ tráng kim loại, sơn phủ màng hữu cơ, các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất cốc, thiêu kết và hoàn nguyên quặng sắt.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính, thị trường, có chuyên môn trong ngành thép như bất kỳ các nhà đầu tư trong các ngành khác.

Theo phân cấp hiện nay, việc cấp chứng nhận đầu tư được giao về địa phương, các bộ chuyên ngành chỉ đóng góp ý kiến. Trong trường hợp dự án gặp những quan điểm trái ngược giữa các bộ ngành với nhau hoặc giữa địa phương và bộ ngành thì địa phương phải yêu cầu nhà đầu tư chỉnh sửa và trình Thủ tướng quyết định.

Tính đến thời điểm hiện tại, những dự án liên hợp vừa được chấp thuận đầu tư thì không có gì vướng mắc như nêu trên. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải cân nhắc kỹ nhiều yếu tố và đặc biệt, phải yêu cầu chủ dự án có đánh giá tác động môi trường.

Việc lo ngại dư thừa công suất thì Bộ Công Thương với chức năng quản lý chuyên ngành đã có số liệu cung - cầu thị trường và tính toán rất kỹ trong quy hoạch. Hơn nữa, trong bối cảnh bùng nổ đầu tư như hiện nay, quy hoạch cũng phải theo xu hướng mở để không làm bó hẹp đầu tư.

Mặt khác, không một nhà đầu tư nào mong muốn thất bại khi bỏ tiền ra và vì thế, họ phải tham chiếu rất nhiều yếu tố để dự án không bị thất bại”.

"Nên thay đổi tư duy trong đầu tư"

(Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương)

“Đánh giá về tình hình đầu tư liên hợp thép gần đây, tôi có ý kiến như sau: Thứ nhất, đầu tư ngành thép đã có sự sôi động với các dự án lớn, sau thời gian dài chỉ đầu tư manh mún nhỏ lẻ.

Đầu tiên, phải kể đến dự án liên hợp thép Thạch Khê (Hà Tĩnh), được chuẩn bị gần chục năm trước đây và Chính phủ đã giao cho Tổng công ty Thép phối hợp với Tập đoàn Tata đầu tư, đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, nếu thuận lợi sẽ khởi công vào đầu 2008.

Dự án lớn thứ hai là thép Posco, công suất 2 triệu tấn thép cán tấm nóng và cán tấm nguội, đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án thứ ba liên doanh giữa tập đoàn Essar Steel (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép Việt Nam, công suất 2 triệu tấn cán nóng và tấm cán nguội. Ba dự án này hoàn toàn nằm trong quy hoạch ngành thép đã được Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, còn có dự án liên hợp do Tập đoàn Tycoons Worldwide Group (Đài Loan) đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất trước đây đã được Chính phủ đồng ý cấp chứng nhận đầu tư nên không thể nói họ làm không đúng. Đối với dự án này, mặc dù các bộ khác ủng hộ nhưng riêng Bộ Công Thương nhấn mạnh năng lực tài chính của nhà đầu tư này yếu và phải xem xét kỹ yếu tố công nghệ trước khi cấp chứng nhận đầu tư. Điều này được hiểu là đồng ý nhưng nếu trong quá trình đầu tư không bảo đảm thì có thể từ chối hoặc thu giấy phép.

Tiếp theo, Hiệp hội Thép có nhắc đến dự án thép không gỉ nhưng dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ đồng ý. Tại thời điểm đó, Bộ Công nghiệp (cũ) đã lưu ý về doanh nghiệp này không đủ khả năng, hơn nữa tiêu thụ thép không rỉ của Việt Nam chưa đến 700 nghìn tấn/năm nên không nên chấp thuận.

