09:59 07/08/2009

Quyết liệt xử lý cơ sở gây ô nhiễm

Phan Anh

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị từ nay đến năm 2015 sẽ di dời 422 cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm

Môi trường Hà Nội đang bị ô nhiễm bởi nhiều doanh nghiệp, bệnh viện.
Môi trường Hà Nội đang bị ô nhiễm bởi nhiều doanh nghiệp, bệnh viện.
 Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa có đánh giá tình hình, tiến độ và thực trạng triển khai xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo QĐ 64 của Thủ tướng Chính phủ) của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và Tp.HCM; tiến độ triển khai công việc bảo vệ lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy và sông Đồng Nai.

Theo đó, trong giai đoạn này trên địa bàn Hà Nội có 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện các biện pháp xử lý. Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy, hiện nay Hà Nội mới hoàn thành xử lý 17 cơ sở, 1 cơ sở tạm ngừng hoạt động từ năm 2007. Còn 7 cơ sở đang tiếp tục triển khai và theo dự kiến sẽ hoàn thành xử lý triệt để vào cuối năm 2009 như: bãi rác Kiêu Kỵ, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa...

Doanh nghiệp gặp khó trong triển khai

Trước thực trạng tình hình triển khai thực hiện QĐ 64 của cả nước nói chung và Hà Nội, Tp.HCM nói riêng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc triển khai xử lý các cơ sở ô nhiễm là rất chậm. Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra từ thực tế quá trình triển khai thực hiện của các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm. Ngoài nguyên nhân khách quan do vướng mắc về thủ tục liên quan đến giao đất, thuê đất, dự án đầu tư mới, cơ chế hỗ trợ đền bù đối với vị trí đất cũ, còn do nhiều nguyên nhân chủ quan thuộc về các cấp chính quyền và các bộ, ngành.

Một trong những đơn vị nằm trong danh sách “đen” về môi trường cần xử lý, bãi rác Kiêu Kỵ (quận Long Biên) phải hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước rác vào năm 2006. Tuy nhiên, năm 2007 bãi rác mới đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác hữu cơ và chính thức hoạt động đầu năm 2009; đến nay, việc thẩm định dự án vẫn chưa thực hiện xong.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa lẽ ra phải xây dựng xong trạm xử lý nước thải vào năm 2006. Nhưng năm 2005, Sở Y tế Hà Nội mới có kế hoạch xây dựng, năm 2009 hai dự án này mới được phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật và phê duyệt Kế hoạch đấu thầu, hiện vẫn chưa tổ chức triển khai.

Nằm trong diện phải di dời, năm 2005, Công ty Cổ phần cồn và rượu Hà Nội đã lập dự án đầu tư dời về Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Đến năm 2007, dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thực hiện được 65%.

Báo cáo với UBND Tp. Hà Nội về chậm tiến độ thực hiện, Giám đốc Công ty cho rằng, một phần do trong giai đoạn trước, Công ty đã có hướng xử lý, bố trí lại sản xuất để khắc phục ô nhiễm. Khi triển khai di dời cơ sở lại gặp khó khăn do yêu cầu diện tích đất lớn phù hợp với yêu cầu phát triển ngành, với vùng nguyên liệu, thị trường, nguồn nước.

Gỡ rối cho doanh nghiệp

Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp ngày 10/6/2009 đối với việc thực hiện QĐ 64, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế làm việc với Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường chất thải y tế; thống nhất giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng Đề án tổng thể xử lý chất thải rắn và nước thải cho các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc khu vực công, do Nhà nước quản lý, từ Trung ương đến cấp huyện. Đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở thuộc QĐ 64 (theo kế hoạch năm 2009 sẽ kiểm tra 93 cơ sở).

Tổng cục làm việc với Bộ Tài chính để xây dựng các cơ sở tài chính đặc thù cho việc xử lý ô nhiễm môi trường của khu vực nội đô, khu vực tập trung đông dân cư và cơ chế tài chính cho việc xử lý chất thải rắn. Đồng thời làm việc với Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội về việc không cấp phép đầu tư đối với 17 ngành nghề nhạy cảm về môi trường trên địa bàn. Hiện nay, Tổng cục đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Trong buổi làm việc cùng các doanh nghiệp, gỡ rối vướng mắc khó khăn, Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội khẳng định, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi thành phố là một giải pháp quan trọng.  Hiện nay Hà Nội đang cho thí điểm một số tiến bộ khoa học kỹ thuật xử lý nước, sắp tới là xử lý rác để đáp ứng được yêu cầu. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu trong quá trình di dời, các đơn vị cần chủ động để làm việc với các ngành giải quyết những khó khăn. Thành phố sẽ tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp.

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Trong đó lưu ý việc tiến hành rà soát các văn bản chính sách, lấy ý kiến các địa phương về các vướng mắc thực tế, cùng Bộ Tài chính tháo gỡ khai thông nguồn tài chính. Tháng 8/2009, phối hợp làm việc với Tp.HCM rút những bài học kinh nghiệm thực tế, phổ biến cho các địa phương khác áp dụng.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị từ nay đến năm 2015 sẽ di dời toàn bộ 422 cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi thành phố bằng cách lựa chọn 1 trong 3 hình thức di dời hoặc trả lại đất và di dời đến khu công nghiệp, khu chế xuất.