09:25 22/08/2007

“Rút tiền khỏi lưu thông là thuốc đặc trị chữa lạm phát”

Duy Linh

Hỏi chuyện ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Ngân hàng Nhà nước

"Dự trữ bắt buộc là một loại thuế vô hình nhằm hãm bớt tốc độ tăng tín dụng cho nền kinh tế."
"Dự trữ bắt buộc là một loại thuế vô hình nhằm hãm bớt tốc độ tăng tín dụng cho nền kinh tế."
Hỏi chuyện ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông, việc tung một lượng tiền lớn ra để mua ngoại tệ có là một nguyên nhân khiến cho giá cả leo thang và hướng xử lý thế nào để đồng ngoại tệ được sử dụng hiệu quả, đồng thời giữ bình ổn giá cả?

Tôi cho rằng, nói đến nguyên nhân gây ra lạm phát cao từ đầu năm đến nay thì có nhiều. Trong đó có liên quan đến lượng ngoại tệ lớn nhất từ trước đến nay mà chúng ta đã bỏ tiền VND ra mua vào là để tăng tài sản có ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương (Tôi xin được dùng cụm từ này thay cho Ngân hàng Nhà nước).

Lý do của điều này thì trước hết đây là một sự khởi sắc của nền thị trường tài chính Việt Nam, giúp tăng nguồn ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương.

Nói đến ngoại tệ thì nó có rất nhiều nguồn: nguồn thu quốc gia của Nhà nước (từ tài nguyên thiên nhiên...) thì nó hình thành nên tiền gửi bằng ngoại tệ của Nhà nước tại Ngân hàng Trung ương hoặc là tiền của Nhà nước nằm trong đất nước thì khá nhiều. Nhưng tôi đang nói đến đồng tiền mà chúng ta nội tệ hóa để đưa vào, chúng ta phải bỏ ra một lượng lớn nội tệ để nội tệ hóa đồng ngoại tệ sau đó ném vào thị trường chứng khoán.

Nhìn vào thị trường chứng khoán đầu năm, chúng ta thấy nó “nóng” lên rất kinh khủng và đến giữa tháng 3 thì “down” xuống (tự điều chỉnh) thì có một bộ phận không ít ngoại tệ trước đó (ngoại tệ đã được nội tệ hóa) được tung ra thì đã vào đâu? Chuyển vào bất động sản, thị trường vàng hay là thị trường tiêu dùng... Tất cả đều nằm đâu đó ngoài lưu thông nên nó sẽ gây ra lạm phát.

“Lõi” của vấn đề lạm phát luôn luôn và chủ yếu nằm ở chính lượng tiền nội tệ trong lưu thông cộng với tình trạng “đôla hóa” nằm ngoài vòng kiểm soát. Chính vì vậy, tôi cho rằng “bài thuốc đặc trị” để chữa lạm phát bao giờ cũng là rút tiền từ lưu thông về Ngân hàng Trung ương.

Một trong những biện pháp cấp bách chống lạm phát cần phải làm đồng thời 2 việc sau đây.

Một là chúng ta phải bán một bộ phận đồng USD này để chuyển hàng hóa vào. Bởi tiền tệ phản ánh giá trị hàng hóa mà hàng hóa thì đương nhiên đang nằm ở nước ngoài nên phải đưa hàng hóa vào, thông qua bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và các ngân hàng thương mại bán cho các doanh nghiệp nhập khẩu để người ta nhập hàng hóa vào để trung hòa cái phần nội tệ đang có trong lưu thông.

Thứ hai, vì vị thế đồng USD đang yếu hơn bao giờ hết trong vòng mấy năm nay thì có lẽ Ngân hàng Trung ương phải có sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ để chúng ta không bị thiệt.

Còn biện pháp tôi cho rằng không phù hợp đó là tự Ngân hàng Trung ương lại bơm tín phiếu của mình ra. Bằng cách bán “tờ giấy” của mình ra để thu tiền về thì cùng một lúc có 2 việc: thứ nhất là tự nhiên Ngân hàng Trung ương biến thành “con nợ” của các ngân hàng thương mại và việc thứ 2 là tự nhiên phải trả lãi.

Ông đánh giá thế nào về giải pháp phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường trong nước để hút tiền về?

Phát hành tiền ra để nội tệ hóa ngoại tệ vào Ngân hàng Trung ương thì có 2 cách: bán bớt để nhập hàng về và thứ 2 là tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ thông qua việc Ngân hàng Trung ương bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ, từ đó Chính phủ có nguồn tái cấu trúc lại kết cấu hạ tầng, đầu tư thật mạnh.

Do vậy, việc các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ, lượng tiền của chúng ta có thể đi vào sản xuất, nâng cao đời sống tiêu dùng, giải phóng sức lao động, tăng thêm được rất nhiều công ăn việc làm...

Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại như là một hình thức thu tiền VND về, theo ông, đấy có phải là một giải pháp hợp lý trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang phải tăng lãi suất huy động để thu tiền về?

Hợp lý. Dự trữ bắt buộc là một loại thuế vô hình nhằm hãm bớt tốc độ tăng tín dụng cho nền kinh tế. Đây là một nghiệp vụ rất thông dụng của mọi Ngân hàng Trung ương chứ không riêng gì của Việt Nam. Cho nên, chừng nào chúng ta còn thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế còn lớn thì việc Ngân hàng Trung ương có quyền tăng dự trữ bắt buộc.

Nhưng chúng tôi thấy rằng, việc tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc này chúng ta còn tương đối phiến diện. Thứ nhất, chúng ta phải tập trung tăng vào tiền gửi ngắn hạn. Thứ hai là mở rộng diện phải chịu dự trữ bắt buộc, kể cả với các định chế tài chính phi ngân hàng được huy động dưới hình thức trái phiếu của công ty như là Ngân hàng Phát triển Việt Nam chẳng hạn, hiện nay đang nằm ngoài vòng kiểm soát của Ngân hàng Trung ương.

Họ có thể huy động ngoại tệ, huy động đủ thứ (cũng là hình thức huy động dài hạn) thông qua trái phiếu, tín phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển). Tôi cho rằng, trường hợp đó cũng phải tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc.

Mục tiêu của tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc là đánh vào tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao. Còn khi nó đã không quá cao hoặc bình thường thì phải nới rồi. Cái công cụ này sẽ được sử dụng linh hoạt chứ không thể cứng nhắc.