14:47 12/03/2007

Ráo riết “săn” cổ phiếu bia

Hoàng Lộc

Suốt từ đầu năm mới đến nay, giá cổ phiếu bia lên cơn sốt do rất đông nhà đầu tư săn tìm mua

Năm 2006 và đầu năm 2007 được giới kinh doanh bia đánh giá là năm “đổ bộ” của các hãng bia lớn trên thế giới vào Việt Nam - Minh họa: Đức Lai.
Năm 2006 và đầu năm 2007 được giới kinh doanh bia đánh giá là năm “đổ bộ” của các hãng bia lớn trên thế giới vào Việt Nam - Minh họa: Đức Lai.
Suốt từ đầu năm mới đến nay, giá cổ phiếu bia lên cơn sốt do rất đông nhà đầu tư săn tìm mua, kể cả quyền mua cổ phiếu ưu đãi trong tương lai của cán bộ công nhân viên với giá rất cao.

Họ không cần xem xét thị trường bia Việt Nam sẽ phát triển ra sao và cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt đến mức nào.

Ngày 9/3, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây trên thị trường OTC được chào bán với giá 125.000 đồng/cổ phiếu, gấp 12,5 lần so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Cách đây gần 1 năm giá cổ phiếu của công ty này chỉ mới ở mức 32.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó liên tục tăng và lên cơn sốt trong 2 tháng qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định danh sách những tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng bắt buộc phải cổ phần hóa trong năm 2007, trong đó có Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn miền Tây hiện đang sở hữu các nhà máy bia do Sabeco đầu tư xây dựng trước đây tại khu vực ĐBSCL như nhà máy Sài Gòn-Cần Thơ, Sài Gòn-Sóc Trăng... với công suất mỗi nhà máy 25-50 triệu lít/năm, chủ yếu sản xuất các loại bia với nhãn hiệu của Sabeco cung cấp cho thị trường miền Tây.

Ngoài cổ phiếu của Công ty Bia Sài Gòn miền Tây, sau Tết Đinh Hợi, nhiều nhà đầu tư ở Tp.HCM còn săn tìm quyền mua cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên đang làm việc trong các công ty thuộc Sabeco, mặc dù phương án cổ phần hóa Sabeco hiện chưa được duyệt. Trên thị trường mua bán giấy tay quyền mua cổ phần ưu đãi của Sabeco, người ta gọi nôm na là mua bán “thâm niên công tác” của cán bộ công nhân viên Sabeco.

Một số nhà môi giới cổ phiếu “bật mí” cho biết, những người có thâm niên công tác ở Sabeco trên 10 năm đang chào giá bán 80-90.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) nhưng chỉ có một tờ giấy mua bán viết tay, trên đó có cam kết của một cán bộ công nhân viên thuộc Sabeco là sẽ chuyển quyền mua cổ phiếu ưu đãi ngay sau khi Sabeco thực hiện bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên và một tờ giấy xác nhận thâm niên công tác tại Sabeco của vị cán bộ này.

Ngày 9/3, một số người môi giới còn chào bán “cổ phiếu công đoàn” của Sabeco với giá rất cao là 100.000 đồng/cổ phiếu. Họ nói rằng Thủ tướng Chính phủ đã cho phép công đoàn trong các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được sở hữu 5% vốn điều lệ để công đoàn tham gia vào hội đồng quản trị công ty cổ phần, đây sẽ là nguồn cổ phiếu khá lớn dễ dàng mua đi bán lại, kiếm lời.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước những lời chào bán rất “ngon ngọt” này bởi vì hiện chưa hề có cổ phiếu của Sabeco, ngay cả danh sách cán bộ công nhân viên sẽ được mua cổ phiếu cũng chưa có nên việc mua bán này rủi ro cực lớn, rất dễ xảy ra chuyện “tiền đã trao mà hơn năm trời cháo chưa múc”.

Chưa hết, nhiều nhà đầu tư ở Tp.HCM còn săn tìm mua cổ phiếu của 8 công ty thương mại cổ phần bia Sabeco ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tp.HCM. Những công ty cổ phần này do Sabeco thành lập và góp vốn 60%, 40% vốn điều lệ còn lại do những nhà phân phối địa phương góp.

Những công ty thương mại cổ phần của Sabeco ở các tỉnh trên cả nước hoạt động khá hiệu quả, chủ yếu do gắn kết quyền lợi của cổ đông là các nhà phân phối ở ngay địa bàn tiêu thụ, họ là lực lượng nòng cốt trong việc phát triển thị trường, mở rộng mạng lưới bán lẻ, bảo vệ thị phần Bia Sài Gòn ở từng khu vực thị trường, gắn kết việc kinh doanh bia Sài Gòn với hệ thống các nhà hàng, khách sạn, lễ hội, du lịch... tại địa phương.

Về thị trường bia hiện nay, Sabeco đang là hãng bia số 1 Việt Nam, từ sản lượng, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, hệ thống phân phối và uy tín thương hiệu. Hiện Sabeco đang xây dựng Nhà máy Bia Củ Chi, công suất 200 triệu lít/năm, Quảng Ngãi 200 triệu lít, Cần Thơ 50 triệu lít, Nghệ An 50 triệu lít/năm... và chuẩn bị xây dựng Bia Hà Tĩnh 200 triệu lít, dự kiến đến năm 2010, Sabeco sẽ đạt công suất 1 tỷ lít/năm.

Năm 2007, Sabeco sẽ đưa sản phẩm bia của nhà máy ở Đắc Lắc và Bình Dương ra thị trường. Năm 2006, ước tính lượng tiêu thụ bia lon 333 của Sabeco tăng khoảng 50%, Special tăng 40% và bia 355 xuất khẩu tăng 30%.

Theo ước tính, năm 2006, tổng lượng bia cung cấp ra thị trường Việt Nam khoảng 1,8 tỷ lít, trong đó riêng Sabeco đạt 530 triệu lít (kể cả gia công). Nhu cầu tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 12-14%/năm trong 5 năm qua và sẽ tiếp tục tăng 15%/năm trong 5 năm tới.

Năm 2006 và đầu năm 2007 được giới kinh doanh bia đánh giá là năm “đổ bộ” của các hãng bia lớn trên thế giới vào Việt Nam.

Tập đoàn bia hàng đầu của Mỹ SABMiller liên doanh với Vinamilk (công suất 50 triệu lít/năm) tung ra thị trường nhãn hiệu bia mới là ZoRok. Cuối năm 2006, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cũng “nhảy” vào sản xuất bia bằng cách liên doanh với Tập đoàn Scottish & New Castle của Anh đầu tư xây dựng nhà máy bia ở Khu công nghiệp Đức Hòa 3 Long An, công suất 150 triệu lít/năm, vốn đầu tư 75 triệu USD.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2008 sẽ có thêm 5-8 hãng bia lớn trên thế giới đầu tư vào sản xuất bia tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh sẽ rất dữ dội, giá bia sẽ giảm mạnh so với mức giá quá cao hiện nay, và có thể một số nhãn hiệu bia sẽ “biến mất” trên thị trường do không thể cạnh tranh nổi.