15:43 21/11/2011

Satra, một góc nhìn về quản trị doanh nghiệp nhà nước

Hoài Ngân

Vào thời điểm 2007 - 2008, với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã biết "tranh thủ" để "làm ăn"

Trụ sở của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) tại Tp.HCM.
Trụ sở của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) tại Tp.HCM.
Kết luận của thanh tra Bộ Tài chính về công tác quản lý tài chính tại Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) không chỉ đưa ra những sai phạm tại doanh nghiệp này, mà còn gợi mở một góc nhìn về quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra tại Satra và 7 công ty con trực thuộc từ ngày 18/5/2011 đến ngày 30/6/2011.

Các đơn vị bị thanh tra bao gồm Satra; Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Tp.HCM; Công ty Cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn; Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp Tp.HCM; Công ty Cổ phần Bao bì Sài Gòn; Công ty Cổ phần Dịch vụ dầu khí Sài Gòn; Công ty Cổ phần Thương nghiệp quận 11; Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ quận 3.

Kết quả thanh tra cho thấy việc quản lý sử dụng các nguồn vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại Satra đã có nhiều sai phạm.   

Cụ thể, để có vốn đầu tư thực hiện các dự án lớn, Satra đã xây dựng phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo đó tổng khối lượng phát hành trái phiếu là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất 9,6% năm.

Mục đích sử dụng vốn qua phát hành trái phiếu là để đầu tư các dự án của mình cũng như các dự án liên doanh liên kết và đầu tư tài chính.

Trái phiếu được phát hành vào ngày 21/12/2007 với tổng khối lượng phát hành là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất 9,6% năm.

Số vốn huy động được đã sử dụng để đầu tư tài chính với số vốn là 789,43 tỷ đồng; khoản đầu tư này đến 31/12/2010 đã thu hồi 450 tỷ đồng được gửi ngân hàng có kỳ hạn, số còn dư chưa thu hồi là 339,43 tỷ đồng.

Phần còn lại, Satra đã hỗ trợ vốn các công ty thành viên 28,1 tỷ đồng; đến 31/12/2010 đã thu hồi và gửi ngân hàng có kỳ hạn; sử dụng làm vốn kinh doanh 127,8 tỷ đồng; đến 31/12/2010 chưa sử dụng và được gửi ngân hàng có kỳ hạn và gửi ngân hàng có kỳ hạn 54,67 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy việc sử dụng vốn trái phiếu của Satra không thực hiện đúng quy định. Phương án phát hành trái phiếu được thông qua không có nội dung dùng vốn huy động để gửi ngân hàng có kỳ hạn, nhưng thực tế Satra đã sử dụng vốn phát hành trái phiếu để gửi ngân hàng có kỳ hạn, với số vốn gửi ngân hàng năm 2008 là 34,7 tỷ đồng, đến cuối năm 2010 là 660,57 tỷ đồng.

Không chỉ sử dụng sai vốn huy động từ trái phiếu. Satra còn đầu tư dài hạn vào lĩnh vực ngân hàng vượt số lượng quy định nhưng chưa điều chỉnh, không bảo toàn được vốn đầu tư.

Trong 8 đơn vị mà Satra đã đầu tư vốn như trên thì có 4 đơn vị bảo toàn được vốn đầu tư là 177 triệu đồng. Có 4 đơn vị đầu tư với số vốn 369 triệu đồng không bảo toàn được vốn đầu tư, số vốn tổn thất (cổ phiếu giảm giá) là 174 triệu đồng, bằng 31,9% vốn đầu tư.

Theo Nghị định số 09/NĐ-CP, Satra phải điều chỉnh, thu hồi vốn đầu tư tại 5 đơn vị, nhưng đến nay chưa thực hiện được và điều này vi phạm quy định tại Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ.

Việc đầu tư mua cổ phần của Vietcombank theo hợp đồng ủy thác với Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Thành Việt cũng được xem là một sai phạm đáng kể.

Ngày 23/01/2008, Satra ký hợp đồng với công ty này với nội dung ủy thác đầu tư cổ phần của Vietcombank (mã chứng khoán VCB), thực chất là mua gom cổ phiếu VCB. Thông qua đối tác này, Satra đã mua 481.095 cổ phiếu VCB, đơn giá 103.000 đồng/cổ phiếu, giá trị hợp đồng 49,552 tỷ đồng.

