18:12 14/11/2013

“Rất may đã tìm lại dây cương con ngựa tiền tệ”

Minh Đức

Chính sách tiền tệ qua góc nhìn của ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: Tuổi trẻ.<br>
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: Tuổi trẻ.<br>
Tại buổi tọa đàm về chính sách tiền tệ mới đây, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng giám đốc Eximbank phát biểu: “Rất may, chúng ta đã tìm lại được tương đối nhanh dây cương của con ngựa tiền tệ từng bất kham những năm trước”.

Trao đổi với VnEconomy, góc nhìn trên được ông Phước phân tích ở các mối quan hệ và các khía cạnh cụ thể.

Chúng ta cũng phải đi vay mượn thời gian

Ở hội thảo đó, ông tham gia với tư cách mới là Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, sau khi rời vị trí Tổng giám đốc Eximbank. Ông nói gì về thay đổi này?

Bây giờ tôi ở cơ quan mới, công việc mới và chức danh mới. Nhưng Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chịu trách nhiệm tham mưu, tư vấn các chính sách tài chính cho Chính phủ, nên đối với tôi, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, sự chuyển tiếp cũng khá thuận lợi.

Ở công việc mới, tôi có nhiều thời gian để tĩnh tại, để nhìn nhận thị trường một cách toàn diện hơn.

Vậy ông nhìn nhận về tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại những năm gần đây như thế nào?

Chúng ta đều biết hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại trong 5 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, khi nền kinh tế gặp những trở ngại, tạm xem là những bất ổn.

Chúng ta đã chứng kiến rồi, lạm phát có những năm lên tới 18 - 19%; lãi suất lên tới trên 20%/năm; hoạt động huy động và cho vay vàng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều ngân hàng thương mại; tỷ giá thì có nhiều thời điểm biến động, có lúc tăng trên 9%; và trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì nợ xấu trở thành một vấn đề nổi bật, cực kỳ lớn.

Đương nhiên, chúng ta cũng đã có những giải pháp để khắc phục, trong đó có những giải pháp tự thân của các ngân hàng thương mại.

Những giải pháp tự thân đó là gì, thưa ông?

Đó là phản ứng tự vệ của bất cứ ngân hàng nào. Chẳng hạn như ta đang nói về nợ xấu. Câu chuyện nợ xấu đương nhiên là Nhà nước sẽ tham gia xử lý. Cũng như các quốc gia khác, khi hệ thống ngân hàng - một trong những huyết mạch của nền kinh tế gặp sự cố, họ cũng phải dùng các nguồn lực để xử lý.

Đặc thù của Việt Nam, chúng ta nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, nên các tổ chức tín dụng phải tự xử lý. Họ phải sử dụng chi phí thông qua trích lập dự phòng rủi ro để có thể giải quyết bớt nợ xấu; chấn chỉnh lại quản trị điều hành; sắp xếp lại nhân sự; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ… để làm sao có lực để chữa căn bệnh nợ xấu. Họ cũng phải đồng hành với doanh nghiệp qua giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mới…

Đương nhiên những điều này làm trong khuôn khổ của chính sách. Ví dụ như cho cơ cấu lại nợ, có những quan điểm khác nhau, còn tôi cho rằng đó cũng là một giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Chúng ta cũng phải đi vay mượn thời gian để chữa trị một căn bệnh không phải một sớm một chiều.

Giải pháp điều hành tiền tệ theo tôi là tốt


Còn ở chính sách tiền tệ nói chung, ông có nhìn nhận gì về các giải pháp đã triển khai?

Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây theo tôi là tốt. Chúng ta từng chứng kiến lãi suất lên rất cao, làm phát rất cao. Đó là câu chuyện có thực. “Lạm phát ở đâu bao giờ cũng là một hiện tượng tiền tệ”, chúng ta vẫn thường trích dẫn câu nói này để bình luận về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao.

Lạm phát được kéo xuống có các vai trò của các giải pháp vĩ mô, như Nghị quyết 11 của Chính phủ. Vẫn có những ý kiến khác nhau, cho rằng các chính sách đặt ra trong nghị quyết là sự thắt chặt quá mức khiến nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp khó khăn… Nhưng tôi thấy Nghị quyết 11 trong đó có vai trò của chính sách tiền tệ, đã kéo được lạm phát xuống, do đó kéo được lãi suất xuống thấp, làm cho tỷ giá ổn định.
 
