11:27 07/05/2007

Scandal chứng khoán: Làm lợi từ thảm họa quốc gia

Một vụ scandal chứng khoán trong năm 2006 tại Mỹ đã dẫn đến việc hơn 50 giám đốc của 130 tập đoàn hàng đầu bị sa thải

Mặt trước Sở Giao dịch chứng khoán New York.
Mặt trước Sở Giao dịch chứng khoán New York.
Năm 2006, vụ scandal “options back-dating” (ghi lùi ngày quyền mua cổ phần) giống như cơn bão lớn tràn qua tàn phá vương quốc của các tập đoàn, công ty hàng đầu tại Mỹ. Một thủ đoạn tài chính tinh vi được lãnh đạo các công ty áp dụng nhằm moi tiền công ty một cách bất chính mà phần thiệt hại thuộc về các cổ đông. Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính Mỹ đã mở một cuộc điều tra lớn chưa từng có, dẫn đến việc hơn 50 giám đốc của 130 tập đoàn hàng đầu bị sa thải.

Sau đây là loạt phóng sự của Wall Street Journal về scandal này vừa đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer năm 2007.


Affliated Computer Services (ACS - trụ sở tại thành phố Dallas, bang Texas) là tập đoàn công nghệ khổng lồ với nhân sự 55.000 người và doanh thu hằng năm lên đến 4,4 tỉ USD.

Vào một ngày mùa hè năm 2002, cổ phiếu của ACS bất ngờ tụt xuống mức thấp kỷ lục trong năm, nhưng đó lại là một ngày hết sức đẹp trời với giám đốc điều hành ACS Jeffrey Rich khi vận rủi của công ty lại giúp tài khoản cá nhân của Rich phình ra một cách đáng kể.

Những món lời béo bở

Nguyên nhân thật đơn giản bởi “quyền chọn mua cổ phần” (stock option) hằng năm do ban lãnh đạo ACS cấp cho Rich có mức giá định đúng ngày đặc biệt đó, cho phép Rich được mua cổ phiếu công ty với mức giá thấp trong nhiều năm.

Nếu mức giá “quyền chọn mua cổ phần” của Rich được định vào một tuần trước đó, khi giá cổ phiếu ACS cao hơn 27%, thì lợi nhuận mà ông ta giành được chắc chắn ít hơn rất nhiều.

Trên thực tế, trong năm 1995-2002, toàn bộ sáu “quyền chọn mua cổ phần” Rich được cấp đều “tình cờ” có mức giá định vào ngày cổ phiếu của ACS sụt giảm ở mức thấp nhất trước khi tăng lên.

Chẳng hạn như lần Rich được cấp quyền mua 500.000 cổ phần ở mức giá 11,53 USD định ngày 8/10/1998, mức giá thấp nhất sau khi cổ phiếu ACS liên tục sụt giảm trong 20 ngày. Tuy nhiên, 20 ngày sau đó, giá cổ phiếu ACS tăng vọt tới 60%, đem lại cho Rich một khoản tiền chênh lệch lên đến 3,8 triệu USD.

Jeffrey Rich chỉ là một trong số hàng chục lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn tại Mỹ hưởng lợi từ những “quyền chọn mua cổ phần” có mức giá định vào “ngày chuẩn” như vậy. Một kỷ lục mà đến giờ người ta vẫn còn nhắc lại là trường hợp của William W. McGuire, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn bảo hiểm UnitedHealth Group.

Ngày 13/10/1999, McGuire được UnitedHealth Group thưởng quyền mua 14,6 triệu cổ phần. Điều đáng nói là quyền mua cổ phần đó có mức giá định vào ngày mà giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong năm. Ba lần khác ông McGuire nhận quyền mua cổ phần vào năm 1997, 2000 và 2001 cũng diễn ra với kịch bản tương tự. Cho đến tháng 3/2006, McGuire mua 5% trong số 14,6 triệu cổ phần được mua năm 1999 và hưởng khoản chênh lệch tới 39 triệu USD.

Vào thời điểm đó, nếu McGuire mua toàn bộ số cổ phiếu còn lại, khoản lợi nhuận ông ta được hưởng sẽ phình lên con số khổng lồ: 717 triệu USD.

May mắn hay gian lận?

Jeffrey Rich hay William W.McGuire luôn miệng khẳng định họ được hưởng “quyền chọn mua cổ phần” có mức giá định vào ngày giá cổ phiếu sụt giảm chỉ hoàn toàn là “may mắn ngẫu nhiên” chứ không có hoạt động gì mờ ám.

Khi nhảy vào điều tra, để xác minh lý thuyết “vận hên từ trên trời rơi xuống” này, Wall Street Journal đã thuê chuyên gia thống kê John Emerson thuộc Đại học Yale phát triển một chương trình vi tính, nhằm tính toán khả năng quyền mua cổ phần có mức giá định vào ngày giá cổ phiếu giảm thấp nhất trong 252 ngày giao dịch trong năm. Và kết quả rất gây sốc.

Theo tính toán của giáo sư John Emerson, xác suất khả năng toàn bộ quyền chọn cổ phần của Jeffrey Rich có mức giá định vào “ngày may mắn” nhỏ đến mức đáng kinh ngạc: chỉ 1/300 tỉ, còn khó xảy ra hơn việc tung một đồng xu lên không khí 38 lần mà lần nào mặt phải cũng hiện lên trên.

