09:31 09/05/2007

Scandal chứng khoán: Thương vong vì gian lận

Nhiều doanh nhân vì lóa mắt trước món lợi quá dễ kiếm nên đã đánh mất niềm tin của các cổ đông

Các nhân viên môi giới đang bán tháo cổ phiếu của United Health trên sàn chứng khoán New York sau khi tai tiếng xảy ra - Ảnh: AP.
Các nhân viên môi giới đang bán tháo cổ phiếu của United Health trên sàn chứng khoán New York sau khi tai tiếng xảy ra - Ảnh: AP.
Giữa tháng 3/2006, báo Wall Street Journal đăng một bài viết gây chấn động dư luận phân tích sự trùng hợp đáng ngờ trong việc giám đốc cấp cao của nhiều công ty thường xuyên được thưởng “quyền chọn mua cổ phần” vào những lúc giá ở mức thấp nhất.

>>Scandal chứng khoán: Phản ứng dây chuyền

Tại những công ty có tên trên báo, sự kiện này đã “châm ngòi” cho các cuộc điều tra nội bộ để tìm sự thật.

130 công ty vào “tầm ngắm”

Vì sự việc ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tác động quyền lợi của các nhà đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào cuộc mạnh hơn và phát hiện hàng loạt công ty khác có dính líu đến vụ scandal này.

Đến tháng 12/2006, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã đưa hơn 130 công ty vào “tầm ngắm”, trong đó có nhiều công ty lớn như CNET, McAfee, Apple, Microsoft, Affi liated Computer Services và điển hình nhất là United Health.

Tập đoàn bảo hiểm y tế khổng lồ United Health là một trong những công ty mà Wall Street Journal đặt nghi vấn trong bài báo cuối tháng 3/2006. Đầu tháng 4/2006, công ty này thuê Hãng luật WilmerHale tiến hành điều tra nội bộ và thành lập một ủy ban đặc trách theo dõi việc điều tra. Người ta phát hiện cấp lãnh đạo của các phòng có lợi ích mâu thuẫn nhau, ủy ban theo dõi điều tra nội bộ và ủy ban lương thưởng lại duy trì những “mối quan hệ chồng chéo”.

Chẳng hạn, nếu sáng 1/5/2006, Hội đồng Quản trị nghe ủy ban theo dõi điều tra nội bộ về tai tiếng “ghi lùi ngày quyền mua cổ phần” thì buổi chiều vợ chồng Tổng giám đốc quyên góp 4.000 USD cho chiến dịch tranh cử thượng viện của con trai ông Thomas Kean.

Lời khai của ông Thomas Kean rất quan trọng trong quá trình điều tra vì ông làm trong ủy ban lương thưởng - bộ phận phụ trách xét thưởng “quyền chọn mua cổ phần” cho ban giám đốc. Ngay cả một thành viên của ủy ban theo dõi điều tra nội bộ, Richard Burke, cũng góp tiền cho cuộc tranh cử của con trai ông Kean. Và còn nhiều “nhà hảo tâm” khác trong United Health với số tiền quyên cho con trai ông Kean đến 25.000 USD.

Các khoản quyên góp chỉ là một ví dụ về các “mối quan hệ chồng chéo”. Tại Công ty Affiliated Computer Services (ACS), thay vì nhờ một công ty kiểm toán, tư vấn luật độc lập tiến hành kiểm toán thì lại làm ngược lại. Ủy ban kiểm tra có 13 người thì hết chín người là thành viên hội đồng quản trị và các giám đốc, bốn người còn lại tuy là nhân viên một công ty tư vấn độc lập nhưng lại có quan hệ sâu xa với tổng giám đốc ACS.

Một nửa thành viên của ủy ban này từng được nhận các khoản thưởng “quyền chọn mua cổ phần” do tổng giám đốc ký duyệt vào những ngày giá cổ phiếu rất thấp, nghĩa là các nhân viên sẽ rất lời khi thực hiện quyền mua này rồi bán lại số cổ phần đó.

Anh có là nhà lãnh đạo liêm chính?

Hơn 50 người là tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị đã phải ra đi. Họ là những người vì lóa mắt trước món lợi quá dễ kiếm nên đã đánh mất niềm tin của các cổ đông.

Sau sáu tháng giúp United Health điều tra nội bộ, Hãng luật WilmerHale đã xem xét 29 khoản thưởng “quyền chọn mua cổ phần” có giá trị lớn nhất từ 1994 đến 2006 và phát hiện 27 khoản được trao vào những ngày giá cổ phiếu thấp từ thứ nhất đến thứ ba trong quí, thậm chí là thấp nhất trong năm.

Theo tính toán của tờ Wall Street Journal, tổng giám đốc William McGuide được hưởng phần lớn nhất và những lần thưởng khác cho cấp dưới đều có ảnh hưởng của ông trong quá trình xét duyệt. Đó là cú điện thoại hay lần gặp mặt với thành viên trong ủy ban xét thưởng.

Tuy nhiên, các điều tra viên không tìm được giấy tờ, hồ sơ ghi nhận về cách xét thưởng; còn những người liên quan đều nói “chỉ nhớ mang máng” những chuyện xảy ra.

Nhưng dù thế, tháng 12/2006, Tổng giám đốc William McGuide đã bị buộc từ chức. Hàng loạt các giám đốc ở nhiều công ty khác cũng phải ra đi. Ở Công ty CNET là chủ tịch hội đồng quản trị, luật sư trưởng và giám đốc nhân sự.

Ở Hãng máy tính Apple là giám đốc tài chính Fred Anderson. Cho đến nay, Anderson đã phải chịu mức phạt 150.000 USD và bị buộc phải móc hầu bao trả lại 3,5 triệu USD tiền lời bất chính. Những nhân vật nổi tiếng khác như Steve Jobs (Apple) và Michael Dell (Dell) cũng bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín khi dính dáng đến xìcăngđan này.

Đồng thời, việc nhiều giám đốc cấp cao khác phải ra đi vì làm các nhà đầu tư mất niềm tin. Họ là những người như luật sư trưởng Sharon Le Duy và giám đốc nhân sự Heather McGaughey ở CNET, được cấp trên thưởng nhưng không biết phần thưởng đó có vấn đề. “Nhưng vấn đề không phải là anh bị có tội nên phải từ chức mà là anh có là nhà lãnh đạo liêm chính hay không - ông Kirk Hanson, Giám đốc Trung tâm đạo đức nghề nghiệp Markkula của Đại học Santa Clara (California, Mỹ), nói - Nếu một giám đốc có dính líu vẫn tại vị, đó là tín hiệu cho thấy tổ chức đó dung túng, thậm chí khuyến khích những cách hành xử bất thường”.

* Người ta không thể nào tin được có một sự ngẫu nhiên trong tất cả 11 lần mà ông Richard Scrushy - cựu Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch HĐQT của Công ty Cung cấp dịch vụ y tế HealthSouth - được cấp “quyền chọn mua cổ phần” của HealthSouth từ 1995 đến 2000 vì những ngày tháng ghi đều “rất đẹp”.

Scrushy đã được quyền mua 800.000 cổ phần vào ngày 29/2/2000 với mức giá đóng của ngày hôm đó là 4,8 USD/cổ phiếu - mức giá thấp nhất năm 2000. Hai tháng sau, giá trị cổ phiếu đã tăng lên 65% và đến cuối năm đạt trên 16USD/cổ phiếu.

Ông Scrushy đã bị HĐQT sa thải vào năm 2003 sau khi những gian lận trong sổ sách kế toán trị giá 2,7 tỉ USD đã đẩy công ty này đến nguy cơ phá sản.