10:48 18/09/2007

Quyết liệt cuộc chiến giành nhân lực

Nguyễn Hoài

Nhân lực thiếu nhưng việc sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp lại hết sức lãng phí

Công tác đào tạo hiện nay vẫn chưa gắn với nhu cầu.
Công tác đào tạo hiện nay vẫn chưa gắn với nhu cầu.
Tại buổi toạ đàm “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện hàng loạt hiệp hội ngành hàng đã bộc bạch những bức xúc trước tình trạng đào tạo và sử dụng nhân lực hết sức thiếu bền vững.

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI cho biết, số lao động được tuyển mới từ đầu năm đến cuối năm của ngành dệt may là: 228.879 người; ôtô: 8.484 người; điện tử: 7.804 người; ngân hàng: 4.151 người; vận tải biển: 2.713 người; viễn thông: 1.843 người và bảo hiểm: 1.363 người.

Thiếu người thì... “câu”!

Nhu cầu của các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, điện tử và đặc biệt là nhân lực cao cấp cho ngành ngân hàng, bảo hiểm thiếu hụt gay gắt.

Thiếu thì giành lẫn nhau. Một giám đốc phân trần: doanh nghiệp của ông bỏ chi phí đào tạo được hơn 100 công nhân chuẩn bị cho dây chuyền mới nhưng vừa vận hành được 2 tháng, đã có 20 lao động bỏ sang nhà máy khác, do nơi này trả lương cao hơn.

Mới đây, Vietcombank bị “câu” đứt cả chục người, phải mở một đợt tuyển ồ ạt. Ông Trương Đình Song, Phó ban Pháp luật Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Các Ngân hàng hiện đang thiếu trầm trọng nhân lực quản trị điều hành. Một số người đang công tác trong các Ngân hàng lớn được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã bị các tổ chức tài chính, Ngân hàng nước ngoài “câu” hết vì họ trả lương cao hơn”.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói: ngành này hiện có khoảng 13.000 người nhưng chỉ 1.000 người được đào tạo cơ bản trong các trường đại học, phần lớn là đào tạo chắp vá, bổ túc ngắn ngày. Đến 2010, sẽ thành lập mới 15 doanh nghiệp bảo hiểm và đi kèm là hệ thống mạng lưới chi nhánh trên khắp 65 tỉnh thành nên nhu cầu nhân lực sẽ còn lớn.

Đào tạo và sử dụng thiếu bền vững

Bà Nguyễn Kim Toàn, Vụ trưởng Vụ Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ cho biết: “Việc đào tạo chưa gắn với dự báo và nhu cầu. Trong các trường phổ thông, chưa hướng nghiệp để học sinh chọn nghề nên mặc dù đã vào lớp 12 nhưng vẫn chưa biết thi trường nào và phổ biến thi theo phong trào”.

Điều này là thực tế vì nếu hỏi đại diện các ngành dệt may, ngân hàng, bảo hiểm hay một viện nghiên cứu nhân lực nào đó về nhu cầu nhân lực của ngành mình thì rất khó có câu trả lời.

Vì thế, đào tạo và sử dụng cứ đi theo cách của mình. Bà Toàn cho rằng: khi có quyết định thành lập và triển khai dự án, dứt khoát phải nghĩ ngay đến nhân lực và phải làm rõ nhu cầu bao nhiêu đại học, trung cấp theo từng chuyên ngành cụ thể để đặt hàng với các trung tâm đạo tạo.

Nhân lực thiếu nhưng việc sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp lại hết sức lãng phí. Doanh nghiệp nào cũng đề cao tuyển dụng đại học trong khi có những bộ phận không cần thiết đến trình độ đại học.

Cũng vì “xài sang” nên đáng lẽ, một bộ phận lớn sinh viên trung cấp, cao đẳng kế toán sau khi ra trường có thể tìm công việc ở các doanh nghiệp quy mô trung bình và số sinh viên kế toán đại học có thể về các doanh nghiệp kiểm toán, công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng là những nơi đòi hỏi trình độ cao hơn thì ở đây, đang diễn ra tình trạng ngược lại.

Làm sao để tránh chắp vá?

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, ông Hoàng Minh Khang cho biết, Công ty May 10 phải dịch chuyển nhà máy về vùng nông thôn để “gần hơn” với nguồn lao động.

Đối với ngành Ngân hàng, ông Trương Đình Song cho biết, nhân lực của ngành này hiện vẫn đào tạo theo kiểu “nhiều trong một” mà chưa có chuyên sâu. Mới đây, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) của WB đã đào tạo được 700 - 800 nhân lực quản trị cho các ngân hàng thương mại nhưng chưa thấm tháp so với nhu cầu.

Giải quyết vấn đề này, một mặt trông chờ vào các lò có chuyên ngành ngân hàng, mặt khác, Hiệp hội Ngân hàng sẽ liên kết với trung tâm đào tạo của 8 ngân hàng cổ phần để tổ chức đào tạo đội ngũ quản lý theo đúng tiêu chuẩn. Theo hướng này, các học viên sau khóa học sẽ được cấp các chứng chỉ chuyên sâu vào từng mảng nghiệp vụ cụ thể như thanh toán quốc tế, quản lý, tín dụng...

Còn ông Phùng Đắc Lộc cũng cho biết, để giảm áp lực nhân lực trong ngành bảo hiểm hiện nay, một trung tâm đào tạo của Hiệp hội Bảo hiểm đã đào tạo thí điểm được khoảng 3 lớp nghiệp vụ phi nhân thọ và nhân thọ, mỗi lớp khoảng 30 - 40 người.

Hiện tại, Hiệp hội đang mở tiếp 3 lớp nghiệp vụ quản lý. Theo ông Lộc, cuối 2007, phải gấp rút khánh thành Viện bảo hiểm mà theo ước tính mỗi năm, viện này sẽ cho tốt nghiệp khoảng 4.000 lượt người để tăng cung nhân lực cho thị trường.