09:35 27/05/2008

Sẽ giám sát doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ

Bộ Tài chính trước ngày 30/3 hàng năm sẽ xác định các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ để đưa vào danh sách giám sát

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không thuộc đối tượng áp dụng của quy định trên.
Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không thuộc đối tượng áp dụng của quy định trên.

Bộ Tài chính trước ngày 30/3 hàng năm sẽ xác định các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ để đưa vào danh sách giám sát.

Doanh nghiệp được đưa ra, đưa vào khỏi danh sách giám sát sẽ được công khai bằng văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp và doanh nghiệp.

Đây là một nội dung nằm trong Thông tư số 42/2008/TT-BTC do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà vừa ký ban hành, hướng dẫn quy chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả mà Chính phủ đã ban hành trước đó.

Các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được hiểu là hoạt động kém hiệu quả nếu kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp hoặc mất từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên trước năm thực hiện giám sát.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được xem là kém hiệu quả nếu có 2 năm lỗ mà giữa 2 năm này có một năm lãi, trong đó trước năm thực hiện việc giám sát doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vẫn không thuộc đối tượng áp dụng của quy định trên.

Theo thông tin từ một cuộc họp của Chính phủ, tính đến tháng 12/2007, số lượng doanh nghiệp Nhà nước hiện còn khoảng 1.900 đơn vị, nếu loại trừ 300/400 nông lâm trường quốc doanh thì cả nước còn khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Nhưng để chuyển đổi sở hữu những doanh nghiệp này không đơn giản vì nguồn vốn nhà nước tập trung rất nhiều tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế (khoảng 86% tổng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp).

Theo Bộ Tài chính, hiện vẫn còn trên 600 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hòa tới lỗ. Trên 430 doanh nghiệp Nhà nước bị xếp loại C (chủ yếu do chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt thấp), trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp là đơn vị thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế, tập trung chủ yếu ở các ngành như mía đường, dâu tằm tơ, giấy, lương thực, một số tổng công ty ngành giao thông với số lỗ lũy kế và nợ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.