10:39 01/04/2008

“Sẽ có thêm nhiều thanh niên Việt sang Nhật học”

“Ưu tiên của tôi là không chỉ đưa sinh viên bậc đại học của Việt Nam sang Nhật học tập mà khuyến khích cả học sinh phổ thông"

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba.
“Ưu tiên của tôi là không chỉ đưa sinh viên bậc đại học của Việt Nam sang Nhật học tập mà khuyến khích cả học sinh phổ thông".

Tân đại sứ Nhật tại Việt Nam Mitsuo Sakaba khẳng định như vậy khi trò chuyện với báo giới. "Trong vòng năm năm sẽ có 2.000 học sinh Việt Nam sang Nhật... Nhật cũng sẽ giúp đào tạo 1.000 tiến sĩ cho Việt Nam, chủ yếu trong ngành cơ khí. Các trường đại học Nhật hiện đã sẵn sàng đón nhận du học sinh Việt Nam trong chương trình này...”, ông nói.

Thưa ông, có thể cho biết về chuyến làm việc tại Tp.HCM cũng như chi tiết những dự án mới vừa được ký kết?

Tôi đã đến Tp.HCM và được gặp ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy, để bàn về những dự án hợp tác. Chúng tôi thảo luận về những dự án đã hợp tác và bây giờ là hai dự án quan trọng: tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cũng như những tuyến tiếp theo và dự án xử lý nước thải.

Chúng tôi còn bàn về việc làm thế nào để Nhật Bản giúp Tp.HCM xây dựng những tuyến tàu điện ngầm khác. Đối với tuyến tàu điện ngầm số 1, với sự hỗ trợ về tư vấn của Nhật Bản cho việc thiết kế chi tiết, sang năm dự án này sẽ bắt đầu xây dựng.

Ngày 26/3 tôi đại diện Chính phủ Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc để mở rộng khoản vay giai đoạn hai cho những dự án được Nhật Bản tài trợ, khoảng 130 triệu USD. Chúng tôi cũng đã đồng ý tiếp tục hợp tác cho những giai đoạn kế tiếp.

Cũng trong ngày 26/3, chúng tôi đã ký thỏa thuận để triển khai xây dựng 55km đầu tiên cho dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ Tp.HCM đi Dầu Giây. Đây là bước đầu tiên của dự án khổng lồ này.

Một dự án quan trọng khác là xây dựng đường tàu lửa cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi vẫn đang còn nhờ đến các chuyên gia nghiên cứu. Khoảng tháng bảy hay tháng tám này sẽ có báo cáo chính thức cho chính phủ hai nước và đến cuối năm sẽ có báo cáo cuối cùng.

Đối với dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chúng tôi cũng đã ký thỏa thuận với Bộ Kế hoạch - đầu tư hôm 26/3 để xây dựng một con đường dẫn từ cảng Hải Phòng và một con đường khác từ sân bay Nội Bài vào khu này. Bởi vì chúng tôi nghĩ việc đầu tiên phải làm là xây dựng những đường dẫn tốt nhất vào khu công nghệ cao này.

Hiệp định mậu dịch tự do giữa hai nước đã được tiến hành đàm phán từ năm 2006 và dự kiến kết thúc một năm sau đó, nhưng đến nay hai bên vẫn chưa thể ký kết. Theo ông, đâu là những khó khăn mà hai bên chưa thể vượt qua?

Chúng ta đã có sáu vòng đàm phán cho một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa hai nước, một loại hiệp định mậu dịch tự do. Tháng tư này sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ bảy tại Nhật Bản. Đã đi đến gần một thỏa thuận kết thúc đàm phán, tuy nhiên vẫn còn đó một số khác biệt cần giải quyết.

Tôi không nghĩ là có sự chậm trễ trong việc đàm phán hiệp định này giữa Việt Nam và Nhật Bản nếu so sánh với những hiệp định tương tự giữa Nhật Bản với Indonesia, Thái Lan và Philippines… Nhưng tất nhiên đây không phải là một hiệp định dễ đàm phán.

Ví dụ, phía Nhật Bản yêu cầu Chính phủ Việt Nam giảm thuế suất một số mặt hàng như đồ điện tử, nhưng phía Việt Nam chưa đồng ý. Còn Chính phủ Nhật Bản cũng gặp khó khăn trong việc chấp nhận yêu cầu giảm thuế suất hàng nông sản của Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta có thể ký kết hiệp định này vào trước cuối năm nay.

Trong hiệp định với Philippines, Nhật Bản đã chấp nhận cho những tu nghiệp sinh Philippines trở thành lao động, cho phép y tá Philippines vào Nhật Bản làm việc. Vậy trong hiệp định với Việt Nam, Nhật Bản có áp dụng tương tự?

Vâng, đây cũng là một phần quan trọng. Để được vào Nhật Bản làm việc cần phải có những luật lệ riêng. Chẳng hạn, những y tá, hộ lý Philippines muốn vào Nhật Bản làm việc phải đạt một loại bằng cấp quốc gia và có một khoảng thời gian kinh nghiệm làm việc nhất định...

Ở Việt Nam lại chưa có một hệ thống bằng cấp mang tính quốc gia tương tự như vậy. Chúng tôi đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam về một hệ thống bằng cấp như vậy cho những y tá, hộ lý chuyên nghiệp và phía Việt Nam đã đồng ý hình thành một hệ thống như Philippines hay Indonesia đã làm.

Chúng tôi được biết Nhật Bản sẽ giúp đào tạo 1.000 tiến sĩ cho Việt Nam, xin ông cho biết cụ thể về chương trình này?

Vừa qua Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm chính thức Nhật Bản đã có những thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục với Nhật Bản. Có hai vấn đề chính trong việc hợp tác này. Thứ nhất, Nhật Bản sẽ giúp đào tạo 1.000 tiến sĩ cho Việt Nam, chủ yếu là trong ngành cơ khí.

Các trường đại học tại Nhật Bản hiện đã sẵn sàng đón nhận những du học sinh Việt Nam trong chương trình này. Các du học sinh này sau khi tốt nghiệp sẽ bổ sung cho lực lượng quản lý cấp cao, vốn rất quan trọng và đang thiếu, cho sự nghiệp hiện đại hóa của Việt Nam.

Một chương trình khác từ gợi ý của ông Nhân mà tôi cho là rất hữu ích. Ở Nhật Bản đang có một số lượng lớn người về hưu. Những người này dù về hưu nhưng vẫn còn đủ sức khỏe, năng động, có kinh nghiệm làm việc và kỹ năng giỏi.

Ông Nhân nói tại sao không tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm của những người này, mời họ đến Việt Nam dạy cho người Việt. Tôi vừa đến Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) để khảo sát và nghĩ rằng nó phù hợp cho chương trình này. Ở Hà Nội cũng có một trung tâm như vậy. Tôi nghĩ chúng ta nên theo đuổi chương trình này để làm lợi cho cả hai bên.