Gần đây, Hiệp hội Thép cũng không tán thành một số dự án thép mới của Vinashin nhưng đó mới chỉ là đề xuất của Vinashin, chưa có ý kiến của Bộ Công Thương và Chính phủ. Hơn nữa, quy hoạch ngành thép vừa phê duyệt nên chủ đầu tư những dự án không nằm trong quy hoạch phải làm việc với cơ quan chức năng để xin ý kiến Thủ tướng, trong trường hợp dự án vượt thẩm quyền cấp chứng nhận của địa phương.

Thứ hai, có ý kiến nghi ngại rằng chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều dự án liên hợp ra đời đã phá vỡ quy hoạch ngành thép và có thể gây nên dư thừa trên thị trường nội địa nhưng tôi cho rằng, nghi ngại này hoàn toàn không có cơ sở. Bởi vì, trong cơ chế hội nhập chúng ta không thể quy hoạch theo kiểu tư duy cũ “cung đi đến đâu thì cầu phải theo đến đó” và ngược lại.

Tôi không hoàn toàn nhất trí với một số ý kiến cho rằng đầu tư quá nhiều thì sẽ thừa. Đầu tư bây giờ là tận dụng sức lao động, mặt bằng sản xuất rẻ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp cho xuất khẩu, chứ không chỉ để tiêu thụ trong nước. Bản thân nhà đầu tư đã xác định điều này trước khi xin đầu tư.

Còn nếu theo tư duy này thì những dự án của Intel, Canon ở Bắc Ninh chẳng nên đầu tư làm gì. Phải hiểu là việc đầu tư mới sẽ mang lại bộ mặt mới cho nền công nghiệp với hàm lượng giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Thứ ba, trong số các dự án liên hợp nêu trên thì chỉ có dự án TATA (liên hợp Hà Tĩnh) và dự án thép Lào Cai là sử dụng nguyên liệu trong nước, còn những dự án khác, toàn bộ nguyên vật liệu phải nhập khẩu và sản phẩm sau sản xuất cũng chủ yếu để xuất khẩu.

Tuy nhiên, có hai điều phải lưu ý với các dự án này, đó là chất lượng, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cùng với việc không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hai vấn đề này thuộc thẩm quyền địa phương và họ phải xem xét kỹ. Tôi ví dụ như dự án sản xuất phân đạm từ than nhưng vì công nghệ cũ, ô nhiễm nên địa phương không chấp nhận và nhà đầu tư phải từ bỏ ý định.

Vì thế, tôi có khuyến cáo đối với các doanh nghiệp và địa phương, phải hết sức tỉnh táo, xem xét kỹ về yếu tố công nghệ và thân thiện với môi trường”.

"Đầu tư bắt buộc phải tính tới môi trường"

(Ông Nguyễn Văn Tài, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường)

“Những năm gần đây, Việt Nam đã nhắc nhiều tới vấn đề chất lượng phát triển thay vì số lượng, bởi chất lượng phát triển mới là thước đo chính xác nhất của tiến trình phát triển.

Việc đầu tư phát triển lĩnh vực, dự án nào đó đều cần phải làm phép tính về hiệu quả kinh tế và hậu quả về môi trường. Suy cho cùng, đó cũng là bài toán về hạch toán hiệu quả kinh tế sau khi trừ đi các hậu quả để lại đối với môi trường. Nếu có lợi thì nên thu hút đầu tư triển khai dự án còn ngược lại thì nên cân nhắc.

Như vậy, bảo vệ môi trường giúp bài toán phát triển có đáp số về chất lượng. Mục tiêu chính của công tác bảo vệ môi trường là không để xuất hiện tiếp nguồn tác động xấu đến môi trường và dần giải quyết, loại bỏ các nguồn đang gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đây là 2 vấn đề đang nóng và bức xúc ở Việt Nam.

Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định một số công cụ, biện pháp mới, giúp chúng ta hy vọng có thể cải thiện được tình trạng trên trong những năm tới. Việc quy định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trình cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thẩm định trước khi phê duyệt là bước sàng lọc ở tầm vĩ mô để loại bỏ, hạn chế phát triển các lĩnh vực hiệu quả kinh tế thấp nhưng để lại hậu quả lớn về môi trường.

Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư nhằm dự báo các tác động đến môi trường, xem xét địa điểm đặt dự án, công nghệ sản xuất, các biện pháp bảo vệ môi trường, v.v... là bước sàng lọc ở cấp dự án để loại bỏ, hoặc hạn chế các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tổ chức thực hiện tốt hai công cụ trên đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi các dự án đi vào hoạt động sẽ phòng ngừa, ngăn chặn được các nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc lập danh mục và áp dụng các biện pháp xử lý triệt để thông qua yêu cầu thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất, di dời địa điểm hoặc đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giúp chúng ta dần dần loại bỏ được các đối tượng nguy hiểm này.

Ngăn ngừa, hạn chế được việc phát sinh mới và giảm được các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tồn tại có nghĩa là chúng ta đã tìm ra được đáp án chính của bài toán môi trường. Theo cách đó, hy vọng số liệu về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra do các tổ chức quốc tế công bố trong khu vực và trên thế giới”.

"Cần gắn liên hợp thép với cảng biển"

(Ông Nguyễn Ngọc Huệ, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam)

“Cảng biển là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong chu trình hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng và hoạt động kinh tế của vùng hấp dẫn nói chung. Sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế trong thời điểm hiện nay phụ thuộc nhiều vào chi phí vận tải.

Nhập nguyên liệu thô và xuất sản phẩm bằng các tàu biển lớn sẽ giảm đáng kể chi phí vận tải và dẫn đến tăng hiệu quả đầu tư. Lâu nay, hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn chỉ là cảng tổng hợp và chưa có cảng chuyên dùng cho các nhà máy thép.

Tôi nghĩ, khi triển khai dự án thép nếu có nhu cầu về cảng biển trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu hay xuất khẩu sản phẩm thì ngành thép phải có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải để Bộ nghiên cứu vị trí xây dựng cảng, tạo thuận lợi cho dự án.

Thông thường, để nhập khẩu quặng thì phải cần tàu rất lớn, ít nhất công suất vận tải phải 50 - 60 nghìn tấn thì mới có hiệu quả kinh tế. Muốn tàu lớn vào cảng thì đòi hỏi mớn nước phải sâu, không phải nạo vét, không gặp sa bồi và ở vịnh kín. Còn nếu tàu chỉ chở một vài vạn tấn trở lại thì giá thành sản phẩm không cạnh tranh.

Hiện tại, ngoài cảng Vũng Áng phục vụ cho việc khai thác quặng sắt Thạch Khê và dự án liên hợp TATA - Tổng công ty Thép còn có cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Hải Hà (Quảng Ninh) có thể phục vụ tốt cho sản xuất thép. Nhưng nếu có nhu cầu bao nhiêu cảng, công suất cảng cụ thể như thế nào thì ngành thép phải có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải. Cục Hàng hải sẵn sàng phối hợp xây dựng cảng cho phù hợp với hệ thống công nghiệp, phù hợp với quy hoạch các nhà máy thép.

Vấn đề ở đây, ngành thép phải có quy hoạch rõ rệt và gắn với quy hoạch cảng biển. Vừa qua, chúng tôi đã rà soát hệ thống cảng biển và nhận thấy sự phối hợp trong quy hoạch giữa các bộ ngành chưa tốt. Khi phối hợp tốt thì cơ quan quản lý cảng biển sẽ bố trí khoa học các cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng cho thép, xi măng, dầu mỏ. Khi bố trí cảng khoa học, phân định chức năng rõ ràng thì hiệu quả kinh tế rất lớn.

Chẳng hạn, nơi cần tàu lớn thì bố trí cảng nước sâu nhưng đằng sau cảng nước sâu, phải gắn với hậu phương cảng là các nhà máy, đường giao thông nối khu công nghiệp hoặc nguồn cung cấp nguyên vật liệu với nhà máy”.