Trong khi đó, xác suất một người trúng xổ số liên bang Powerball (loại xổ số cực kỳ khó trúng ở Mỹ) với tấm vé số 1 USD là 1/146 triệu. Đối với trường hợp của William W. McGuire, tỉ lệ cũng cực nhỏ: 1/200 triệu. Sáu trường hợp khác trong nghiên cứu của giáo sư Emerson cũng ra kết quả hoàn toàn tương tự. Như vậy, yếu tố “số đỏ” ở đây hầu như đã bị loại bỏ.

Câu giải thích hợp lý chỉ có thể là Rich và McGuire đã diễn trò “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần” (stock option backdating) một cách thiếu minh bạch với các cổ đông thông thường. Điều tra của Wall Street Journal cộng với phân tích của các chuyên gia tài chính khẳng định lãnh đạo các tập đoàn Mỹ đã cấu kết với nhau để lấy quyền mua cổ phiếu, mà mức giá họ toàn quyền chọn vào ngày giá cổ phiếu thấp nhất trong quí hoặc trong năm.

Vơ vét quanh nấm mồ

Ngày 11/9/2001, cả nước Mỹ chìm trong tang tóc sau các vụ tấn công khủng bố bằng máy bay. Thị trường chứng khoán Mỹ tê liệt.

Khi thị trường chứng khoán mở cửa lại vào ngày 17/9, giá cổ phiếu tụt thảm hại, trung bình giảm 14% trong vòng năm ngày liên tiếp. Khi đó, chỉ số Dow Jones hạ xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 5/1940, thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, thảm họa đó lại trở thành dịp để các nhà lãnh đạo cả chục công ty tại Mỹ vơ vét hàng chục triệu USD bằng thủ đoạn “ghi lùi". Từ ngày 21/9 đến cuối tháng, khi nhân viên cứu hộ còn đang đào bới đống đổ nát tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York, các gia đình than khóc quanh nấm mồ các nạn nhân vụ khủng bố, thì ban lãnh đạo các tập đoàn bận rộn trao quyền mua cổ phần cho các giám đốc, quản lý với mức giá được định vào những ngày trước đó khi giá cổ phiếu tụt dốc không phanh.

Theo khảo sát của Hãng Standard & Poor’s, từ ngày 17/9 cho đến cuối tháng, 511 giám đốc điều hành của 186 công ty hàng đầu tại Mỹ được thưởng “quyền chọn mua cổ phần”, cao hơn gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2000. Trong đó, có tới 91 công ty không thường xuyên trao “quyền chọn mua cổ phần” vào tháng chín hằng năm. Chỉ riêng tổng số “quyền chọn mua cổ phần” của 91 công ty này có giá trị tới 325 triệu USD vào thời điểm đó.

Tình trạng này đã dẫn đến câu hỏi: liệu có phải các công ty lợi dụng một thảm họa quốc gia để làm lợi cho các lãnh đạo của công ty mình? Thậm chí một số “quyền chọn mua cổ phần” có mức giá định vào chính xác ngày mà giá cổ phiếu tại Mỹ xuống mức thấp nhất trong giai đoạn suy thoái đó, đơn cử như trường hợp của John Sperling, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Apollo và Todd Nelson, giám đốc điều hành.

Ngày 21/9, Sperling và năm nhân viên cao cấp của Apollo nhận “quyền chọn mua cổ phần” mua 513.000 cổ phiếu của Apollo. Đến cuối năm, giá cổ phiếu Apollo tăng 29%, đem lại cho Sperling khoản lợi nhuận 12 triệu USD. Nelson còn kiếm được nhiều hơn, tới 14,4 triệu USD.

* Trong các doanh nghiệp, “quyền chọn mua cổ phần” (stock option) là hình thức khen thưởng để khuyến khích nhân viên làm việc tốt. Khi trao “quyền” cho một nhân viên, doanh nghiệp trao cho họ quyền được mua (một lượng nhất định) cổ phiếu của công ty ở một mức giá định trước. Giá này gọi là giá mua (strike price), thường là giá cổ phiếu lúc đóng cửa của ngày họ nhận thưởng.

Giá trị của phần thưởng đó, nói cách khác là lợi nhuận người nhân viên đó có được khi mua rồi bán số cổ phiếu này ra hoặc nếu không bán thì hưởng cổ tức hằng năm, sẽ càng lớn khi giá mua càng thấp.

Ghi lùi ngày quyền mua cổ phần (option backdating) là hình thức cấp cho nhân viên một công ty quyền chọn mua cổ phần có mức giá được định trước ngày công ty cấp cho nhân viên quyền mua cổ phần đó. Nếu mức giá được chọn lựa một cách cố ý vào một ngày trong quá khứ khi giá cổ phiếu ở mức thấp, thì hành động “ghi lùi” tương đương với việc trao tiền mặt cho người nhận.

Ví dụ nếu tổng giám đốc công ty A được thưởng quyền mua cổ phiếu vào ngày 3/5 khi giá cổ phiếu A đang lên cao, thì để tối đa hóa phần thưởng, ông chỉ cần chọn ngày nào giá cổ phiếu A thấp nhất, ví dụ ngày 1/4, và ghi vào phiếu thưởng là phần thưởng được trao vào ngày 1/4 là xong.