Chúng ta cũng đã có được những năng lực ở tầm quốc gia. Như dự trữ ngoại hối tăng lên 12 tuần nhập khẩu mà có lúc bị rơi xuống còn 6 - 7 tuần.

Ở nợ xấu, chúng ta cũng đã có các giải pháp, như xử lý qua VAMC. Đây cũng là cách riêng có ở Việt Nam, khi mà lần đầu tiên chúng ta xử lý nợ xấu mà không dùng nguồn lực ngân sách quốc gia, mà dùng các kỹ thuật cấu trúc lại các khoản nợ đó và dùng các phản ứng, biện pháp tự thân của các tổ chức tín dụng, qua trích lập dự phòng.

Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. Ở đây là gì? Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại thấp xuống, giá cổ phiếu của các ngân hàng cũng không cao như trước đây nữa, cổ tức cũng không còn nhiều, cổ đông phải chịu và ngay cả người lao động cũng chịu ảnh hưởng một cách trực tiếp nhất qua cắt giảm biên chế, lương bổng giảm đi nhiều.

Tại tọa đàm vừa rồi ông có nói về hình ảnh “con ngựa tiền tệ” từng bất kham những năm trước, và nay đã nắm được và ghìm được cương…

Đó là sự ví von của tôi. Nói là con ngựa bất kham vì chúng ta đã trải qua những năm tháng trong quá khứ nhiều biến động lớn trên thị trường tiền tệ. Lãi suất thời điểm đó tăng rất cao, mặc dù áp trần nhưng cũng bị vượt nhiều. Ý muốn chủ quan của các nhà quản lý điều hành là làm cho lãi suất huy động thấp xuống để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn không thấp được.

Cùng với nguy cơ đổ vỡ thanh khoản hệ thống, chúng ta cũng từng thấy tỷ giá USD/VND cao hơn tới cả 1.000 - 2.000 VND so với tỷ giá chính thức. Chúng ta đứng trước sự đe dọa về năng lực dữ trữ và khả năng thanh toán của quốc gia…

Đó là những điều đã xẩy ra. Rất may, qua một chặng đường gian truân, thị trường tiền tệ đã được đưa lại trong một quỹ đạo có thể quản lý được.

Với thị trường vàng miếng trôi nổi, sẽ quản lý thế nào?

Còn với thị trường vàng, ông thấy thế nào?

Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã tạo lập được thị trường vàng. Điểm tôi cho rất quan trọng là đã đạt được mục tiêu loại bỏ vàng ra khỏi bảng cân đối của các tổ chức tín dụng. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn. Khó khăn không chỉ bóc vàng ra khỏi bảng cân đối, mà còn ở chỗ đụng chạm vào một tài sản đã gắn liền với truyền thống, tập quán của người Việt Nam.

Đó là biện pháp tôi cho là táo bạo, không thể bằng kêu gọi thuần túy mà phải bằng các mệnh lệnh hành chính.

Lựa chọn một chính sách nào để vừa đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo ổn định tỷ giá hối đoái, tránh được những rủi ro tiềm ẩn bên trong nó và đặc biệt là tránh sự chi phối của vàng trong điều hành chính sách tiền tệ như vàng có thể làm méo mó cung tiền và tác động đến cả lãi suất, cùng với việc xử lý vấn đề tập quán và truyền thống của đại đa số người dân thì rất là khó khăn.

Ngày nay chúng ta không còn đi huy động cho vay vàng, qua đó hạn chế sự khó kiểm soát và thiếu chủ động trước tác động của vàng đối với tín dụng, cung tiền, rồi ảnh hưởng đến lãi suất, tỷ giá… Loại bỏ vàng ra khỏi bảng cân đối tức là loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn của nó ra khỏi chính sách tiền tệ chứ không chỉ đơn thuần tại các tổ chức tín dụng.

Nhưng chênh lệch giá trong nước so với thế giới trên thị trường vàng hiện vẫn là đáng kể…

Đúng là đến giờ vẫn còn tranh cãi về chênh lệch giá vàng. Tôi nghĩ dần dần rồi Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kéo chênh lệch đó xuống. Nhưng cũng phải hiểu một điều là giá thế giới luôn có khả năng biến động rất nhanh, nhiều khi chỉ vài giờ, thậm chí vài phút, nên việc giữ một khoảng chênh lệch như vậy cũng là một biện pháp để tự vệ.

