10:07 21/12/2009

Sannamfood đưa rau rừng về phố

Y Nhung

Trồng rau rừng theo quy trình sạch để phục vụ người tiêu dùng ở thành phố lớn đang là hướng đi thành công của Sannamfood

Sơ chế rau trước khi chuyển tới tay người tiêu dùng.
Sơ chế rau trước khi chuyển tới tay người tiêu dùng.
Trồng rau rừng theo quy trình sạch để phục vụ người tiêu dùng ở các thành phố lớn đang là hướng đi mang lại thành công cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Sannam (Sannamfood), thành viên của Tập đoàn Sannam.

Rau rừng sẽ có trong bữa ăn của các gia đình
 
Từ những chuyến đi công tác tại các địa phương vùng cao, được bà con tiếp đãi bằng các món rau rừng với hương vị lạ và rất ngon miệng, ông Hoàng Đình Phi, Chủ tịch tập đoàn Sannam đã nảy ra ý tưởng sẽ đưa những sản phẩm của núi rừng này đến với người tiêu dùng thành thị.

Đầu tư vào tìm hiểu về các loại rau rừng, kết quả cho thấy các mẫu rau rừng có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Hầu hết các loài rau này thường dễ trồng, ít sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Thêm nữa, theo nghiên cứu của Sannamfood, Hà Nội chỉ có 18% diện tích trồng rau an toàn (khoảng 2.000ha) và đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu được sử dụng sản phẩm an toàn của người dân. Một con số quá nhỏ khi những vấn đề mất an toàn thực phẩm liên quan đến rau ngày càng tăng. Chính những yếu tố này đã khiến người đứng đầu Sannam quyết định xây dựng mô hình trồng rau rừng theo quy trình trồng rau sạch.

Vùng đất rộng hơn 20 ha nằm ngay dưới chân núi Tản, thuộc địa phận thôn Đồi Voi, xã Vân Hoà (Ba Vì, Hà Nội) đã được chọn để xây dựng vùng chuyên canh rau  này.  

Sau 5 năm gây dựng, tới nay, Sannamfood đã tuyển chọn và gieo trồng được gần 20 giống rau. Trong đó có 10 loại rau rừng là rau tai voi, sau sau, bướm trắng, lưỡi hổ, báng… Ngoài ra, những loại rau phổ biến khác như rau ngót, rau mùng tơi… cũng được áp dụng theo các quy trình chặt chẽ của trồng rau sạch.

Tại trang trại của Sannamfood ngoài việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, không sử dụng các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, các công đoạn từ nơi sản xuất tới sơ chế, đóng gói và vận chuyển đến tay người tiêu dùng đều được tiến hành khép kín để hạn chế ô nhiễm thực phẩm.

Với sự tỷ mỉ này, sản phẩm rau sạch của công ty đang có giá cao hơn từ 2-3 lần so với các loại rau trên thị trường (các loại rau có giá dao động từ 20.000 -120.000 đồng/kg), nên mới chỉ được các hộ gia đình trung lưu tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định tiếp nhận.

Trên thực tế, “Mỗi cây rau báng chiếm khoảng 5m2 đất, nhưng mỗi tháng chỉ thu hái được khoảng 3kg/cây. Với giá bán hiện nay khoảng 118.000 đồng/kg, không phải là đắt. Thêm nữa, giá các loại rau của công ty sẽ không bị thay đổi do các tác động bất lợi của thời tiết”, ông Phi cho hay.

Hiện nhu cầu của thị trường đối với các loại rau rừng là khá lớn nhưng với diện tích trang trại tại Vân Hòa, mỗi tháng Sannamfood chỉ thu được khoảng 5 tấn rau các loại. Số lượng này cũng chỉ cung cấp tạm đủ cho 4 nhà hàng Núi Tản và công ty Senmart (website:www senmart.com) thuộc hệ thống phân phối của Sannamfood.

“Các loại như rau báng, rau tai voi... đôi khi còn không có đủ để cung cấp cho khách hàng thường xuyên mua qua mạng. Như vậy, tiềm năng để phát triển sản phẩm này là rất lớn, ông Phi đánh giá.

Vì vậy, với việc công ty mở thêm trang trại 500 ha ở Hòa Bình và trang trại 5 ha ở Bình Phước để tăng sản lượng, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Tới đây, rau rừng của Sannamfoood sẽ có mặt nhiều hơn trong bữa ăn của các gia đình thành thị.

Ngoài mong muốn này, Sannanfood còn đang hướng tới xuất khẩu rau rừng để quảng bá với người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới về những loại rau bản địa đặc trưng của Việt Nam.

Tuy nhiên, điều làm Sannamfood chưa thể sớm thực hiện được kế hoạch là do trong nước chưa có cơ quan nào đứng ra cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm này là có nguồn gốc tự nhiên, để có mức giá bán cao khi cung cấp ra các thị trường quốc tế.

Nông dân cùng hưởng lợi

Trong khi chính cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn đang loay hoay với bài toán làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp trong các mô hình hợp tác, thì mô hình của Sannanfood thời gian qua lại tỏ ra khá hiệu quả.

"Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành xây dựng và thử nghiệm rất nhiều mô hình. Nhưng khi ngừng rót vốn viện trợ, dự án cũng “tan vỡ”", ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Với cách làm riêng, về phía doanh nghiệp Sannamfood đầu tư từ giống, hướng dẫn kỹ thuật tới nhà máy chế biến và phát triển thương hiệu...  Còn người nông dân có nhiệm vụ chăm sóc rau theo đúng quy trình và thu hái sản phẩm theo đợt để bán lại cho nhà máy.

Cụ thể, mỗi hộ gia đình được Sannamfood khoán chăm sóc khoảng 3 mẫu đất (tương đương 10.000 m2). Trên diện tích này sẽ trồng ít nhất 3 loại rau để tránh rủi ro. Nông dân sẽ được trả công chăm sóc, bảo vệ rau; nộp bảo hiểm xã hội và y tế hàng tháng. Đổi lại, các hộ này sẽ chia sẻ 50% sản lượng thu được với Sannamfood.

Ông Phi đơn cử đối với rau ngót, sản lượng bình quân thu được khoảng 1 tấn/mẫu; với giá bán 5 triệu/tấn, mỗi hộ nông dân sẽ được hưởng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng từ một mẫu rau ngót.

Như vậy, ngoài tiền lương (khoảng 900.000 đồng/tháng) và tiền đóng bảo hiểm, mỗi gia đình sẽ có thu nhập ít nhất là 2,5 triệu đồng/tháng.

 “Chính sự công khai, rành mạch trong phân chia lợi nhuận đã tạo nên tính bền vững trong sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân”, ông Trí Ngọc nhìn nhận.

Còn ông Nguyễn Đình Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Hoà thì cho rằng, mô hình rau sạch mà Sannamfood đang áp dụng đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hàng ngày đều có khoảng 50 lao động tham gia sản xuất tại trang trại. Vào vụ thu hái chính, lao động theo mùa vụ có thể lên đến 150 người. Không những vậy nhiều loại rau rừng còn góp phần đáng kể vào việc phủ xanh đất trống, đồi trọc tại xã vùng đồi này.