Samsung hoạch định lộ trình cho thiết bị MR
Samsung đang suy tính “đường đi nước bước” cho các sản phẩm thực tế hỗn hợp (MR), theo Phó Chủ tịch Điều hành Patrick Chomet chia sẻ với CNBC…

Với động thái này, gã khổng lồ công nghệ đến từ Hàn Quốc cho thấy quyết tâm phát triển một hướng đi mới trong thực tế hỗn hợp - lĩnh vực được các nhà sản xuất điện tử coi là chìa khóa tăng trưởng trong tương lai, theo CNBC.
Thực tế hỗn hợp đã được nhiều chuyên gia đánh giá là sự thay đổi đáng chú ý tiếp theo của thị trường công nghệ ảo, do đó các công ty lớn từ Meta đến Microsoft đều đang tập trung đầu tư vào công nghệ này.
Mixed Reality (MR) hay còn gọi là thực tế hỗn hợp là sự bao hàm của hai khái niệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), giúp con người liên kết với môi trường ảo - thực một cách liền mạch. Người dùng có thể truy cập các ứng dụng và trải nghiệm thực tế hỗn hợp thông qua tai nghe hỗ trợ.
Ông Patrick Chomet, Phó Chủ tịch Điều hành tại Samsung Electronics, khẳng định với CNBC trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đang "hoạch định" một lộ trình cho các sản phẩm thực tế hỗn hợp. Ông từ chối đưa ra chi tiết cụ thể về thời điểm phát hành sản phẩm.
Vị Phó Chủ tịch nhấn mạnh quan hệ đối tác của Samsung với đại gia công nghệ Google của Alphabet và gã khổng lồ chip Hoa Kỳ Qualcomm đã được công bố vào tháng trước. Ba công ty đưa ra rất ít thông tin về điều khoản hợp tác nhưng cho biết sẽ tập trung vào thực tế hỗn hợp.
Qualcomm hiện đang sản xuất một loại chip có tên Snapdragon XR được thiết kế đặc biệt dành cho các sản phẩm thực tế hỗn hợp, chẳng hạn như tai nghe MR. Mặt khác, Samsung có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế phần cứng. Trong khi sức mạnh của Google nằm ở hệ điều hành Android và các nhà phát triển sáng tạo ứng dụng.
Ông Chomet cho biết quan hệ đối tác không chỉ dừng lại ở sự phát triển của ba công ty, mà còn được thiết kế nhằm khai thác thị trường thực tế hỗn hợp.
"Chúng tôi muốn xây dựng toàn bộ hệ sinh thái. Rất nhiều, rất nhiều nhà phát triển, công ty nội dung và công ty ứng dụng sẽ chuẩn bị cho sự đổi mới và trải nghiệm của hệ sinh thái đó", Phó Chủ tịch Chomet tuyên bố. "Rõ ràng, chúng tôi có thể làm thiết bị phần cứng. Qualcomm có thể làm chipset. Google có thể xây dựng hệ điều hành. Nhưng cuối cùng, chúng ta cần nhiều hơn thế, để tạo ra một hệ sinh thái sôi động".
CẠNH TRANH TỪ APPLE VÀ META
Meta là một trong những công ty đã đặt cược tương lai vào thực tế hỗn hợp và sự kết nối giữa hai thế giới ảo - thực. Vào tháng 10 năm ngoái, công ty đã ra mắt tai nghe thực tế hỗn hợp Meta Quest Pro trị giá 1.500 USD. Bên cạnh đó, vào tháng 1 năm nay, Bloomberg đã đưa tin Apple đang chuẩn bị phát hành một tai nghe thực tế hỗn hợp, giúp người chơi điện tử có những trải nghiệm sống động hơn bao giờ hết. Microsoft cũng đã có tai nghe thực tế hỗn hợp của riêng hãng được gọi là HoloLens.
Thực tế, Samsung không còn xa lạ với những trải nghiệm ảo này. Công ty đã ra mắt tai nghe thực tế ảo đầu tiên vào năm 2015 có tên là Gear VR. Tuy nhiên, hãng đã ngừng sản xuất Gear VR vào năm 2020 khi thiết bị không thể mang lại doanh thu ấn tượng.
Vào thời điểm đó, sản phẩm yêu cầu cắm dây kết nối với smartphone để sử dụng tai nghe. Nhưng các nhà sản xuất điện tử đang “rời xa” mô hình này và hướng tới tai nghe không dây.
Phó chủ tịch Chomet nhấn mạnh, mặc dù thực tế ảo là công nghệ tuyệt vời để phục vụ trải nghiệm người chơi game, nhưng "chúng tôi tin rằng có nhiều tiềm năng hơn khi áp dụng MR trong các trường hợp khác. Vì vậy, chúng tôi sẽ thúc đẩy lộ trình theo hướng đó”.
Leo Gebbie, một nhà phân tích tại CCS Insight, cho biết danh mục thiết bị của Samsung đã mở rộng đa dạng từ điện thoại thông minh đến đồng hồ.
"Bên cạnh dòng smartphone nổi tiếng của hãng, Samsung đã đầu tư sản xuất nhiều thiết bị thông minh khác như Galaxy Watch và Galaxy Buds. Tất cả những sản phẩm này sẽ được tối ưu hóa để kết hợp cùng nhau nhằm mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất có thể, thúc đẩy sự gắn kết hệ sinh thái mà nhiều Big Tech đang rất chú trọng ngày nay", vị chuyên gia cho biết.