Theo tôi biết, Ngân hàng Nhà nước thì mong muốn giá vàng tương đối ổn định một cách có thể được trước sự biến động rất lớn của giá vàng quốc tế. Điều rất nhạy cảm hiện nay là chênh lệch đó ai thụ hưởng? Với cơ chế độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng hiện nay, người thụ hưởng chính là nhà nước, ngân sách. Đóng góp cho ngân sách trong bối cảnh khó khăn, ngân sách cần giải quyết cho nhiều vấn đề khác thì cũng tốt.

Đương nhiên về lâu về dài, vẫn còn đó những câu hỏi mà thị trường đặt cho là, với lượng vàng lớn trong nền kinh tế thì sử dụng thế nào? Tôi nghĩ Chính phủ sẽ phải quan tâm, vì nó là một tài sản tài chính.

Còn trước hết, tôi thấy cần đạt được những kết quả bước đầu về quản lý thị trường vàng, để có thời gian nghiên cứu giai đoạn hai, giai đoạn xử lý các vấn đề còn lại.

Ước tính ngân sách có thể đã thu về khoảng 8.000 tỷ đồng từ chênh lệch giá vàng, nhưng có ý kiến cho rằng đó là tiền của dân…

Có lẽ không nên tiếp cận theo cách đó. Nếu như Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng, thị trường sẽ kinh doanh qua lại và tạo những khoảng chênh lệch và nó không hẳn rơi vào túi người dân và túi ngân sách nhà nước.

Đó là chưa nói nếu trở lại cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu như trước đây không hẳn luôn cân bằng, doanh nghiệp được cấp - doanh nghiệp thì không, chỗ được cấp ít - chỗ được cấp nhiều, mà như vậy sẽ không cân bằng về lợi ích.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đứng ra nhập khẩu để chủ động và đảm bảo nguồn cầu về ngoại hối, sử dụng dự trữ chứ không thả trôi nổi và gây sức ép cầu ngoại hối trên thị trường như trước.

Mà với một thị trường vàng miếng trôi nổi và gần như tự do trước đây, chúng ta sẽ quản lý như thế nào và có ai đảm bảo là người dân mua được mức giá thấp và sát với thế giới? Nhiều năm trước chênh lệch giá vẫn rất cao đó thôi.

Nay nguồn thu từ chênh lệch giá thuộc về ngân sách, cho lợi ích chung. Mà vấn đề lợi ích ở đây, trong giai đoạn đầu thiết lập quản lý trên thị trường vàng thì có thể xem là chấp nhận được.

Gần đây một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên trả lại vàng cho thị trường. Còn quan điểm của ông thì sao?

Đó cũng là ý kiến dễ hiểu trong bối cảnh chúng ta đi vào nền kinh tế thị trường. Có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu để tạo lập một thị trường dưới hình thức một sàn vàng quốc gia, cung ứng các dịch vụ ngoại hối, các sản phẩm phái sinh cho các tổ chức, cá nhân tham gia mà pháp luật cho phép.

Ở đây, điều đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là xem tính thị trường trong một thị trường vàng, gắn với những biểu hiện và đặc thù của Việt Nam như thế nào.

Đừng chủ quan về tỷ giá

Còn về tỷ giá thời gian qua, ông nhìn nhận thế nào?

Thời gian rồi chúng ta đã giữ được sự ổn định của tỷ giá. Có nhiều lý do. Tôi cho rằng việc gỡ bỏ vàng ra khỏi bảng cân đối là một đóng góp quan trọng. Dĩ nhiên là chúng ta cũng đã cải thiện được cán cân thương mại, từ nhập siêu rất lớn trước đây giờ chỉ ở mức thấp. Các biện pháp chống đô la hóa nay đã phát huy tác dụng, chênh lệch lãi suất VND với USD đã doãng ra khá lớn, đồng USD kém hấp dẫn do lãi suất thấp đi… cũng là những đóng góp.

Nhưng tôi vẫn nói đừng chủ quan về tỷ giá. Tỷ giá luôn ẩn chứa trong nó những rủi ro. Vì trong một nền kinh tế mà độ mở ngày càng lớn, đón nhận các dòng vốn không chỉ một chiều qua các giao dịch vãng lai mà các dòng vốn hai chiều qua các giao dịch vốn, thì áp lực cầu ngoại hối của nền kinh tế luôn là vấn đề nóng bỏng.

Nói tỷ giá luôn tiềm ẩn rủi ro là một cảnh báo không thừa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã nhìn thấy được những rủi ro tiềm ẩn đó để lựa chọn chính sách ứng phó phù hợp.