15:24 22/01/2007

“Sacombank sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ”

Hùng Nghị thực hiện

"Chúng tôi đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ, tổng tài sản, mạng lưới trong năm 2007", bà Phan Bích Vân, Tổng giám đốc Sacombank nói

Quá trình mở rộng của Sacombank đã diễn ra nhanh hơn trong năm 2006.
Quá trình mở rộng của Sacombank đã diễn ra nhanh hơn trong năm 2006.

"Chúng tôi đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ, tổng tài sản, mạng lưới trong năm 2007", bà Phan Bích Vân, Tổng giám đốc Sacombank nói.
 
Khép lại năm 2006, nhiều chuyên gia nhận xét Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần. Thưa bà, đâu là cơ sở của nhận xét này?

Kết thúc năm tài chính 2006, Sacombank đã có vốn điều lệ 2.089 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2005 (đây là số vốn điều lệ lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần).
 
Tổng tài sản hơn 24.860 tỷ đồng, tăng 72%; tổng huy động được 21.520 tỷ đồng, tăng 75%, đây cũng là số huy động lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần; tổng dư nợ 14.540 tỷ đồng, tăng 72%, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,95% được đánh giá là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất.

Sacombank cũng đã có 158 chi nhánh, điểm giao dịch tại 38/64 tỉnh thành trong cả nước; và là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất nước hiện nay.

Kể từ ngày 12/7/2006 Sacombank đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, và trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Năm 2006 thật sự là một năm phát triển mở rộng thành công của Sacombank với sự ra đời của hàng loạt các chi nhánh, phòng giao dịch và đặc biệt là các công ty trực thuộc trong lĩnh vực tài chính.

Trong đó gồm Công ty Kiều hối SacomRex (ngày 18/3); Công ty Cho thuê tài chính Sacombank Leasing (ngày 10/7); đây cũng là công ty cho thuê tài chính đầu tiên trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần; và Công ty Chứng khoán Sacombank Securities (ngày 20/10).

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập của nền kinh tế đất nước, Sacombank đã có những hoạt động nào đáng ghi nhận trong chuỗi các hoạt động của mình?

Song hành với quá trình đổi mới và hội nhập của nền kinh tế, nhu cầu vốn đầu tư của toàn xã hội tiếp tục gia tăng. Vì vậy, Sacombank đã chuẩn bị rất nhiều cho các hoạt động nghiệp vụ của mình.

Như trong huy động vốn, ngoài nguồn vốn chủ yếu là từ các tổ chức kinh tế và dân cư, Sacombank đã chú ý đẩy mạnh tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao tỷ lệ nguồn vốn trung dài hạn.

Tổng nguồn vốn ủy thác này trong năm 2006 là 374,7 tỷ đồng, bao gồm RDFII: 133,9 tỷ; FMO: 190,8 tỷ; SMEDF: 50 tỷ đồng. Trong hoạt động cho vay, tổng dư nợ năm 2006 tăng 6,25 lần so với năm 2001, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 45%/năm.

Trong năm vừa qua, Sacombank đã nghiên cứu và triển khai thêm một số sản phẩm như sản phẩm cho vay mua chứng khoán, sản phẩm cho vay lãi cấn trừ bất động sản. Có thể nói đây là dòng sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
 
Sacombank cũng đã liên kết với nhiều công ty sản xuất kinh doanh xe ô tô để triển khai các hoạt động cho vay tiêu dùng khá là cao cấp này. Đây là những nét đặc trưng mới trong tiếp thị và bán sản phẩm mang tính liên kết mạng lưới toàn hệ thống...

Mạng lưới thanh toán quốc tế toàn hệ thống Sacombank không ngừng tăng, doanh số năm 2006 tăng 26% so với năm truớc. Thanh toán nội địa tăng trưởng ổn định, cả năm tăng 102%.

Điểm nổi bật nhất là chúng tôi mở rộng dịch vụ thanh toán nhằm phát huy hệ thống mạng lưới, như tham gia thanh toán qua Money - VCB để hưởng phí ưu đãi, liên kết thanh toán với các ngân hàng thương mại; đặc biệt là tiếp thị các công ty, siêu thị có doanh số thanh toán lớn để thực hiện dịch vụ thu chi hộ và báo có vào tài khoản với chính sách ưu đãi cho khách hàng...

Thưa bà, được biết Sacombank đã từng là nhà tài trợ vay vốn cho rất nhiều bà con tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.HCM; những đối tượng này có còn được quan tâm trong năm qua?

Sacombank đã tham gia vào hoạt động cho tiểu thương vay tại các chợ trên địa bàn TP.HCM từ hơn 7 năm qua, và vẫn còn tiếp tục. Mỗi tiểu thương có thể được cho vay từ 3 đến 5 triệu đồng làm vốn kinh doanh, với lãi suất của ngân hàng; không còn phải chịu cảnh vay nặng lãi, vay nóng, vay đứng của tư nhân…

Chúng tôi hiện đang cho tiểu thương vay tại 67/102 chợ, và vẫn còn luôn quan tâm đến đối tượng này.

Bà có thể tiết lộ những kế hoạch phát triển của Sacombank trong năm tài chính 2007?

Sacombank đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ, tổng tài sản, mạng lưới trong năm 2007.

Theo đó Sacombank dự kiến: vốn điều lệ sẽ tăng từ 2.089 tỷ lên 3.540 tỷ đồng; tổng tài sản tăng hơn 50%; số lượng điểm giao dịch tăng từ 158 lên 230; số nhân viên tăng từ 4.000 lên 4.300 người; tăng trưởng tín dụng tăng hơn 50%; lợi nhuận trước thuế tăng 55% so với năm 2006.

Thưa bà, phương án khả thi nào đã được chọn để có thể tăng vốn điều lệ trong năm 2007 như kế hoạch đã đề ra?

Trong phiên họp thường kỳ ngày 16/1 vừa qua, Hội đồng quản trị Sacombank đã thảo luận và thống nhất về kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2007, sẽ trình đại hội đồng cổ đông trong tháng 3/2007.

Phương án đã được hội đồng quản trị thống nhất thông qua, gồm:

- Chi trả cổ tức năm 2006 bằng cổ phiếu 12%/vốn cổ phần để tăng vốn điều lệ;

- Phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá bằng 1,5 lần mệnh giá;

- Phát hành quyền mua 3.000.000 cổ phần (30 tỷ đồng) cho một số cán bộ quản trị điều hành cốt cán để thực hiện chính sách thu hút trọng dụng nhân tài với giá bằng 1,5 lần mệnh giá...

Như vậy, tổng số cổ phần (tính theo mệnh giá) tăng thêm trong năm 2007 là hơn 1.450,800 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Sacombank từ hơn 2.089,412 tỷ đồng hiện nay lên hơn 3.540,213 tỷ đồng vào cuối năm 2007.