Ngay sau khi ký hợp đồng, ngày 23/1/2008, Satra chuyển số tiền 49,552 tỷ đồng vào tài khoản của Thành Việt. Nhưng đến tháng 7/2011, Satra mới nhận được 266.095 cổ phiếu VCB tương đương 27,4 tỷ đồng, số vốn chưa thu hồi là 22,145 tỷ đồng, tương ứng với 215.000 cổ phiếu.

Qua thanh tra cho thấy việc sử dụng vốn mua cổ phiếu của VCB được thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận với các tổ chức và cá nhân, cụ thể là 44 nhà đầu tư mua cổ phần của VCB. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Thành Việt đã tự ý thay đổi từ 44 xuống 33 nhà đầu tư, sau đó đã chuyển tiền sai địa chỉ thỏa thuận cho hai cá nhân với số tiền 12,417 tỷ đồng.

Đến ngày 24/12/2008, sau khi hết thời gian thực hiện hợp đồng 5 tháng, Thành Việt mới chuyển cho Satra quyền sở hữu 250.095 cổ phiếu, ngày 4/3/2009 chuyển 16.000 cổ phiếu. Số cổ phiếu còn lại Công ty Thành Việt chưa chuyển cho Satra theo hợp đồng là 215.000 cổ phiếu tương ứng số vốn chưa thu hồi là 22,145 triệu đồng.

Ngày 8/12/2010, Satra đã khởi kiện Thành Việt ra Tòa án Nhân dân quận 3 để đòi nợ, nhưng hiện nay vẫn chưa xử lý xong.

Thanh tra cũng cho rằng việc đầu tư vào các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Satra là thấp hơn quy định (70%), sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước vượt quá vốn điều lệ.

Thực tế từ năm 2008 đến ngày 31/3/2011, Satra đã đầu tư vào các lĩnh vực khác từ 56,89% đến 68,77% tổng vốn đầu tư, trong đó các lĩnh vực khác gồm: đầu tư ngắn hạn (cho vay vốn); đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư, hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên, gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Vốn đầu tư vào lĩnh vực chính còn lại từ 31,23% đến 43,11%. So với mức tối thiểu quy định 70% thì số vốn đầu tư vào lĩnh vực chính ít hơn quy định là 2.078.395 triệu đồng.

Quá trình thanh tra cũng cho thấy tại Satra công tác quản lý tài chính cũng còn nhiều sai phạm khác, từ việc hỗ trợ vốn cho các công ty thành viên; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hạch toán doanh thu, hạch toán chi phí, lợi nhuận...

Theo yêu cầu của thanh tra, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Satra sẽ phải "rút kinh nghiệm” và có biện pháp xử lý các sai phạm và chỉ đạo các đơn vị được thanh tra tổ chức thực hiện các kiến nghị của thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30/11/2011.

Trong khi chờ đợi việc xử lý các sai phạm tại Satra, có thể nhận thấy đây không chỉ là những sai phạm tại một doanh nghiệp cụ thể, mà còn gợi mở một góc nhìn về quản trị doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Vào thời điểm 2007 - 2008, với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã biết "tranh thủ" để "làm ăn".

Dựa vào lợi thế của mình, các doanh nghiệp thường vẽ ra các kế hoạch đầy tham vọng, qua đó phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn, từ đó quay lại... đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, lĩnh vực chính đã không được đầu tư, đơn giản vì không đem lại lợi nhuận một cách nhanh chóng.

Về bản chất, Satra, cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, đã nhân danh nhà nước để trục lợi từ thị trường, phần nào đó là lừa dối các nhà đầu tư đã tin tưởng vào trái phiếu, cổ phiếu của họ.

Thị trường chứng khoán bùng nổ một cách không hợp lý cũng chính vì sự "tiếp tay" đầy tích cực của nhiều doanh nghiệp như Satra. Hàng ngàn, thậm chí hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp nhà nước "biểu diễn” như vậy trước khi thị trường trầm lắng trở lại và đem lại những quả đắng cho chính họ, như là Satra đang được nếm trải.

Với góc nhìn như vậy, việc thanh tra chỉ yêu cầu ban lãnh đạo Satra tiến hành "rút kinh nghiệm” và xử lý các sai phạm, e rằng cũng là quá nhẹ và không thể tạo ra tiền lệ tốt cho việc thắt chặt công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.