11:42 22/02/2008

“Sẽ cân nhắc thời điểm lên sàn”

Hoàng Xuân

Hỏi chuyện ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa An Phát về kế hoạch niêm yết

An Phát khởi công nhà máy tái chế hạt nhựa và sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp An Đông, Hải Dương ngày 26/5/2007.
An Phát khởi công nhà máy tái chế hạt nhựa và sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp An Đông, Hải Dương ngày 26/5/2007.
Công ty Cổ phần Nhựa An Phát đang hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng cho việc lên sàn chứng khoán vào quý 2/2008.

Ngay trước thời điểm quan trọng này, An Phát đã chính thức công bố 4 cổ đông chiến lược của mình bao gồm các tổ chức tài chính trong và ngoài nước với những cam kết cùng nhau hỗ trợ, cùng nhau phát triển.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty về vấn đề này.

Xin ông cho biết, tỷ lệ sở hữu cổ phần mà các cổ đông chiến lược của An Phát đang nắm giữ hiện nay và những ràng buộc của các cổ đông này về thời gian nắm giữ cổ phần?

Hiện nay, trong vốn điều lệ 66 tỷ đồng của An Phát, 4 cổ đông chiến lược nắm giữ 46%, trong đó: Quỹ DWS Việt Nam nắm 12,12%, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBSC) nắm giữ 5,45%, Tổng công ty Cổ phần Tài chính dầu khí - Chi nhánh Nam Định (PVFC) nắm giữ 3,79 %, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp (IDJF) nắm giữ 24,24 %.

Theo hợp đồng thì các tổ chức này không có sự ràng buộc về thời gian nắm giữ cổ phiếu.

Nhìn vào danh sách các cổ đông chiến lược của An Phát thì dễ dàng nhận thấy rằng đó là những nhà đầu tư tài chính thay vì là những đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tương tự như An Phát. Ông có thể nói gì về những đối tác này và sự hợp tác của họ trong việc hỗ trợ An Phát phát triển?

Theo cam kết, các đối tác chiến lược sẽ cùng An Phát phát triển và củng cố thương hiệu trong nước và tại thị trường quốc tế, hỗ trợ An Phát về hệ thống quản trị doanh nghiệp và tài chính trong quá trình phát triển tiếp theo.

Nếu tình hình thị trường chứng khoán vẫn không thuận lợi cho việc lên sàn của An Phát, liệu công ty có trì hoãn kế hoạch này không, thưa ông?

Việc niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong thời gian tới phải đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông và công ty.

Chúng tôi sẽ cân nhắc đối với từng tình hình thị trường cụ thể để niêm yết sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Trong năm 2008, công ty sẽ tăng vốn lên 80 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được thực hiện vào thời điểm nào?

Việc huy động tăng vốn thêm 14 tỷ đồng sẽ được tiến hành vào thời điểm cuối năm 2008, sau khi công ty chúng tôi niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Chiến lược phát triển của An Phát trong 5 năm tới ra sao?

Giai đoạn 2007 - 2008, công ty tập trung xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động nhà máy số 2 tại khu công nghiệp An Đồng, phát huy tối đa năng lực sản xuất của nhà máy số 1, niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tăng sản lượng tiêu thụ túi siêu thị trong nước lên khoảng 200 tấn/tháng, tăng vốn điều lệ lên khoảng 80 tỷ đồng vào năm 2008, tăng trưởng doanh số bình quân khoảng 30%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 30%, doanh số xuất khẩu 12 triệu USD trong năm 2008, trở thành nhà tái chế màng nhựa và xuất khẩu bao bì màng mỏng lớn nhất miền Bắc.

Giai đoạn 2008 - 2010, tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng vào năm 2010, tăng trưởng 20%, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 32%, phát triển thêm nhóm hàng bao bì nilon tự phân huỷ, phối hợp với tổ chức EPI của Canada thiết lập một dây chuyền sản xuất bao bì đạt chuẩn về bảo vệ môi trường và trở thành nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Việt Nam.

Giai đoạn 2010 - 2012, công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng vào năm 2012, tăng trưởng 15%, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 35%, phát triển thêm nhóm hàng bao bì giấy, bao bì công nghiệp, hoá chất, bao bì thực phẩm và trở thành nhà sản xuất bao bì lớn nhất Việt Nam.

Theo ông, điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư nhất ở An Phát?

Các nhà tư rất quan tâm đến chúng tôi ở 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất, An Phát hiện có một dây chuyền xử lý phế liệu có công suất lớn, quy trình khép kín, hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh tiên tiến.

Thứ hai, An Phát có đội ngũ lãnh đạo trẻ, có trình độ cao, đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề. Thứ ba, An Phát đang hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa, một trong những ngành nghề rất được Chính phủ quan tâm và ủng hộ.

Bên cạnh ưu thế, những thách thức mà An Phát sẽ gặp phải là gì, thưa ông?

Bản thân công ty đang hoạt động trong ngành nhựa, một lĩnh vực chịu nhiều sự ảnh hưởng về giá thành đầu vào do liên quan đến dầu lửa, nên kế hoạch sản xuất kinh doanh có những ảnh hưởng nhất định. Mức lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu 30% mà đại hội cổ đông đưa ra thực sự là thách thức rất lớn đối với Hội đồng Quản trị, do dự kiến đến tháng 4/2008, nhà máy số 2 tại Khu công nghiệp An Đồng mới đi vào hoạt động.

Hiện nay, quy mô của công ty đang mở rộng, việc đào tạo cán bộ quản lý có năng lực và trình độ rất cấp thiết. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, việc đào tạo cán bộ đòi hỏi phải có một kế hoạch rất chi tiết và kịp thời mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong thời gian tới.

Hơn nữa, ngành nhựa là một ngành công nghiệp mũi nhọn nhưng có đặc thù là công nghệ thường xuyên phải thay đổi, nên đòi hỏi công ty phải có chiến lược đổi mới công nghệ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.